Nhiều án đến hạn không xử được
Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trên trong phiên họp chiều nay, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Trí Tuệ cho biết, việc tổ chức phiên toà trực tuyến được triển khai thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng.
Đây cũng đồng thời là để thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN là đến năm 2025 chúng ta phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành Tòa án điện tử.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên họp
“Hiện nay, đa số Tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử và tổ chức xét xử trực tuyến” – Phó chánh án thông tin và lưu ý Việt Nam cũng phải từng bước thực hiện cam kết này để phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bên cạnh việc chỉ ra xu hướng toàn cầu về công nghệ số trong hoạt động xét xử của Toà án, lãnh đạo Toà án tối cao cũng đề cập đến tình hình thực tiễn của Việt Nam. Ông Tuệ khẳng định, các đạo luật về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Các đạo luật này, theo ông Tuệ, cũng cho phép tổ chức phiên tòa ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm.
Theo đề xuất của Toà án Nhân dân tối cao, phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến là các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh.
Các phiên toà trực tuyến được thực hiện xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.
Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, ông Tuệ cho biết, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
“Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch bệnh an toàn” – Phó chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nói.
Toàn cảnh phiên họp
Lãnh đạo ngành Toà án khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp.
Băn khoăn thẩm quyền
Thẩm tra tờ trình, đa số thường trực Uỷ ban Tư pháp đều tán thành với đề xuất của Toà án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, khi bàn về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến thì có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép TANDTC tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10-2021).
Quá trình thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng phân vân về thẩm quyền này. Để “tháo gỡ”, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền gợi mở theo hướng UBTVQH có thể ban hành NQ giải thích quy định trong các Bộ Luật tố tụng thế nào là phiên toà trực tuyến, trực tiếp.
Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong quy chế của Toà án có quy định phiên toà trực tiếp nhưng một số hình thức có trực tuyến, như xét hỏi thông qua phương tiện điện tử.
Tuy nhiên, do các điều luật đều quy định xét xử trực tiếp, bằng giọng nói nên ông Tiến cho rằng, UBTVQH có thể ban hành NQ hướng dẫn về xét xử trực tuyến. Các phiên toà này, ông Tiến nói, cần được giới hạn và hết sức thận trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hiện nay cũng chưa có cơ sở nào để UBTVQH giải thích luật.
“Nếu hiểu theo thuật ngữ của nước ngoài thì hai cách này (trực tiếp và trực tuyến - PV) khác nhau lắm. Quy định trực tiếp là trực tiếp” - ông Huệ nhìn nhận.
Tiếp thu và giải trình sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình làm rõ nguyên tắc xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia. “Luật nào cũng quy định, quốc gia nào cũng quy định, không riêng chúng ta. Hơn một nửa thế giới trong khi quy định như vậy, họ vẫn xét xử trực tuyến. Hai cái này không có gì trái nhau” – ông Bình nói.
Theo ông Bình, dù trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn phải đảm bảo quyền quyền con người, đương sự phải tâm phục, khẩu phục. “Trực tiếp hay trực tuyến đều phải làm cho đúng” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
“Chúng tôi chỉ xin UBTVQH cho phép chúng tôi ban hành quy chế. Còn khi ban hành quy chế, chắc chắn chúng tôi phải phối hợp với các bộ ngành, nhất là các cơ quan tố tụng, bàn câu chuyện này cho chặt chẽ” - ông Bình giải thích.
Kết luận phiên thảo luận sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc thông qua đề xuất tổ chức phiên toà trực tuyến không thuộc thẩm quyền của UBTVQH và phương án giải thích để thực hiện việc này cũng không được vì luật quy định “cứng” rồi.
“UBTVQH không thể hướng dẫn được” - ông Huệ chốt. Theo lãnh đạo Quốc hội, về mặt chủ trương thì UBTVQH đồng ý nhưng lại không có thẩm quyền thông qua. “Phải báo cáo với Quốc hội, thuyết phục Quốc hội ủng hộ” - ông Huệ khẳng định.