Thủ tướng đến Papua New Guinea tham dự Hội nghị APEC 26

Thứ Bảy, 17/11/2018 21:51

|

(CAO) 9 giờ sáng 17/11, theo giờ địa phương (6h sáng giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Papua New Guinea, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26.

Nước chủ nhà APEC 26 chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam tại sân bay

*Chiều cùng ngày theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, trao đổi với một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.

Đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên còn nhiều dư địa để hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư – là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Quy mô thương mại hai chiều đã tăng 35 lần trong 18 năm qua. Tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam năm nay tăng 37%.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của các doanh nghiệp đối với Chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi đến đây với nhiều ý tưởng muốn chia sẻ với Ngài”, bà Monica Whaley, Chủ tịch Trung tâm Mỹ về APEC chia sẻ và bày tỏ nhiều doanh nghiệp có mặt hôm nay đều đã đầu tư vào Việt Nam, mong muốn có nhiều cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn UL cho biết, doanh nghiệp mới mở một phòng thí nghiệm ở Việt Nam để kiểm tra sản phẩm dệt may, đồ gỗ và nhìn nhận, chất lượng sản phẩm của Việt Nam rất tốt. Ông muốn được biết về định hướng hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới.

Thủ tướng gặp gỡ với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ

Góp ý về một số văn bản chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực như y tế, chăn nuôi, lãnh đạo các Tập đoàn Shire, Cargill mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình soạn thảo văn bản mới trong lĩnh vực này.

Khẳng định “những gì cản trở về thể chế, chính sách thì chúng tôi đều xem xét, chỉnh sửa”, Thủ tướng cho biết sẽ giao bộ, ngành liên quan kiểm tra, nếu có rào cản thì sẽ sửa đổi cho phù hợp.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam thời gian tới và sẽ có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp thành công. Chính phủ, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

*Tiếp đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón dành cho các nhà Lãnh đạo APEC do Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill chủ trì với những nghi thức trang trọng và truyền thống.

Sau đó, Thủ tướng dự 2 cuộc đối thoại quan trọng tại APEC 2018 là Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.

Sau phiên Đối thoại toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Australia và Trưởng đoàn Đài Bắc – Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp ABAC. Các doanh nghiệp đã nêu những quan tâm cụ thể về thương mại tự do và mở, kinh tế số và kinh tế mạng, tăng trưởng bền vững, bao trùm, chia sẻ đồng đều lợi ích của tự do hóa thương mại cho mọi người dân.

Thủ tướng dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC

Phát biểu với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP, khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với việc phê chuẩn CPTPP, hướng tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác, chiếm 61% GDP và 68% tổng thương mại toàn cầu, liên kết kinh tế của Việt Nam thực sự chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Thủ tướng cũng đã tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Kiribati, Cộng hòa các đảo Marshall, Nauru, New Caledonia, Niue, Fiji, French Polynesia, Tonga, Tuvalu, Vanuatu, Samoa và các đảo Solomon.

Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tăng cường hơn nữa tính bổ trợ và phối hợp giữa APEC và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao...

Bình luận (0)

Lên đầu trang