Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 30/11 đến ngày 1/12, từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt; riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt.
Ngày và đêm 30/11, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-150 mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại Trung Bộ và Tây Nguyên.
Mưa to kéo dài gây sạt lở tuyến đường từ Phú Yên lên Gia Lai, gây ách tắc giao thông
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Ngày và đêm 30/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-17 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi khu vực Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh...
Tại Phú Yên, trong hai ngày 28 và 29-11, trên địa bàn tỉnh có mưa to trên diện rộng. Mưa kéo dài đã gây sạt lở đất đá chia cắt các tuyến giao thông trên địa bàn xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân.
Nặng nhất là điểm sạt lở tại Km0+200 đoạn qua Dốc Ruộng (xã Phú Mỡ) thuộc tuyến đường Phú Yên-Gia Lai, mưa lớn làm sạt lở hai bên núi, một khối lượng lớn đất đá lớn đổ xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Xã đã cắt cử một tổ công tác canh trực, không cho người qua lại, tránh nguy hiểm trên tuyến đường này. Đượcx7 biết, tuyến đường có mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (chiều dài 31km), vừa hoàn thành trong năm 2019…
Tại Ninh Thuận, tính đến tối 29-11, mưa lũ đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận, nhất là về giao thông và sinh hoạt của người dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 90 đến 140mm, cá biệt có nơi mưa trên 217mm như tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc; gây ngập lụt, sạt lở các tuyến giao thông tại các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn…
Từ chiều 28 đến tối 29/11, tại tỉnh Khánh Hòa đã có mưa lớn trên diện rộng. Mưa kéo dài với lưu lượng từ 100 - 150 mm nên đã gây sạt lở trên một số tuyến tỉnh lộ và quốc lộ. Tại Km 60+590, Quốc lộ 27 C thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị sạt lở khoảng trên 2.000 m3 đất, đá.
Đến 20 giờ ngày 29/11, lực lượng chức năng vẫn chưa thể khắc phục do trời mưa và đất đá tiếp tục bị sạt lở. Tạm thời các phương tiện chưa thể lưu thông theo hướng Nha Trang đi Đà Lạt và ngược lại.
Hiện tại Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đang phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa và lực lượng cảnh sát giao thông chốt chặn tại hai đầu đường đèo để cảnh báo các phương tiện giao thông.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, khuyến cáo, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì tại các khu vực đèo Cả (Quốc lộ 1, đoạn đi qua địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đèo Phượng Hoàng (Quốc lộ 26, đoạn đi qua địa phận thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), đèo Cù Hin, đường Phạm Văn Đồng (thuộc thành phố Nha Trang) có nguy cơ cao sẽ xảy ra sạt lở. Ngoài ra, trên một số tuyến đường trong tỉnh cũng có hiện tượng đá rơi rải rác.