(CAO) Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ hơn nữa các nước Đông Nam Á tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, hợp tác với Việt Nam về chuyển giao công nghệ, cấp phép, sản xuất vaccine.
Chiều 5/4 (theo giờ địa phương), Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã có cuộc điện đàm với Hạ nghị sỹ Ami Bera (Đảng Dân chủ - California), Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương-Trung Á và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong cuộc điện đàm, Đại sứ Hà Kim Ngọc chúc mừng Hạ nghị sỹ Ami Bera được tín nhiệm bầu lại đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương-Trung Á và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Đại sứ đánh giá cao những đóng góp của Hạ nghị sỹ Bera đối với sự phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ và lạc quan về triển vọng tích cực của quan hệ hai nước thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)
Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ hơn nữa các nước Đông Nam Á tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, hợp tác với Việt Nam về chuyển giao công nghệ, cấp phép, sản xuất vaccine, đồng thời thúc đẩy hợp tác để bảo đảm chuỗi cung ứng hiệu quả, bền vững.
Về phần mình, Hạ nghị sỹ Ami Bera đánh giá cao thành công của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, nhất trí thúc đẩy hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định.
Hạ nghị sỹ Bera chia sẻ là một bác sỹ, ông rất hiểu nhu cầu bảo đảm tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người và ghi nhận đề nghị của Việt Nam để trao đổi với chính quyền Hoa Kỳ về khả năng hợp tác giữa hai nước trong sản xuất vaccine.
Hạ nghị sỹ Bera nhất trí với đề nghị của Đại sứ Hà Kim Ngọc về việc hai nước duy trì đối thoại trên tinh thần xây dựng để giải quyết các vấn đề còn khác biệt, trong đó có việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ sớm kết thúc điều tra theo Điều khoản 301 và không có hành động nào bất lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng bạo lực và kỳ thị người gốc Á, trong đó có người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị Hạ nghị sỹ Ami Bera và chính quyền, Quốc hội các cấp, nhất là tại bang California có biện pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn, quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội khác cho cộng đồng người Việt.
Hạ nghị sỹ Ami Bera cho biết ông phản đối những hành vi kỳ thị chủng tộc và cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các nước để giải quyết vấn đề này.
Nhân dịp này, Đại sứ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sỹ Bera cũng đã trao đổi về thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ trong một số vấn đề quan trọng đối với khu vực.
Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao cam kết của Hoa Kỳ về việc duy trì các nguyên tắc căn bản để bảo đảm trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, trong đó có tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); đề nghị chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn nữa để triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Mekong, nhất là sớm thực hiện một số dự án thí điểm.
Hạ nghị sỹ Ami Bera khẳng định Biển Đông là vùng biển quan trọng, đồng thời bảy tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, ủng hộ việc bảo đảm tự do hàng hải, an ninh an toàn hàng hải, thượng tôn pháp luật và duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Đáp lại lời mời của Đại sứ Hà Kim Ngọc, Hạ nghị sỹ Bera bày tỏ mong muốn sẽ đi thăm Việt Nam và khu vực ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Cuộc điện đàm nói trên tiếp nối một loạt các cuộc trao đổi, tiếp xúc gần đây của Đại sứ Hà Kim Ngọc và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ với Chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội khóa 117 của Hoa Kỳ.
Thông điệp xuyên suốt các cuộc trao đổi là quyết tâm duy trì đà phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện, phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước cũng như đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.