Trưởng Phòng CSGT Đường bộ Đường sắt, Công an TP.HCM:

Một số cá biệt làm ảnh hưởng đến hình ảnh CSGT

Thứ Sáu, 22/09/2017 18:28  | Linh Vũ - Thái Dương

|

(CAO) Chiều 22-9, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ Đường sắt (Công an TP.HCM) chủ trì buổi gặp gỡ báo chí nhằm cung cấp thông tin về một số hoạt động của lực lượng CSGT, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua.

“Sự việc vừa qua là một điều đáng tiếc”

Mở đầu buổi gặp gỡ, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết kể từ khi chính thức nhận nhiệm vụ Trưởng phòng PC67 từ cuối năm 2016, ông luôn cố gắng để thay đổi hình ảnh lực lượng CSGT trong mắt người dân. Ông cũng khẳng định thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh các hoạt động của CSGT là khách quan và mong muốn tiếp tục nhận được những thông tin này để làm cơ sở hoàn thiện, chấn chỉnh lực lượng, xem là những bài học kinh nghiệm quý báo để khắc phục những việc làm chưa tốt và phát huy những hình ảnh đẹp…

Theo Trung tá, sau khi nhận được phản ánh của báo đài về hoạt động của lực lượng CSGT tại khu vực của ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, Phòng PC67 lập tức tiến hành hội ý, xác định khu vực và đơn vị liên quan. Sau đó, Phòng thông báo mời cấp uỷ Ban chỉ huy đội CSGT Tân Sơn Nhất (thuộc Phòng PC67) để xác định hình ảnh, thông tin báo chí phản ánh và làm rõ được 3 đồng chí CSGT thuộc đội này.

“Sau khi xác định, chúng tôi báo cáo Ban Giám đốc CATP về vụ việc; đồng thời thành lập ngay tổ công tác xác minh, yêu cầu 3 đồng chí liên quan viết tường trình. Qua đó, chúng tôi có những thông tin ban đầu và báo cáo về CATP. Đơn vị cũng tạm đình chỉ 3 cán bộ này để làm rõ. Để đảm bảo khách quan, Phòng PC67 đề xuất Giám đốc CATP phân công Phòng Thanh tra CATP chủ trì, phối hợp với các đơn vị xác minh, làm rõ vụ việc; trong đó, PC67 có 2 thành viên tham gia tổ. Hiện, tổ thanh tra đang tiếp tục làm rõ xem có hay không dấu hiệu vi phạm và vi phạm ở mức nào, tuỳ mức độ sẽ xử lý nghiêm. Bước đầu, 3 đồng chí thừa nhận mình là người trong clip trên các phương tiện thông tin đại chúng; còn kết quả thế nào sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất”, Trung tá Huỳnh Trung Phong thông tin.

“Để xảy ra sự việc vừa qua là một điều đáng tiếc ”, Trưởng phòng PC67 nhìn nhận và chia sẻ, đó không phải sự tiếc nuối của riêng ông mà là của cả Phòng CSGT. Trong khoảng 18 tháng nhận nhiệm vụ, ông và toàn thể cán bộ chiến sĩ (CBCS) phòng không ngừng nỗ lực phấn đấu để thay đổi, nâng cao tinh thần trách nhiệm và hình ảnh lực lượng.

Theo ông Phong, hình ảnh đẹp của CSGT năm 2017 tăng vượt bậc. Toàn Phòng PC67 có khoảng 1.400 CBCS, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị nêu được 496 lượt CSGT nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ của người vi phạm; 91 lượt CBCS dũng cảm tham gia truy bắt tội phạm; nhiều chiến sĩ đội mưa, lội nước điều tiết giao thông, đưa người già qua đường, quét đường…; TNGT kéo giảm được cả 3 tiêu chí; ùn tắc giao thông cơ bản đươc đảm bảo, tình hình thanh thiếu niên tụ tập gây mất an ninh trật tự chuyển biến tốt… “Những nỗ lực và cống hiến của khoảng 1.400 CBCS Phòng CSGT được người dân ghi nhận, nhưng một số cá biệt làm ảnh hưởng, đối với chúng tôi đó là sự tiếc nuối”, Trung tá nhấn mạnh.

Người dân được phép ghi hình CSGT làm nhiệm vụ

Nói về một vấn đề khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là có hay không việc người lạ xuất hiện xung quanh các chốt làm nhiệm vụ của CSGT, Trung tá Huỳnh Trung Phong thẳng thắn nhìn nhận vấn đề trên tinh thần cầu thị. Ông cho biết, cả trước và sau khi báo chí phản ánh, đơn vị cũng có lực lượng thường xuyên xác minh các thông tin nêu trên để nắm thực trạng và có hướng xử lý.

Theo Trưởng phòng PC67 thì có nhiều dạng đối tượng thường xuyên đứng xung quanh giám sát lực lượng CSGT. “Khi CSGT làm nhiệm vụ thì có nhiều người dân hiếu kỳ tập tụ, theo dõi, chẳng hạn như một vụ TNGT; Một bộ phận khác sợ CSGT xử phạt các lỗi vi phạm nên dừng lại cách chốt khoảng 100m để né tránh; Có những người mặc thường phục, đi xe máy để cảnh giới rồi báo về các xe quá tải để đi hướng khác; Nhiều người theo dõi CSGT ra quân chuyên đề, sử dụng facebook thông báo cho các thanh thiếu niên tụ tập, gây rối tránh mặt; Khi CSGT xử lý nồng độ cồn thì một vài xe ôm đứng bên cạnh chờ chở người vi phạm về nhà; Một số khác mặc thường phục là lực lượng CSGT để sẵn sàng hỗ trợ tổ công tác khi cần. Đó là lý do vì sao thường xuyên xuất hiện người lạ xung quanh CSGT”, Trung tá Huỳnh Trung Phong khẳng định.

Trung tá cũng không loại trừ khả năng, những người xe ôm hành nghề tại khu vực có chốt của lực lượng CSGT qua thời gian dài thì tạo được gắn kết. “Quan trọng nhất, chúng tôi kiên quyết xử lý CBCS có quan hệ phức tạp với người lạ mặt tại khu vực làm nhiệm vụ. Chúng tôi nghiêm cấm lực lượng CSGT quan hệ với người lạ có hành vi can thiệp vào hoạt động của lực lượng chức năng”, ông Phong cho biết.

Trước câu hỏi báo chí về việc người dân bị làm khó khi quay phim, chụp hình, giám sát CSGT làm nhiệm vụ, Trung tá Huỳnh Trung Phong nhấn mạnh: “Người dân được phép ghi hình để giám sát hoạt động của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, việc này không được cản trở hoạt động làm việc của lực lượng chức năng và khi quay phải có văn hoá ứng xử. Thời gian qua, đơn vị cũng thường xuyên quán triệt tư tưởng cho CBCS, tăng cường nhiều giải pháp trong công tác cán bộ, xây dựng cơ chế thông tin và đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về hoạt động của CSGT; qua đó nâng cao hiệu quả làm việc và hình ảnh lực lượng”.

Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ Đường sắt cho biết, đơn vị luôn tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, người dân thông qua nhiều hình thức. Người dân có thể đến trực tiếp hoặc gọi điện, nhắn tin vào đường dây nóng 0994.67.67.67 để cung cấp thông tin về hoạt động của CSGT. Đơn vị sẽ tiếp nhận mọi thông tin, từ đó xây dựng cơ chế xử lý, kiểm tra và có phản hồi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang