Tham dự tọa đàm có Thiếu tướng Cao Đăng Hưng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn TP...
Kết quả đạt được đến nay là rất đáng khích lệ
Đại diện Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM, Đại tá Lê Văn Hải - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh, báo cáo đến hội nghị những kết quả TP đạt được trong 09 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, đối với 25 dịch vụ công (DVC) trực tuyến thuộc Đề án 06, TP đã triển khai tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người dân trên Cổng DVC Thành phố và Cổng DVC Quốc gia. 11 DVC của ngành Công an đã hoạt động ổn định, tỷ lệ tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Đáng chú ý như lĩnh vực QLHC về TTXH: Số lượng hồ sơ đăng ký cư trú, tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký cư trú qua dịch vụ liên thông, cấp CCCD và giấy xác nhận số CMND trên Cổng DVC trực tuyến đạt tỷ lệ từ 80%; Lĩnh vực đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT đạt chỉ tiêu 100%.
Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy: Gồm 19 thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt chỉ tiêu 94%. Lĩnh vực quản lý, đăng ký xe toàn TP đạt tỉ lệ 86% trở lên.
Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVC đạt tỷ lệ 70%. Lĩnh vực cấp hộ chiếu đạt tỷ lệ 79% dịch vụ công trực tuyến...
Toàn cảnh buổi tọa đàm
TP cũng đã triển khai có hiệu quả 10/20 mô hình điểm như: “Triển khai dịch vụ công”; “Công dân số”; “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “An sinh xã hội”, “Khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID”; “Triển khai phần mềm lưu trú cho doanh nghiệp lưu trú (ASM); “Tuyên truyền của địa phương”; “Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức”; “Triển khai lưu trú tại các bệnh viện”; “Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực”.
Đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt, Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06 TPHCM đã ban hành kế hoạch 1878/KH-BCD nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân (CCCD) cho các trường hợp trên. Tổ công tác đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp khai thác, thu thập thông tin dân cư và tiến hành các biện pháp xác minh, xác định thông tin dân cư đối với 1.325 trường hợp. Qua đó, đã giải quyết cấp số Định danh cá nhân (ĐDCN) và thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 337 trường hợp đã được cấp mã số định danh cá nhân và nhận hồ sơ cấp CCCD, còn lại 988 trường hợp đang tiến hành các biện pháp xác minh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm
Tính đến ngày 31/10/2023, BHXH TP.HCM đã thực hiện đồng bộ ĐDCN/CCCD của 7.513.109/8.007.698 người tham gia, đạt 93,82% (tăng hơn 20% so với đầu năm 2023). Đồng bộ CCCD gắn chíp với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD là gần 7,22 triệu thẻ; số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là 398/398 (đạt 100%); số lượt công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là hơn 6,44 triệu.
TP cũng đã triển khai 100% việc thanh toán các khoản phí trong lĩnh vực giáo dục và y tế không dùng tiền mặt. về phát triển công dân số, CATP đã thu nhận 7.547.590 hồ sơ đề nghị cấp CCCD, 4.499.778/5.454.179 tài khoản ĐDĐT mức 2 cho công dân (đạt 82,5%).
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Phần tham luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức điều hành diễn ra sôi nổi. Ông Dương Anh Đức yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Sở Tư pháp báo cáo chi tiết những vướng mắc cần giải quyết đồng thời kiến nghị và nêu giải pháp để tháo gỡ.
Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh “Công tác đảm bảo dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống rất quan trọng. Ban đầu, chúng ta thực hiện rất nhanh chóng nhưng tiến càng gần đích 100% thì sẽ càng khó khăn. Kiểu như “cá chép vượt vũ môn hoá rồng”, chúng ta không nỗ lực vượt vũ môn thì chép vẫn là chép, không thể hoá rồng được”.
Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Trước tâm tư của Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo các sở ngành của TP tham luận khá chi tiết về những khó khăn vướng mắc, đồng thời thẳng thắn đưa ra các kiến nghị.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, với nỗ lực để không người dân nào bị bỏ lại phía sau, BHXH TP đã cử thành viên tham gia Tổ công tác thực hiện “Kế hoạch thu thập dữ liệu dân cư, cấp ĐDCN, giải quyết lưu trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố” (gọi tắt là KH 1878) và chủ động hướng dẫn ngành Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Công an rà soát, xác minh từng trường hợp nhân khẩu đặc biệt.
Trường hợp chưa đủ cơ sở cấp CCCD cho họ thì phải xác nhận để ngành Lao động Thương binh và Xã hội lập danh sách, kèm theo hồ sơ gửi cho cơ quan BHXH để cấp mã số BHXH và cấp thẻ BHYT theo quy định. Tuy nhiên, đến nay BHXH TP tiếp nhận rất ít hồ sơ đề nghị cấp mã số BHXH để cấp thẻ BHYT của ngành Lao động Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Để bảo đảm đầy đủ quyền lợi, chế độ an sinh xã hội cho nhân khẩu đặc biệt. BHXH TP đề nghị ngành Lao động Thương binh và Xã hội tích cực triển khai hướng dẫn trên đến các Cơ sở Bảo trợ xã hội để thực hiện lập hồ sơ cấp thẻ BHYT, giúp cho các cơ sở có điều kiện chăm chăm sóc, nuôi dưỡng họ tốt nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung – PGĐ BHXH TP tham luận tại tọa đàm
Đại diện Sở Tư pháp cũng nêu khó khăn liên quan đến tình trạng chưa đồng bộ giữa các phần mềm DVC; việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông chưa đồng bộ, thống nhất; tình trạng nộp hồ sơ một cửa và đi nhiều phòng (một nơi tiếp nhận hồ sơ nhưng cần nhiều nơi giải quyết); chưa có bộ phận chuyên trách xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; trách nhiệm của từng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính độc lập, cắt khúc; hệ thống phầm mềm DVC liên thông chưa hoàn chỉnh, chưa hỗ trợ các chức năng thống kê, báo cáo, kiểm tra, đôn đốc xử lý hồ sơ…
Đại diện Sở Tư pháp TP nêu những khó khăn vướng mắc
Đại diện CATP, lực lượng nòng cốt, chủ chốt trong triển khai thực hiện Đề án 06, Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TP mong lực lượng tại cơ sở có nhiều sáng kiến, kiến nghị, giải pháp về kỹ thuật, tổ chức, tuyên truyền thực hiện Đề án 06, bởi theo Thiếu tướng Tài: “Cán bộ cơ sở là người làm trực tiếp, cọ xát trực tiếp, khó khăn trực tiếp nên sẽ có nhiều sáng kiến. Các đồng chí với trách nhiệm của mình gởi cho chúng tôi sáng kiến đó. Chúng tôi sẽ phân loại, phần nào của chúng tôi, chúng tôi sẽ triển khai, phần nào của cấp trên, chúng tôi sẽ kiến nghị, đề xuất cấp trên để giải quyết”.
Đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề
Kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức một lần nữa khẳng định TP đã có những bước tiến triển tích cực, thể hiện ở việc người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Phó Chủ tịch TP biểu dương các sở ban ngành, biểu dương cán bộ cơ sở đã làm việc không ngơi nghỉ để TP đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, có sự vào cuộc của tất cả các sở ban ngành. Tôi mong muốn thời gian tới, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Cũng theo ông Đức, TP còn vướng mắc trong tạo lập, sửa và điều chỉnh dữ liệu nên phải quyết tâm giải quyết gốc rễ vấn đề vì không giải quyết thì vướng mắc vẫn còn đó. Ông cũng yêu cầu những người đứng đầu cần làm tốt vai trò của mình bởi tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu vô cùng quan trọng. “Nơi nào người đứng đầu quan tâm, trách nhiệm thì nơi đó luôn đạt kết quả tốt” – Phó chủ tịch UBND TP khẳng định.
Ngoài ra, ông Dương Anh Đức cũng đề nghị các sở ban ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền do không phải người dân nào cũng nắm rõ về Đề án 06. Các đơn vị cần đa dạng các hình thức truyền thông, nội dung tuyên truyền để người dân biết được vai trò, lợi ích của Đề án 06 cũng như trách nhiệm của họ trong việc triển khai thực hiện Đề án.