Người miền Trung lại quằn quại trong mưa lũ

Thứ Ba, 01/11/2016 20:20  | Hoàng Quân - Văn Tình

|

(CAO) Hậu quả của cơn lũ lịch sử ở miền Trung chưa khắc phục xong thì đợt mưa lũ khác lại ập đến gây thiệt hại nặng nề. Hiện ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có 3 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước…

Hà Tĩnh: Người dân chạy đua với lũ

Theo Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Hà Tĩnh, do mưa lớn nên một số hồ chứa nước, nhà máy thủy điện phải xả lũ. Hồ chứa Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn từ 28-10 với 83m3/s, đến ngày 30-10 xả cao nhất lúc 17 giờ là 332m3/s. Rạng sáng 1-11, mưa quá lớn nên xả với 773m3/s. Hồ Kẻ Gỗ xả tràn ngày 1-11 với lưu lượng 250m3/s.

Nhiều nhà dân ở xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) ngập sâu trong lũ

Ngày 1-11, có gần 3.000 hộ dân ở các địa phương như Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ vào rạng sáng 1-11-2016, nhiều xã tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị lũ kéo về dâng cao gây ngập. Ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra nhật ký quy trình xả lũ tại nhà máy thủy điện Hố Hô, kết quả cho thấy nhà máy tăng lưu lượng xả lũ từ 300m3/s lên 450m3/s vào 1 giờ cùng ngày.

Lúc kiểm tra, nhà máy đang xả trên 1.000m3/s. Ông Sơn nghiêm túc phê bình lãnh đạo nhà máy không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không được nâng mức xả tràn. Ông Sơn yêu cầu đơn vị quan tâm việc điều tiết xả lũ, gắn với cảnh báo ngập lụt vùng hạ du vì thủy điện này chưa có bản đồ ngập lụt, còi báo động; phải thông báo cho chính quyền, nhân dân địa phương biết.

Đến tối 1-11, toàn huyện Hương Khê có 1.200 hộ dân ở 14 xã bị ngập sâu trong nước từ 1 - 1,5m. Các xã vùng thượng, nằm gần đập thủy điện Hố Hô như Hương Đô, Hương Trạch, Lộc Yên nhanh chóng bị lũ nhấn chìm.

Người dân huyện Tuyên Hóa tránh lũ

Trưa 1-11, xã Hương Đô đã có khoảng 600 hộ dân bị ngập từ 1 - 1,5m. 12/14 xóm tại xã Lộc Yên bị cô lập hoàn toàn, người dân phải di dời từ đêm 31-10 đến những nơi an toàn.

Ông Nguyễn Đình Manh – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: “Do nước lũ dâng cao, từ sáng nay người dân đã di dời tài sản, lương thực, trâu bò… lên khu vực cao ráo. Mọi tuyến đường đã bị ngập sâu. Hiện mọi việc đi lại trên địa bàn xã phải di chuyển bằng thuyền. Dự kiến nước còn dâng cao hơn nữa”.

Quảng Bình lũ chồng lũ, 2 người chết

Hiện, tỉnh có 2 người chết do lũ. Sáng 1-11, cơ quan chức năng tìm được thi thể ông Dư Văn Thử (78 tuổi, trú thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) sau 2 ngày bị lũ cuốn, mất tích. Trước đó, lúc 17 giờ 30-10, ông Thử đạp xe đạp đến hội trường UBND xã để nhận quà cứu trợ. Nhận xong trên đường về thì ông Thử bị nước lũ cuốn trôi.

Tuyến đường QL12A đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình ngập trong nước
Tài sản, trâu bò ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) được di dời đến nơi cao

UBND huyện Quảng Trạch cho biết, khoảng 5 giờ ngày 31-10, nước tràn vào tàu đánh cá và có thể làm hư hỏng đầu máy nên ông Trần Minh Hoạch (SN 1963, trú thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú) múc nước ra khỏi khoang tàu thì bị ngã. Ông Hoạch được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do thương tích nặng.

Hơn 700 ngôi nhà bị ngập từ 0,5 – 1,5m, thuộc các xã Quảng Trường, Quảng Trung, Quảng Hưng, Quảng Tiên, Phù Hóa, Cảnh Hóa... Hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng (xã Quảng Hải) bị sạt lở, hư hại nặng, hơn 100m đê bị hư hại do mưa lũ ngày 15-10 vừa qua. Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân (xã Quảng Tiên), thôn Công Hoà (xã Quảng Trung) bị xói, lở nghiêm trọng, gây ngập nặng đối với hàng trăm hộ dân.

Ba tàu cá công suất từ 16 – 24CV của 3 người dân ở thôn Xuân Hải (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) bị chìm… Sáng 31-10, mưa lũ cuốn trôi chiếc cầu phao tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch. Nước lũ dâng cao, chảy xiết làm đứt dây khiến cầu phao bị lật ngược mặt dưới lên trên, sau đó trôi dạt. Hiện cả thôn bị cô lập hoàn toàn và nước sông tiếp tục dâng cao. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động và giúp người dân di chuyển người và tài sản đến nơi cao.

“Rốn lũ” thị xã Ba Đồn lại ngập sau. Hiện đã có hơn 5.500 nhà bị ngập từ 0,5 - 2m từ nền nhà trở lên, như: xã Quảng Tiên 1.300 nhà, Quảng Minh 1.100 nhà, Quảng Lộc 822, Quảng Trung 800 nhà, Quảng Hải 525 nhà, Quảng Sơn 450 nhà... Huyện Bố Trạch có gần 200 nhà bị ngập. Một số tuyến đường trên địa bàn bị ngập và chia cắt như cầu Hiểm, ngầm tràn cầu Bùng, tuyến đường chính xã Sơn Trạch.

Nhà dân ở xã Đức Hóa bị ngập sâu
Người dân xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) di dời tài sản chạy đua với lũ

Huyện miền núi Tuyên Hóa chịu mưa lớn gây ngập nặng nhiều nơi. Đến đầu giờ chiều 1-11, toàn huyện có hơn 6.100 nhà bị nhập từ 1 – 3m tại các xã Văn Hóa, Cao Quảng, Ngư Hóa… Đặc biệt có gần 300 hộ dân bị cô lập tại các xã Cao Quảng, Châu Hoá, Kim Hoá… Gần 500 hộ dân ở các vùng thấp trũng phải di dời đến nơi cao. Ngoài ra có nhiều cơ sở, công trình bị ngập nặng. Có 2 người dân bị thương là ông Cao Văn Khương (trú xã Tiến Hoá) và ông Nguyễn Văn Thìn (trú xã Phong Hoá); có 2 ngôi nhà ở của dân bị sập. Đặc biệt, nhà chị Nguyễn Thị Mai (trú xã Thuận Hoá) bị sập trong lũ đợt trước, mới dựng lại thì bị sập tiếp.

Lốc xoáy lớn xảy ra lúc 6 giờ 30 ngày 1-11 khiến gần 50 ngôi nhà tại xã Mai Thủy và Phú Thủy của huyện Lệ Thủy bị tốc mái, nhiều tài sản, công trình hư hỏng, thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Văn Ninh (trú thôn Lê Xá, xã Mai Thủy) bị thương do ngã khi sửa mái nhà. Hiện đời sống các hộ dân bị tốc mái nhà đang rất chật vật.

Từ chiều tối ngày 28-10 đến chiều 1-11, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 200 - 300mm, có nơi gần 300mm. Một số trạm lượng mưa lớn như: Tân Mỹ 356mm, Đồng Tâm 347mm, Trường Sơn, Ba Đồn 328mm, Tuyên Hóa 297mm… Lũ trên sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Rào Nậy đang lên nhanh, có nơi đã trên báo động 3 như sông Gianh tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa 6,9m. Dự báo mực nước sông tiếp tục lên trong đêm 1 và ngày 2-11. Nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Chính quyền, các lực lượng chức năng và nhân dân vùng bị ngập lũ đang gồng mình ra sức chống chọi với mưa lũ, trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Người dân xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) di chuyển trên vùng ngập lũ
Tàu chìm trên biển Quảng Bình

Một số điểm sạt lở nặng trên các tuyến đường huyết mạch như QL9B, QL15, đường Hồ Chí Minh, đường 20 – Quyết Thắng. Chiều 31-10, đoàn công tác của Báo Công an TP.HCM lê đường đi trao quà cho người dân vùng biên giới xã Thượng Trạch, Tân Trạch (huyện Bố Trạch) về đã rất may mắn thoát nạn nước lũ, sạt lở trên đường 20 – Quyết Thắng. Từ chiều 31-10 đến tối 1-11, một số đoàn từ thiện đang bị mắt kẹt trên cung đường này.

UBND xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) cho biết, nước đã gây ngập nặng trên tuyến đường vào 3 bản của đồng bào Rục, Sách của xã. Ông Cao Xuân Biên – Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa cho biết: “Nước dâng cao khoảng 2m. Hiện hơn 200 hộ với hơn 600 người đang bị mưa lũ cô lập với bên ngoài. Lực lượng biên phòng đang đi ca nô cùng với xuồng của UBND xã đang khẩn trương thực hiện các công tác đối phó với mưa lũ”.

Thôn Phú Nhiêu bị ngập sâu đến 2m trên diện rộng. Lãnh đạo xã đã bố trí 2 thuyền máy để túc trực ở thôn. Đời sống, sinh hoạt của người dân đang rất khó khăn, chật vật do nước ngập đường, ngập nhà, việc di chuyển rất khó. Các hộ dân đã chủ động tích trữ thức ăn, nước uống trong khoảng 3 – 4 ngày. Ông Cao Thanh Tiến – một hộ dân chia sẻ: “Trận lũ trước nước ngập đến gần nóc nhà, tài sản trôi hết giờ lại lũ nữa, không biết nhà có bị trôi không. Cả đêm qua, bà con trong thôn không ngủ mà lo di dời, sơ tán”.

Người dân ở Quảng Bình ăn mì tôm sống chống chọi với mưa lũ
Nước lũ gây ngập, chia cắt xã miền núi Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Các xã Minh Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa) đã bị chia cắt, cô lập. Ông Cao Thanh Bình – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa gọi điện khẩn cấp: “Đường vào Tân Hóa đã bị ngập nặng tại ngầm Lạc Thiện. Đường liên xã bị ngập nặng, ách tắc tại cầu Bến Xeng khiến thôn 5 và thôn Rí Rị bị chia cắt. Hiện đời sống bà con đang quay quắt”.

Quảng Trị mênh mông trong biển nước

Mưa lớn, lũ về nhấn chìm nhiều địa phương ở Quảng Trị. Chiều 1-11, hơn 2.000 hộ dân ở các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và thị trấn của huyện Cam Lộ bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Cán bộ, nhân dân huyện Cam Lộ cho biết, nước bắt đầu dâng cao đột ngột vào khoảng 8 giờ ngày 1-11 khiến bà con trở tay không kịp.

Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Minh Hóa bị ngập nặng
Nhiều nhà ở thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập nước

Nhiều nơi bị ngập từ 2 – 5m. Hàng trăm người dân bị mắc kẹp trong nhà, trú trên ngọn cây. Chính quyền, lực lượng công an, quân đội khẩn trương huy động phương tiện đi cứu dân. Công tác này đang được thực hiện tích cực và dự kiến diễn ra cả trong đêm.

Tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đakrông… nước đang dâng cao, nhiều nhà dân đã ngập gần đến nóc nhà, một số địa phương đã bị cô lập, chia cắt vào trưa và chiều. Đến chiều tối 1-11, nước lũ đang rút dần ở các địa phương trên. Công tác tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn vẫn đang được tích cực thực hiện. Sáng 1-11, anh em ruột Hoàng Hữu Thành và Hoàng Hữu Toàn (trú thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) đi giúp dân sơ tán thì bị lũ cuốn. Anh Toàn may mắn được cứu còn anh Thành đang mất tích…

Bình luận (0)

Lên đầu trang