TPHCM quyết liệt triển khai Nghị quyết 98:

Tự chủ và cải thiện chế độ thu nhập là biện pháp phòng, chống tham nhũng hữu hiệu

Thứ Năm, 03/08/2023 14:59

|

(CATP) Phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ then chốt của chính quyền các cấp, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ của bộ máy nhà nước, cũng như việc xây dựng diện mạo đáng tin cậy, củng cố uy tín của chính quyền đối với người dân. Trong điều kiện thành phố được trao quyền tự chủ rộng rãi, chính quyền thành phố cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc làm trong sạch hệ thống để có được đội ngũ công chức, viên chức liêm chính, tuân thủ pháp luật, kỷ luật công vụ và năng động, tận tụy, có trách nhiệm trong phục vụ nhân dân.

Một trong những nguyên nhân của tham nhũng thường được chỉ ra trong khuôn khổ các nghiên cứu về xây dựng liêm chính là thu nhập của người đảm nhận phận sự công không thỏa đáng. Một khi lương bổng không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, người ta tự nhiên được bản năng sinh tồn thôi thúc phải đi tìm kiếm khai thác các nguồn nuôi sống khác. Người thực thi công vụ là người được trao quyền nhân danh nhà chức trách để giải quyết các yêu cầu của người dân liên quan đến công việc làm ăn, sinh hoạt. Tìm cách này, cách nọ dựa vào thế của người có quyền ban phát để yêu cầu người dân chi trả nếu muốn nhu cầu được thỏa mãn, gọi nôm na là đưa hối lộ, là một cách tạo thu nhập của công chức, viên chức.

Bởi vậy, cải thiện thu nhập của công chức, viên chức được cho là một trong những giải pháp của bài toán phòng, chống tham nhũng. Chính quyền thành phố có thể sử dụng quyền hạn của mình trong khuôn khổ tự chủ để xây dựng giải pháp khả thi. Tất nhiên, thang bảng lương tương ứng với ngạch, bậc trong khu vực công là một phần của hệ thống quy định cứng của chế độ công vụ áp dụng trong phạm vi cả nước, địa phương không thể tự ý sửa đổi. Nhưng địa phương, nhất là địa phương có quyền tự chủ như thành phố Hồ Chí Minh, được phép xây dựng và áp dụng chế độ thu nhập tăng thêm mang tính chất bổ sung vào tiền lương cơ bản.

Trong mấy năm trở lại đây, thành phố đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chế độ thu nhập tăng thêm để cải thiện thu nhập của người làm việc trong khu vực công; nhờ đó công chức, viên chức có thể dùng thu nhập để chi trả các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong điều kiện mặt bằng giá của thành phố cao hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước.

Cán bộ công chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Tuy nhiên, để có được tác dụng là công cụ hữu hiệu phòng chống tham nhũng thì thu nhập của người làm việc trong khu vực công phải cao hơn nữa: không chỉ đủ để chi trả cho việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, thu nhập chính thức còn cho phép công chức, viên chức sử dụng các dịch vụ, tiện ích mang tính thư giãn, thụ hưởng cuộc sống tiện nghi và có tích lũy nhất định. Người giữ vị trí gắn với trách nhiệm cao chỉ cần dựa vào thu nhập chính thức là có thể sống cuộc sống của thành viên tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Với nguồn kinh phí từ phần được trung ương trích điều tiết đối với tổng thu ngân sách và để lại cho thành phố, cùng với các khoản thu do thành phố tự quyết định trên cơ sở thực thi quyền tự chủ, chính quyền thành phố có điều kiện xây dựng và thực hiện chế độ thu nhập tăng thêm nhằm đạt mục tiêu như nêu trên.

Điều cần nhấn mạnh là để thu nhập thật sự mang ý nghĩa, tác dụng của biện pháp bảo đảm liêm chính công, phòng chống tham nhũng hữu hiệu, việc chi trả thu nhập tăng thêm phải được thực hiện không dựa vào cương vị công tác, theo kiểu ngồi trên thì ăn trước, mà dựa vào kết quả công việc cụ thể. Rõ hơn, trong điều kiện mỗi vị trí việc làm ứng với những công tác có nội dung rõ ràng, cần xác định KPI cho từng vị trí việc làm, bao gồm các chỉ tiêu định lượng về kết quả thu được áp dụng đối với từng công tác: xử lý đúng hạn và rốt ráo bao nhiêu hồ sơ; thu được bao nhiêu tiền cho Nhà nước; đạt tỷ lệ về sự hài lòng của người yêu cầu dịch vụ công là bao nhiêu phần trăm;...

Người đứng đầu đơn vị, ngành, hệ thống phải trực tiếp đánh giá hiệu quả công tác của cấp thuộc quyền theo KPI đã đề ra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lý của các kết quả đánh giá. Mặt khác, một khi đã được đãi ngộ thỏa đáng mà còn tìm cách tham nhũng, hối mại quyền thế thì công chức, viên chức vi phạm phải bị xử lý thật nghiêm để răn đe chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang