Đến tham dự buổi họp mặt có ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP và ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.
Buổi họp mặt nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh oai hùng của quân và dân vùng đất Chợ Lớn - Trung Huyện, qua đó tiếp tục bồi dưỡng, vun đắp lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng yêu nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, giới thiệu những thành quả nổi bật của các quận, huyện thuộc Chợ Lớn - Trung Huyện trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và duy trì việc giao lưu, gắn kết, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Ông Nguyễn Đô Lương - Trưởng Ban Liên lạc phát biểu tại buổi họp mặt truyền thống Chợ Lớn - Trung Huyện.
Cũng nằm trong đợt hoạt động họp mặt truyền thống lần thứ 35, Ban Liên lạc và lãnh đạo 12 quận, huyện đã tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên và trao tặng quà cho 03 Mẹ Việt Nam anh hùng và 21 thương binh nặng, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn quận 8 với tổng số tiền 120 triệu đồng. Đoàm cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đình Bình Đông, quận 8.
Bí thư Huyện ủy Đức Hòa Phan Nhân Duy trao cờ truyền thống Chợ Lớn - Trung Huyện cho Bí thư Quận ủy Q.8 Ngô Thành Tuấn (bên trái)
Sau khi đánh chiếm được 3 tỉnh miền Đông là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường vào năm 1862, rồi 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm 1867, thực dân Pháp xóa bỏ cơ cấu chính quyền nhà Nguyễn và từng bước tổ chức lại bộ máy cai trị với nhiều lần thiết lập địa giới hành chính mới tại vùng đất Nam bộ. Lúc này, tỉnh Chợ Lớn gồm có 4 quận: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và Trung Quận. Từ năm 1946, cái tên Trung Huyện được Chính quyền cách mạng đặt thay cho Trung Quận. Ngày nay, địa bàn tỉnh Chợ Lớn là các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ (thuộc tỉnh Long An) và huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Quận 5, 6, 8, 10, 11 (thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
Ngay từ buổi đầu khi thực dân Pháp vào đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, nhân dân Nam Bộ đã đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc với một sứ mệnh đặc biệt quan trọng: “Miền Nam đi trước về sau”.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một thời kỳ rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng, thời kỳ thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau khi Đảng ra đời, phong trào đấu tranh của nhân dân Chợ Lớn - Trung Quận bùng lên nhanh chóng với sự kết hợp giữa nông dân với công nhân, trí thức mới khu vực đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình Bình Đông.
Ngày 06-3-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Làng Đức Hòa được thành lập gồm bảy đảng viên, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại tỉnh Chợ Lớn, đánh dấu một bước phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng tại đây. Đấu tranh ở giai đoạn này tuy chủ yếu là đấu tranh chính trị đòi dân sinh dân chủ, nhưng đã mang tính bạo lực quyết liệt vì phản ứng của quần chúng với sự tàn bạo của thực dân và tay sai.
Tiêu biểu là cuộc đấu tranh đòi giảm thuế ở làng Tân Tạo, tổng Hưng Long Thượng, nơi chính quyền Pháp đặt bộ máy quản lý cấp tổng, do đồng chí Châu Văn Liêm - người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ủy nhiệm về xây dựng cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn và đồng chí Hồ Văn Long - Tỉnh ủy viên lãnh đạo.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào Nam Bộ nhất tề đứng lên tiếp tục kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Tại Chợ Lớn, Tỉnh ủy Chợ Lớn quyết định thống nhất các đơn vị vũ trang đang hoạt động trên địa bàn. Ngày 01 tháng 11 năm 1945, lễ ra mắt Liên quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa được tổ chức tại sân đình làng Mỹ Hạnh.
Liên quân có ba chi đội: Chi đội 12 là tiền thân của Trung đoàn 312 (địa bàn hoạt động là tỉnh Gia Định) do đồng chí Tô Ký làm Chi đội trưởng, Chi đội 15 do đồng chí Huỳnh Văn Một làm Chi đội trưởng là tiền thân của Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh (địa bàn hoạt động là tỉnh Chợ Lớn) và Chi đội 14 là tiền thân của Trung đoàn 120 (địa bàn hoạt động là Đồng Tháp Mười) do đồng chí Trần Văn Trà làm Chi đội trưởng.
Phó Ban liên lạc Mai Văn Cương và Phó Bí thư thường trực Quận ủy Q.8 Đỗ Hữu Trí thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thành.
