Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu dự án Luật trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, có nhiều ý kiến tán thành với quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi)
Cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, theo UBTVQH, quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc. Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.
Về ý kiến của ĐBQH đề nghị giao Chính phủ quy định “tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Liên quan đến đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, có ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “lập công lớn” theo hướng tham khảo Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá
Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 của Luật không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp;tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự;
- Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩmtheo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;
- Trước đó đã được đặc xá;
- Có từ 02 tiền án trở lên;
- Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
Giải trình nội dung này, UBTVQH nêu rõ: ”Tình tiết “lập công lớn” được quy định trong nhiều đạo luật (như Bộ luật Hình sự, Luật Đặc xá...) và được giao cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng đạo luật, bao quát đầy đủ các trường hợp cụ thể và phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Trên thực tế, theo UBTVQH, mỗi đợt đặc xá, Chủ tịch nước đều giao cho Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định về đặc xá”. Do đó, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đợt đặc xá, các nội dung hướng dẫn, trong đó có nội dung hướng dẫn về tình tiết “lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù” có sự điều chỉnh cho phù hợp. Vì lý do này, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.
Thảo luận về các điều kiện để được đề nghị đặc xá (Điều 11 dự thảo Luật) trước đó, có ý kiến đề nghị quy định chỉ người “được xếp loại tốt trong quá trình chấp hành án phạt tù” mới được đề nghị đặc xá.
Nêu quan điểm về vấn đề này, UBTVQH cho biết, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì để “được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên” đòi hỏi rất nhiều điều kiện và phạm nhân phải rất cố gắng mới đáp ứng được như: tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra; tham gia đầy đủ ngày công; lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao; có đủ số kỳ xếp loại cải tạo khá trở lên.
Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy, mặc dù số phạm nhân được đặc xá khá lớn, bao gồm cả người được xếp loại cải tạo khá và tốt nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ tái phạm (1,16%), thể hiện quy định của Luật Đặc xá hiện hành về điều kiện này là phù hợp, khuyến khích phạm nhân tích cực cải tạo để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật.
Về ý kiến nêu thời gian qua có phạm nhân chấp hành án nghiêm túc, có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng do vẫn viết đơn kêu oan nên không được xác nhận là có ý thức cải tạo tốt để được xét đặc xá, UBTVQH khẳng định: Luật Đặc xá hiện hành cũng như dự thảo Luật không quy định nội dung này. Tuy nhiên, Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an hướng dẫn một trong những tiêu chuẩn để được xếp loại cải tạo khá hoặc tốt là “phải nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải…”.
”Thực tế quá trình chấp hành hình phạt tù, có những phạm nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định nhưng do họ liên tục kêu oan nên không đạt tiêu chuẩn thi đua nêu trên và không được đề nghị đặc xá” - báo cáo nêu rõ. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt tù, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về đặc xá, UBTVQH đề nghị Bộ Công an sớm rà soát, xem xét lại quy định này.
Trong các điều kiện để được đề nghị đặc xá, dự luật quy định người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải đảm bảo “đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này” .
Quá trình thảo luận có đại biểu đề nghị làm rõ quy định đã thực hiện được một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác là bao nhiêu.
Giải trình vấn đề này, UBTVQH thông tin, tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, mỗi đợt đặc xá có hàng nghìn, thậm chí hơn chục nghìn phạm nhân được đặc xá. Mỗi phạm nhân bị kết án về các tội danh, mức hình phạt, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như hoàn cảnh kinh tế khác nhau. ”Nếu quy định cụ thể “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác” là bao nhiêu có thể sẽ không bao quát hết các trường hợp trong thực tế” - UBTVQH giải thích và đề nghị cho giữ như quy định tại của dự thảo Luật.
Chính sẽ quy định chi tiết điều này.