(CATP) Phát triển hoàn thiện hạ tầng đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông, cống, rãnh, xử lý rác thải, cung ứng điện, nước phục vụ sinh hoạt,... và xây dựng, hoàn thiện các công trình phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học, khu vui chơi chung,... là trách nhiệm của chính quyền các cấp trong khuôn khổ nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thụ hưởng cuộc sống có chất lượng, người dân càng có động lực để làm việc tạo ra của cải để làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Sự giàu mạnh của đất nước, đến lượt mình, sẽ tạo điều kiện để Nhà nước đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Sự phát triển kinh tế xã hội theo quy luật xoáy trôn ốc sẽ đưa đất nước không ngừng đi lên.
Song song với sự phát triển kinh tế trong nhiều năm qua, hạ tầng đô thị và phúc lợi công cộng của thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được hoàn thiện góp phần xây dựng diện mạo thành phố khang trang, hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, so với các đô thị lớn trong nước và trong khu vực Đông Nam Á, thành phố Hồ Chí Minh bị coi là chậm chân trong công cuộc hiện đại hóa đô thị.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, kinh phí được sử dụng để đầu tư cải thiện hạ tầng đô thị còn khá khiêm tốn so với yêu cầu của địa phương. Nói nôm na, thành phố không có đủ tiền để chỉnh trang bộ mặt của mình như ý muốn. Sự hạn hẹp của kinh phí chủ yếu do tỷ lệ trích tổng thu của địa phương để điều tiết trở lại cho địa phương quá thấp, dẫn đến nghịch lý thành phố làm ra rất nhiều tiền cho đất nước nhưng lại không có đủ tiền chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của bản thân mình.
Thứ hai, cơ chế giải ngân vốn đầu tư công rườm rà, rắc rối khiến các dự án ở trong tình trạng đói vốn và bị chậm tiến độ trong khi tiền vốn lại nằm chờ trong ngân khố không xuất được. Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là căn bệnh gần như trầm kha của thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm. Đỉnh điểm của sự chậm trễ được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2023, khi tỷ lệ giải ngân đạt thấp kỷ lục, chỉ ở mức 2% kế hoạch cả năm.
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ từng ngày
Việc Quốc hội trao quyền tự chủ cho thành phố và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù có thể coi là việc thành phố tiếp nhận chìa khóa mở cánh cửa khai thông ách tắc trong bối cảnh cơ chế chung áp dụng trên phạm vi cả nước vẫn chưa thông thoáng.
Chắc chắn thành phố sẽ có điều kiện xây dựng nguồn kinh phí dồi dào cho việc triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc trung ương cân nhắc tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu của thành phố để trích lại cho ngân sách địa phương là cần thiết và nên được thực hiện sớm. Bên cạnh đó, quyền tự chủ cho phép thành phố sử dụng, khai thác các tài sản đặt dưới sự quản lý của mình để tạo nguồn thu bổ sung. Việc đặt ra các loại phí, lệ phí dịch vụ công cũng giúp cho thành phố cải thiện năng lực của ngân sách địa phương.
Chính quyền thành phố cũng phải chủ động rà soát cơ chế giải ngân đang vận hành và có biện pháp chấn chỉnh theo thẩm quyền của địa phương tự chủ nhằm tạo cơ chế đặc thù. Mục tiêu cao nhất là giải ngân kịp thời và đúng luật từ nguồn vốn đầu tư công cho các công trình, dự án thuộc quyền quản lý của thành phố. Người dân thành phố kỳ vọng trong thời gian tới sẽ thấy được sự chuyển biến mạnh mẽ về sức sống của các dự án Metro, đường Vành đai 3,...
Thành phố cũng cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thích ứng cho các mô hình quản lý các công trình hạ tầng và phúc lợi công cộng để cho phép phát huy tác dụng tích cực của công trình một cách bền vững.
Chẳng hạn Chính quyền thành phố có thể đặt các công trình này dưới sự quản lý của các doanh nghiệp phi lợi nhuận hoặc các tổ chức tín thác. Với kiểu quản lý này, thì trên nguyên tắc, người dân thụ hưởng miễn phí các tiện ích công cộng; tuy nhiên, người dân sẽ đóng góp vào việc duy trì, tôn tạo các công trình thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với chính quyền địa phương. Các khoản thuế thu được sẽ được chính quyền địa phương chuyển cho các doanh nghiệp dưới danh nghĩa chi trả các khoản nợ của chính quyền đối với doanh nghiệp, phát sinh từ việc doanh nghiệp tổ chức vận hành các công trình công cộng để phục vụ người dân.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN