(CATP) Mới đây, trong Tờ trình gởi đến UBND TPHCM báo cáo về việc ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện giai đoạn 2024-2030. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 272 ngàn tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, trên cơ sở định hướng phát triển Đông Nam Bộ, phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố (TP) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đang triển khai) và trên cơ sở nguyên tắc, 6 tiêu chí lựa chọn danh mục dự án đầu tư theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 được UBND TPHCM phê duyệt, Sở đã phối hợp với các Sở ngành, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện đơn vị liên quan đề xuất danh mục các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, giai đoạn này, TP sẽ ưu tiên triển khai đầu tư 88 dự án (không bao gồm các tuyến đường sắt đô thị theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM). Cụ thể: 6 dự án đường cao tốc, đường kết nối với cao tốc; 4 dự án đường quốc lộ; 7 dự án đường vành đai (đang thi công Vành đai 2 và Vành đai 4); 2 dự án đường sắt đô thị; 12 dự án nút giao thông; 19 dự án các đường đô thị; 9 dự án các đường liên khu vực; 18 dự án đường thủy (Dự án phát triển cảng: 3 dự án, Dự án nạo vét luồng đường thủy: 5 dự án, Dự án kè chống sạt lờ bảo vệ bờ sông: 10 dự án) và 11 dự án bến bãi giao thông tĩnh.
TPHCM chú trọng đến việc mở rộng các tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc (ảnh minh họa)
Trong tờ trình gởi UBND TP, Sở Giao thông vận tải cũng đã thông tin về dự kiến tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên. Trong đó, giai đoạn 2024-2030, sẽ tập trung triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 88 dự án (lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án và phê duyệt các dự án đầu tư); đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập, trình thẩm định và phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đã được giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã phê duyệt. Giai đoạn 2026-2030, tập trung triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng; phối hợp triển khai đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu Cát Lái.
Được biết, nhu cầu vốn đầu tư các dự án trong giai đoạn 2024-2030 dự kiến là 272.316 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách TP dự kiến 198.697 tỷ đồng (khoảng 73%); vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP dự kiến 69.256 tỷ đồng (khoảng 25%); vốn ngân sách Trung ương dự kiến 4.361 tỷ đồng (khoảng 2%).
Cầu Thủ Thiêm 4 ưu tiên triển khai trong năm 2024
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, các dự án, công trình giao thông vận tải là công trình theo tuyến, đi qua các địa bàn TP.Thủ Đức, quận, huyện. Khi triển khai dự án có liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của các Sở ngành, ủy ban..., do đó rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện, tham mưu kịp thời cho cấp thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các dự án theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, UBND giao các Sở ngành, UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng cần có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị liên quan đến dự án và nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng của các dự án theo kế hoạch.