Ngày 27-3-1948, theo yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, Xứ ủy Nam bộ quyết định nâng cấp, biên chế các lực lượng vũ trang tập trung ở Nam Bộ từ chi đội lên trung đoàn. Ngày 14/5/1948, lễ sáp nhập Chi đội 15 tỉnh Chợ Lớn và Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh thành Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh được tổ chức long trọng tại Gò Xoài, trước sự chứng kiến của các đồng chí đại diện Xứ ủy, Khu ủy như: Đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Tô Ký, đồng chí Trần Văn Trà, đồng chí Nguyễn Bình và đông đảo nhân dân các xã tại Trung Huyện, Đức Hòa, Thủ Thừa,…
Địa bàn tác chiến của Chi đội 15 - Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh gồm: Đức Hòa, Trung Huyện, Cần Giuộc, Cần Đước (ngày nay là các quận: 5, 6, 8, 10, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An).
Sở chỉ huy đóng tại chiến khu Vườn Thơm. Trung đoàn trưởng đầu tiên là đồng chí Huỳnh Văn Một, Trung đoàn phó là đồng chí Nguyễn Văn Quợt (còn gọi là Nguyễn Văn Hượt), đồng chí Nguyễn Văn Truyện là Chính trị viên. Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh có ba tiểu đoàn: Tiểu đoàn 922 do đồng chí Trương Văn Bang làm Tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Bào là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 923. Tiểu đoàn 924 do đồng chí Hồng Son Đỏ làm Tiểu đoàn Trưởng.
Đặc biệt, Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh còn có Trung đội nữ binh với 38 đồng chí do đồng chí Dương Thị Huê làm Trung đội trưởng.
Cũng tại buổi lễ ra mắt Trung đoàn, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ đã phát biểu: “Xứ ủy quyết tâm xây dựng chiến khu Vườn Thơm, quyết tâm xây dựng Trung đoàn 308 vững mạnh đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, toàn Nam bộ nói chung quyết tâm chống giặc Pháp”.
Trưởng Ban Liên lạc Nguyễn Đô Lương và Chủ tịch UBND Q.8 Trần Thanh Tùng cùng lãnh đạo các quận, huyện thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Hồng Hạnh.
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ trong những ngày đầu mới thành lập nhưng tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh luôn dâng cao, không chịu khuất phục trước những trận càn quét, những làn bom đạn của kẻ thù xâm lược. Để rồi từ đó, khi nhắc đến cái tên Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh làm nức lòng nhân dân Chợ Lớn - Trung Huyện, còn kẻ thù thì vô cùng hoang mang, khiếp sợ vì mỗi lần xuất quân chiến đấu đều giành thắng lợi. Nổi bật là các trận đánh tại Láng Le - Bàu Cò ở Bình Chánh (năm 1948), Vườn Thơm - Bà Vụ ở Bến Lức (năm 1949),… đã tạo tiếng vang lớn khắp vùng, làm khiếp đảm, lung lay ý chí xâm lược của quân thù.
Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, đến tháng 3-1951, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo các Tỉnh ủy, Huyện ủy thành lập bộ đội địa phương và sáp nhập các đơn vị đóng quân trên địa bàn Trung Huyện để phù hợp với tình hình chiến trường mới. Từ đó, lực lượng chủ lực của Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh sáp nhập Gia Định Ninh thành Tiểu đoàn 306 Gia Định Ninh và lực lượng còn lại sáp nhập với các đơn vị bộ đội địa phương.
Trong hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chúng ta cũng không thể nào quên những hình ảnh chiến đấu oai hùng của quân và dân vùng Chợ Lớn - Trung Huyện như: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, làm chủ Tòa đại sứ Mỹ; những trận chiến giằng co với địch trên từng góc phố khu vực đường Minh Phụng, Bình Thới, Lê Đại Hành, Bà Kiểu, Cầu Tre, Cây Gõ hay như 45 ngày đêm kiên cường đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc, Vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến,…
Ban Liên lạc cùng lãnh đạo các quận, huyện thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình chính sách tại Q.8.
Mặc dù phải đương đầu với bao thử thách khốc liệt bởi những âm mưu, chính sách phản động, những thủ đoạn dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nhưng quân và dân vùng Chợ Lớn - Trung Huyện luôn một lòng một dạ tin tưởng vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; kiên cường đấu tranh bền bỉ, không ngại gian khổ, khó khăn thử thách với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, để từ đó cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thời gian rồi cũng qua đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng chúng ta vẫn luôn tự hào và ghi nhớ những hình ảnh chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân vùng đất Chợ Lớn - Trung Huyện trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc.
Đồng thời, cũng để lại trong mỗi người chúng ta sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã hy sinh xương máu để tô thắm thêm trang sử oai hùng của vùng đất Chợ Lớn - Trung Huyện nói riêng và Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc” nói chung. Truyền thống “Đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân Chợ Lớn - Trung Huyện năm xưa mãi mãi sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước giữ gìn và phát huy; luôn là niềm tin, là động lực để xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.