(CAO) Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch, tuy nhiên công tác đào tạo ngành tại TP.HCM vẫn còn thiếu và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển.
Toàn cảnh buổi hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hộp nhập ASEAN”
Sáng 9-12, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hộp nhập ASEAN”, tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) với hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch, giáo dục – đào tạo, dạy nghề, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, và Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành… tham dự.
(CAO) Với mục tiêu thúc đẩy Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành Du lịch Việt Nam phải chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ với tiêu chuẩn cao.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực mậu dịch tự do các nước Đông Nam Á (ASEAN), giáo dục – việc làm trở thành vấn đề thách thức khi các nghề được luân chuyển khối ASEAN gồm 8 ngành và trong đó có ngành du lịch. Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng nêu rõ “tính chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ tinh thông, chuyên nghiệp”.
Theo các chuyên gia đánh giá, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 cơ cấu theo trình độ đào tạo hiện nay đang mất cân đối; nhân lực ngành Du lịch nước ta đang mất cân đối, cụ thể là tỷ lệ nhân lực phục vụ có đào tạo thấp, hiểu biết văn hóa xã hội, giao tiếp còn hạn chế.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hộp nhập ASEAN”
Hiện nay cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến sau đại học, trong đó có 115 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng du lịch, 144 cơ sở đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp và 87 cơ sở đào tạo nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Phó Chủ tịch VITEA.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng – Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Phó Chủ tịch VITEA, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM.
“Cần xây dựng chính sách cơ chế cho đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, tạo mạng lưới các trường đào tạo ngành du lịch trên địa bàn thành phố, nâng cao trình độ chuyên môn giảng viên và chương trình đạo tạo, đẩy mạnh đào tạo hướng đến thực hành nghề, kỹ năng”, Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng cho biết.
Tại hội thảo có 53 tham luận trong kỷ yếu và 22 ý kiến xoay quanh vấn đề các cơ sở cần cải tiến chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, tăng tỷ lệ thực hành và thống nhất giáo trình đào tạo tại các cơ sở; đưa ra tiêu chí đánh giá có sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nghiệp cử các chuyên gia giỏi tham gia quá trình đào tạo để có sức hấp dẫn cho học sinh – sinh viên; chú trọng kỹ năng nghề; triển khai xây dựng các chương trình chuyên ngành trọng điểm sử dụng tiếng Anh,…
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA)
“Tiến sĩ, giáo sư như chúng tôi là những người nghiên cứu nhưng đã ở vai trò người thấy thì phải là người chuyên gia giỏi, người có tay nghề cao thì như vậy học trò mới giỏi được. Từ đây, chúng tôi sẽ đề xuất các sở ban ngành chấp nhận tính đặc thù của ngành này đối với sinh viên.”, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) phát biểu nhận định trong buổi thảo luận. |
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch VITEA cho biết, cần triển khai xây dựng mô hình đào tạo chất lượng cao từ nhà trường – doanh nghiệp – hiệp hội đào tạo. Các doanh nghiệp sẽ có những ‘đơn đặt hàng’, chỉ tiêu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường đưa ra những giáo trình dạy riêng theo doanh nghiệp, việc học sẽ diễn ra tại trường và thực hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tham gia vào công tác tuyển sinh, kiểm tra thi cử và khâu thực hành. Đơn vị giám sát, chịu trách nhiệm hoạt động liên kết đào tạo là Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam.
PGS.TS Phạm Trung Lương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch VN; GS.TS Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội đào tạo Du lịch VN; Th.S Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM (từ trái sang phải)
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, để nâng cao chất lượng đào tạo cần mở các lớp bồi dưỡng, trung tâm đào tạo về du lịch theo đúng nhu cầu xã hội, lớp bồi dưỡng giảng viên cho các trường và có sự tham gia trao đổi giúp đỡ của các chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp.
Hội thảo đã diễn ra thành công hơn sự mong đợi của ban tổ chức với nhiều ý kiến thực tiễn đã đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ hội nhập ASEAN và tìm ra sự liên kết phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cùng cơ sở đào tạo cả nước nhằm có được đội ngũ lao động chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.