Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa"

Thứ Sáu, 17/02/2023 10:48

|

(CAO) Sáng 17/2, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu TPHCM, tham dự có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc.

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM

Bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong lấy phiếu tín nhiệm

Triển khai Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị gồm 3 chương, 12 điều nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm. Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt.

Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo đồng chí Mai Văn Chính, mục đích, yêu cầu thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang nhiệm vụ. Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Đồng chí Mai Văn Chính cũng cho biết, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc; Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đồng chí Mai Văn Chính, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể như sau: Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp uỷ địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp…

Cũng tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính đã quán triệt Quy định số 97-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương. Quy định số 97-QĐ/TW này gồm 4 chương, 17 điều…

Thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù

Quán triệt Hướng dẫn số 03-HD/TW của Ban Bí thư về việc thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên, đồng chí Mai Văn Chính cho biết, hướng dẫn này xác định mục đích nhằm có giải pháp sinh hoạt đảng phù hợp, tạo điều kiện cho đảng viên ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt, chi bộ đông đảng viên thực hiện việc sinh hoạt đảng theo Điều lệ. Thông qua thực hiện thí điểm để đánh giá đầy đủ, rút kinh nghiệm, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp…

Về đối tượng thực hiện thí điểm, đồng chí Mai Văn Chính cho biết là đảng bộ cơ sở, chi bộ có trên một nửa số đảng viên (trừ đảng viên miễn công tác và sinh hoạt đảng, bị đình chỉ sinh hoạt đảng) do điều kiện công tác có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt không thể sinh hoạt đảng trực tiếp tại cùng một địa điểm thì được thí điểm thực hiện sinh hoạt đảng trực tuyến. Cụ thể, đảng viên sinh sống, công tác, lao động, học tập phân tán trên địa bàn rộng, gồm: Đảng viên ngoài cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đảng viên công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trụ sở ở nhiều tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác nhau. Ngoài ra, đảng viên sinh sống, công tác, lao động, học tập không thường xuyên, không liên tục tại cùng một địa điểm, gồm: Đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, đảng viên là sinh viên trong thời gian nghỉ hè. Bên cạnh đó, đảng viên đang thực hiện nhiệm vụ không thể rời vị trí công tác, gồm: Đảng viên thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang, y tế, kiểm lâm; đảng viên là thuyền viên làm việc trên tàu tuyến quốc tế, các công trình biển, hải đảo.

Về hoàn cảnh đặc biệt, đảng viên ở nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai, địa bàn bị cô lập kéo dài hoặc nơi có dịch bệnh phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, không được tập trung đông người theo quy định của pháp luật.

Về sinh hoạt đảng theo tổ đảng, đồng chí Mai Văn Chính cho biết, Chi bộ được thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng theo tổ đảng là chi bộ có từ 50 đảng viên trở lên và có thành lập tổ đảng.

Về nguyên tắc, đồng chí Mai Văn Chính cho biết, việc thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm cả sinh hoạt cấp uỷ và sinh hoạt của các tổ chức đảng trực thuộc) chỉ thực hiện đối với những nơi có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.

Việc tổ chức sinh hoạt đảng ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt được kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến; đảng viên thuộc phạm vi, đối tượng nêu trong Hướng dẫn này được sinh hoạt đảng trực tuyến với tổ chức đảng. Trong trường hợp tất cả đảng viên của tổ chức đảng không thể tập trung tại cùng một địa điểm thì thực hiện sinh hoạt đảng trực tuyến đối với toàn thể đảng viên…

Về nội dung sinh hoạt đảng, đồng chí Mai Văn Chính cho biết, việc thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên phải thực hiện đầy đủ các nội dung sinh hoạt đảng theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Theo đồng chí Mai Văn Chính, những nội dung không thực hiện trong thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến và sinh hoạt đảng theo tổ đảng. Cụ thể, công tác tổ chức và cán bộ; xét kết nạp đảng viên, chuyển đảngchính thức, quyết định xoá tên đảng viên, xem xét cho đảng viên xin ra khỏi Đảng; Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; thi đua, khen thưởng; rà soát, phát hiện, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các vấn đề thuộc bí mật theo quy định của Đảng, Nhà nước; các nội dung liên quan đến bỏ phiếu kín; kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và quyết định các chủ trương lớn, quan trọng.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Ban Tổ chức Trung ương đã quán triệt, hướng dẫn số 22-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang