Việc quy định xử lý tài sản tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc được đưa ra khỏi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) nhận được sự quan tâm nhiều nhất của phóng viên tại phiên họp báo.
Giải thích về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thừa nhận, đây là vấn đề mới, rất phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước ta chưa có hệ thống kiểm soát tài sản thu nhập, hệ thống thu thuế, đăng ký tài sản, thanh khoản chưa đáp ứng yêu cầu…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì phiên họp báo
"Trong bối ảnh như vậy, việc xác định tài sản tăng thêm có được giải trình hợp lý hay không giải trình hợp lý về nguồn gốc nên việc giải trình rất khó" - ông Cường nói.
Kết quả xin ý kiến đại biểu, theo ông Cường, cho thấy các các đại biểu cũng đang băn khoăn, do đó chưa đủ căn cứ, cơ sở để có quy định về vấn đề này.
Sau khi loại bỏ nội dung trên, ông Cường vẫn cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng kỳ này đã được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, được biểu quyết với tỷ lệ cao. Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như công khai minh bạch trong kê khai, chuyển đổi vị trí công tác… khắc phục hạn chế bất cập qua thực tiễn thi hành.
Với các quy định được thông qua, luật cũng kiểm soát xung đột lợi ích, hoàn thiện một bước quan trọng về chế định kiểm soát tài sản thu nhập, hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được kiện toàn một bước, mở rộng hơn căn cứ xác minh tài sản...
Giải trình trước khi thông qua luật, UBTVQH nhận thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên Việt Nam đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các vị đại biểu, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến về nội dung này.
Kết quả, có 209/456ý kiến đại biểu, chiếm 43,09%tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456ý kiến đại biểu, chiếm 32,16%tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Từ các lý do trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.