Ngày thứ 6 xét xử đường dây đánh bạc qua mạng gần 10.000 tỷ đồng:

Bị cáo 'bóng hồng' nức nở tại tòa: "Không biết, không nhớ!"

Thứ Bảy, 17/11/2018 11:00

|

(CAO) Trong phần thẩm vấn sáng 17-11, bị cáo Lưu Thị Hồng đã khóc nức nở khi nhắc đến việc mình đối diện với án phạt của pháp luật.

Sáng 17-11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ bước vào ngày làm việc thứ 6 với phần thẩm vấn các bị cáo trong nhóm công ty trung gian và nhóm bị truy tố về tội tổ chức đánh bạc.

Bị cáo Lưu Thị Hồng xuất hiện với vẻ ngoài xinh xắn, mặc bộ vét màu đen. Bị cáo hồng được nhiều người gọi là bị cáo "bóng hồng" tại tòa xét xử đường dây đánh bạc gần chục ngàn tỷ đồng.

Tại tòa, Hồng khai làm tổng giám đốc cho công ty CNC vào cuối năm 2011 và có mối quan hệ bạn bè với bị cáo Nguyễn Văn Dương. Hồng cũng là đồng nghiệp với Phan Sào Nam khi cả hai có gần 5 năm làm việc chung tại công ty VTC Online.

Câu trả lời đầu tiên, Hồng nói, có hỗ trợ tiền vào công ty CNC để chi trả đóng góp. Khi HĐXX hỏi về nghĩa vụ của mình tại CNC, Hồng khai: “Bị cáo không hiểu biết công nghệ nên nội dung bị cáo không nhớ rõ”.

Bị cáo Lưu Thị Hồng với vẻ ngoài xinh xắn, đã bật khóc khi HĐXX xét hỏi vào sáng nay.

HĐXX hỏi vặn, với chức năng tổng giám đốc mà không nhớ rõ? Hồng trả lời: “Bị cáo không thể phụ trách thanh toán và game mà do anh Dương phụ trách, anh Dương chỉ đạo bị cáo ký. Bị cáo không được soạn thảo và tham gia hợp đồng. Bị cáo chỉ hỏi Nguyễn Quốc Tuấn nhưng do nhận thức về game nên tin tưởng vào nhân viên và chủ tịch của công ty”.

“Khi đọc hợp đồng có thắc mắc gì không?”, HĐXX hỏi. “ Bị cáo không nhớ, có thắc mắc đòi giải thích nhưng không nhớ”, Hồng trả lời.

Hồng khai tiếp: “Bị cáo không biết việc thực hiện hợp đồng. Bị cáo được Tuấn cho ký các đối soát 3 tháng đầu tiên. Nguyễn Văn Dương chỉ đạo việc đối soát. Bị cáo chỉ ký thay anh Dương khi anh ấy không có mặt.

Đến thời điểm số cuối tháng 9 thấy các hợp đồng có nhiều tiền nên bị cáo không ký đối soát thanh toán nữa và yêu cầu anh Dương làm giấy ủy quyền nhưng anh Dương không ký. Cuối tháng 9-2015 thì bị cáo không ký đối soát nữa”.

Khi HĐXX hỏi về nhận thức của Hồng về game bài trong đường dây đánh bạc này, Hồng khai chỉ nhận thức đây là game bài bất hợp pháp lúc bị công an bắt.

Lưu Thị Hồng trước bục bị cáo trong phiên hỏi sáng nay.

Theo bị cáo Hồng, những công việc thực hiện hợp đồng bị cáo không được biết, cá nhân bị cáo không được hưởng lợi gì.

Khi được hỏi về Phan Sào Nam, bị cáo Hồng khóc nức: “Bị cáo không xem xét, đọc kỹ nội dung các hợp đồng vì tin tưởng Phan Sào Nam và các nhân viên nên mới bị ngày hôm nay. Lúc ấy bị cáo không nghĩ gì về tư cách pháp nhân của công ty CNC. Bị cáo hối hận và ăn năn về vi phạm này”.

Tiếp đó, HĐXX công bố lời khai của Hồng tại cơ quan điều tra, trong đó bị cáo sinh năm 1976 khai đã nhận thức được game bài là bất hợp pháp.

Giải thích về việc này, Hồng cho rằng khi cơ quan điều tra hỏi về các hợp đồng đã ký bị cáo đã giải thích vì game không được cấp phép nên cũng sai quy định nhưng các bạn đồng nghiệp trình ký có nói đây là game thử nghiệm.

"Vì thử nghiệm nhưng lại có nhiều tiền, nhưng bị cáo không biết tiền đó như thế nào, rút ra, chuyển vào như thế nào, doanh thu ra sao nên bị cáo tại thời điểm cơ quan điều tra hỏi, bị cáo có giải thích là bản chất công việc bị cáo làm. Lúc đó, bị cáo có nhận thức được đó là game bài bất hợp pháp", bị cáo Hồng khai và khẳng định không được hưởng lợi từ các việc ký này.

Tại phiên tòa, Lưu Thị Hồng nhiều lần trả lời "không biết" trước các câu hỏi của HĐXX.

Cáo trạng xác định năm 2014, Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài.

Quá trình tìm pháp nhân để xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc, Nam đề nghị Nguyễn Văn Dương hợp tác và Dương đã đồng ý.

Việc vận hành game đánh bạc của 2 ông trùm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam được ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện.

Đường dây Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu có 25 đại lý cấp 1, hơn 5.800 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, trong đó hơn 500 tài khoản đặt cược trong một lần từ 5 triệu đồng trở lên.

Có hơn 9.850 tỷ đồng được nạp vào hệ thống game đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm vận hành. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ 26-6-2017 đến ngày kết thúc là 29-8-2018.

Trong đó: Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.800 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Gocoin là hơn 360 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là hơn 180 tỷ đồng.

Số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến được phân chia như sau: Các công ty phát hành thẻ được phân chia hơn 1.200 tỷ đồng, gồm: Viettel hơn 900 tỷ đồng, Vinaphone gần 150 tỷ đồng, Mobifone hơn 170 tỷ đồng, Công ty VTC online (thẻ Gocoin) hơn 14 tỷ đồng, Công ty Gate (thẻ Gate) hơn 230 triệu đồng, Công ty VNG (thẻ Zing) hơn 160 triệu đồng; Công ty VTC intercom (thẻ Vcoin) hơn 10 triệu đồng và 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là hơn 960 triệu đồng…

Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là hơn 3.700 tỷ đồng, thì các cá nhân còn được hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó: Phan Sào Nam hơn 1.400 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương – CNC hơn 1.600 tỷ đồng; Nguyễn Quốc Tuấn - CNC hơn 20 tỷ đồng; Phạm Tuấn Anh - CNC hơn 18 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Thịnh - CNC hơn 19 tỷ đồng; nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hơn 1.500 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang