Ngành Du lịch miền Trung đổi mới sản phẩm thu hút du khách

Chủ Nhật, 27/11/2016 14:03  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Giảm giá dịch vụ du lịch, khách sạn, tạo chính sách cho các hãng lữ hành, thay đổi thực đơn, đổi mới sản phẩm du lịch,... là những giải pháp nhằm thu hút khách du lịch đến với các tỉnh Bắc miền Trung.

Động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Ảnh: Internet

Sự cố về môi trường biển làm ảnh hưởng mạnh đến các loài thuỷ hải sản tại các tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016, đã gây tác động mạnh đến kinh tế xã hội các tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế. Lĩnh vực du lịch cũng bị tác động từ sự cố này và đến nay vẫn chưa giải quyết ổn thoả.

Nhận định tình hình này, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Du lịch Bắc Trung bộ tại TP.HCM vào ngày 18-11; nhằm kết nối với các doanh nghiệp lữ hành cùng nhau tìm giải pháp để đưa du khách đến các tỉnh miền Trung.

Họp báo Giải Golf từ thiện Báo Công an TP.HCM năm 2016 - “Hướng về miền Trung”
 

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh - ông Lê Trần Sáng, nhận định tình hình này, địa phương là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố này, số lượng du khách đến tỉnh giảm 60-70%. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, việc làm của người lao động.

Theo ông Sáng, để thu hút du khách quay lại, Hà Tĩnh đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như Hiệp hội du lịch bàn với các thành viên, các nhà hàng - khách sạn để có chính sách hỗ trợ đến với Hà Tĩnh. Tại các khi du lịch biển, khách sạn cam kết giảm giá dịch vụ xuống 15-20%.

Biển Thạch Hải (Hà Tĩnh) - Ảnh: Internet

Ông Đặng Đông Hà - PGĐ Sở VHTTDL Quảng Bình cho biết, trong 10 tháng qua, lượng khách đến với địa phương giảm 47% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu du lịch giảm 1.700 tỷ đồng. Ngành du lịch của tỉnh đã nhanh chóng định hướng các công ty lữ hành chuyển hướng khai thác mới thay cho các sản phẩm du lịch biển.

"Chúng tôi có những cam kết, điều chỉnh thực đơn, giảm giá tại các điểm đến và có chính sách đối với các hãng lữ hành. Trước những khó khăn về biển, chúng tôi đã ưu tiên các tuyến Phong Nha - Kẻ Bàng, rừng Trường Sơn, rừng đặc dụng gắn liền với du lịch văn hoá cộng đồng. Với những sản phẩm đặc thù sẽ là một địa chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước", ông Hà chia sẻ tại hội nghị.

Với những nổ lực đổi mới sản phẩm du lịch 5 tỉnh Bắc miền Trung, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch nhận định, sau khi Bộ TN&MT công bố chỉ số khoa học an toàn đối với hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành du lịch tại 2 thành phố lớn (TP.Hà Nội và TP.HCM -pv) nên xúc tiến đưa khách quay trở lại khu vực này. Hỗ trợ khôi phục lại du lịch miền Trung là nhiệm vụ đặt ra.

Kinh Thành Huế, thủ đô của quốc gia Việt Nam từ năm 1802 - Ảnh: Danny_Tran

"Đầu tháng 12, Tổng cục du lịch sẽ tiến hành một chương trình roadshow tại Bangkok và Udonthani nhằm quảng bá, giới thiệu miền Trung đối với nước bạn, thu hút khách du lịch Thái Lan đến với các tỉnh miền Trung", ông Chung cho biết thêm.

Hội nghị được thực hiện theo đề án "Hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển". Theo thống kế thiệt hại từ sự cố này đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch của 5 địa phương miền Trung với số tiền ước tính khoảng 2000 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang