Văn phòng Chủ tịch nước công bố 3 Luật vừa được thông qua

Thứ Hai, 12/12/2016 18:32

|

Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; Luật đấu giá tài sản và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các Luật này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai.

Cấm đầu tư kinh doanh pháo nổ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư được xây dựng trên cơ sở cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm.

Bổ sung một số ngành, nghề cần thiết nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư - Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết ngoài việc bổ sung ngành “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, Luật còn bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư hoặc ngành, nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành, nghề mà qua rà soát được xác định không phải ngành, nghề kinh doanh.

Luật bổ sung 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư; đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, như kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự…

Luật hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước; đồng thời sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh chính xác, đầy đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo đó, 67 ngành, nghề được sửa đổi, tách, hợp nhất thành 48 ngành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ quy định về hai ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, gồm: “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô.”

Để bảo đảm thực hiện quy định về việc bãi bỏ ngành “Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu” và “Kinh doanh dịch vụ lập, thẩm tra xây dựng dự án đầu tư xây dựng”, bãi bỏ Khoản 1 Điều 19 của Luật đấu thầu và Điều 151 của Luật xây dựng.

Hạn chế tình trạng “quân xanh,” “quân đỏ”

“Tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản Nhà nước,” Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thông tin về Luật đấu giá tài sản.

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá.

Thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá.

Khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng bất hợp pháp hoặc gây thất thoát khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản của người tham gia đấu giá.

Luật quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.

Luật bổ sung phương thức đặt giá xuống để phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề đấu giá tài sản đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia...

Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá.

Theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá.

Người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyển phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.

Các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản trong Luật quy định đảm bảo chặt chẽ, khách quan nhằm hạn chế các hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, dìm giá, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự.

Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà tổ chức đã mua.

Để đảm bảo việc thực hiện đấu giá của tổ chức này công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, Luật đấu giá tài sản quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức này trong hoạt động đấu giá tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết Luật đấu giá tài sản có 8 Chương, 81 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Riêng quy định tại khoản 4 Điều 80 về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí dịch vụ đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản… có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người

Thông tin về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Luật có 9 Chương, 68 Điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo…

Cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào," Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người (khoản 1 Điều 6).

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.

Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.

Làm rõ hơn, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà nêu rõ, Luật có 12 điểm mới căn bản so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, khẳng định đúng với quan điểm của Hiến pháp 2013 là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người chứ không phải là quyền công dân như trước đây.

Điều này thể hiện rõ khi Luật dành hẳn một Chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Chương II), đảm bảo tốt nhất quyền của tổ chức cá nhân khi tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo.

Tránh can thiệp vào một số việc mang tính nội bộ của các tổ chức tôn giáo, Luật quy định việc phong phẩm là việc nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 16 của Luật đã quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, nội dung này có nhiều điểm mới như chủ thể được thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mà nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức cũng được thực hiện; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người chứ không được xem là một bước để tiến tới đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

https://www.hcmcpv.org.vn/app.cgi

Bình luận (0)

Lên đầu trang