Xác định rõ nhóm đối tượng công trình để có giải pháp PCCC phù hợp

Thứ Bảy, 23/09/2017 14:15  | Linh Vũ

|

(CAO) Sáng 23-9, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM phối hợp với Cảnh sát PCCC TP tổ chức Toạ đàm Lấy ý kiến các chuyên gia cho Dự thảo Nghị quyết Triển khai thực hiện Điều 63a về xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Đến dự có ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP; Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP; ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP; đại diện các Sở ngành TP, quận, huyện và nhiều chuyên gia về PCCC…

Theo Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, hiện trên địa bàn có 1.990 khu dân cư và 27.646 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Qua phân loại đánh giá, có 10.621 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; trong đó có 1.082 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiểu lực.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 2.647 vụ cháy, nổ làm chết 131 người và bị thương 419 người, thiệt hại về tài sản ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 57 vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thuộc các cơ sở được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Từ tình hình thực tế và căn cứ các văn bản chỉ đạo, UBND TP.HCM có tờ trình đề nghị HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC, được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong buổi Toạ đàm, các đại biểu, chuyên gia có nhiều ý kiển, phản biện để làm rõ nội dung Dự thảo.

Cảnh sát PCCC TP.HCM đang dập lửa tại Công ty dệt may Thành Công
 

Trong bài Tham luận góp ý cho Dự thảo, PGS.TS Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học PCCC (Bộ Công an) nêu: “Các thiếu sót thuộc về điều kiện an toàn và phòng chống cháy lan đòi hỏi bổ sung hoặc thay đổi kiến trúc nhà, công trình đã xây dựng; thiếu xót liên quan đến hệ thống PCCC có thể thiết kế, lắp đặt bổ sung để đảm bảo an toàn cho cơ sở. Điều này hoàn toàn có thể xử lý, khắc phục bằng những giải pháp kỹ thuật. Ngoài ra, cần bổ sung thêm điều về tuyên truyền, giáo dục ý thức, kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ PCCC để mọi người nắm, hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành; đặc biệt là hướng dẫn các thao tác sử dụng các dụng cụ, phương tiện PCCC tại chỗ, phương án xử lý an toàn khi có cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người”.

 

Đại tá Trần Thanh Châu, nguyên Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM góp ý: “Do các cơ sở được xây dựng trước Luật nên các vi phạm tồn tại rất lâu và không thể xử lý. Để loại trừ nguy cơ cháy nổ thì giải pháp tình thế tức thời được Cảnh sát PCCC – đơn vị chuyên môn thực hiện đó là bố trí thêm cầu thang, lối thoát nạn… cho các cơ sở này. Rất may, chúng tôi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chủ cơ sở. Còn với các cơ sở không đồng ý thì Cảnh sát PCCC yêu cầu phải thay đổi một cách phù hợp nhưng đảm bảo an toàn PCCC là quan trọng nhất. Vì khi cháy có thể sẽ cháy lan, hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Còn tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ có giải pháp cụ thể, vi phạm cái gì sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp”.

 

Tham gia phát biểu góp ý, Thượng tá Nguyễn Vũ Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo và chữa cháy, Cảnh sát PCCC TP nói: “Những cơ sở tồn tại trước khi có Luật thì khó có thể rằng họ có vi phạm tiêu chuẩn không? Vì thế chúng ta phải xác định rõ các công trình thuộc những đối tượng nào. Với văn phòng, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ… thì phải xét đến khoảng cách an toàn như tăng cường nâng độ dày của tường; có thể bổ sung thêm lối thoát nạn thứ 2, có thể áp dụng thang áp tường, thang dây, ống tuột…

Với nhóm đối tượng cơ sở sản xuất có thể phải di dời nhưng có lộ trình theo đúng thời điểm; trong nhóm này, ngoài lối thoát nạn, khoảng cách an toàn thì phải có công tác tổ chức chữa cháy (trang bị phương tiện chữa cháy). Một cơ sở khi xây dựng xong phải có một bồn nước chữa cháy nhưng người ta không hoàn tất, lắp đặt, vậy giải pháp là hỗ trợ cho doanh nghiệp như cho phép lấy nước từ đường ống nước… Ngoài những giải pháp kỹ thuật phải tăng cường công tác bảo vệ (cơ sở phải làm) để phát hiện sớm nhất khi có cháy, nổ, từ đó kịp thời xử lý…”.

 

Phát biểu tổng kết buổi toạ đàm, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP ghi nhận những ý kiến quý báu của các đơn vị, chuyên gia… nhằm giúp quá trình xây dựng Nghị quyết thuận lợi và sát với thực tế hơn. Ban Pháp chế, Cảnh sát PCCC TP sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, bổ sung vào các phương án, khắc phục các nội dung không đảm bảo an toàn PCCC, điều chỉnh nội dung Dự thảo Nghị quyết nhằm tăng tính khả thi trong việc tổ chức triển khai hiệu quả Điều 63a Luật sửa đổi bổ sung một số Điều luật PCCC.

Bình luận (0)

Lên đầu trang