Nhiều công trình giao thông xây dựng lâu, xuống cấp nhanh

Thứ Tư, 06/03/2019 11:24

|

(CAO) Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ.

Tuần tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập

Cùng với yêu cầu giải trình về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội nêu đề nghị với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng công tác tuần tra, kiểm soát mới chủ yếu tập trung ở các địa bàn đông dân cư, tuyến đường trọng điểm, trong thời gian cao điểm.

“Mặc dù số lượng các vi phạm được phát hiện qua công tác tuần tra, kiểm soát là khá lớn nhưng vẫn chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm hiện nay” - báo cáo của nhóm nghiên cứu nói.

Toàn cảnh phiên giải trình

Cũng theo nhóm nghiên cứu, công tác tuần tra, kiểm soát đối với xe siêu trường, siêu trọng chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tải trọng. 

Một vấn đề gây bức xúc dư luận lâu nay là tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song theo nhóm nghiên cứu, công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này mà chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải trình một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Dẫn chứng việc này, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng kiểm tra việc thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại Trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày. Trong khi đó, nhiều vi phạm chỉ được tiến hành thanh tra sau khi đã xảy ra TNGT hoặc báo chí, dư luận phản ánh.

Hạ tầng giao thông: xây dựng lâu, xuống cấp nhanh

Phản ánh tình trạng này, nhóm nghiên cứu yêu cầu Bộ GTVT giải trình tình trạng nhiều công trình giao thông vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện hiện tượng sụt lún, ổ gà, xuống cấp... tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, phải sửa chữa, khắc phục. Một số đường giao thông tồn tại điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Theo nhóm nghiên cứu, công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn sơ hở, dẫn tới số lượng vi phạm lớn. Bằng chứng là năm 2017 có 5.487vụ vi phạm, đến năm 2018 là 4.179 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm về xây dựng công trình đường bộ trái phép trong hành lang an toàn đường bộ (thường chiếm tới 40-50%tổng số vi phạm).

Trong khi đó, việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả, còn tồn đọng lớn: năm 2017 còn tồn 59% số vụ vi phạm chưa xử lý; năm 2018 còn tồn 68,3% số vụ vi phạm chưa xử lý.

Một điểm nữa mà nhóm nghiên cứu cảnh báo là tình trạng chưa hoàn thành dứt điểm việc xóa bỏ các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt (là nguyên nhân chính, phổ biến nhất dẫn đến TNGT đường sắt)...

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT có liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cử tri phản ánh đến nay hầu hết các vụ TNGT chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng giao thông” - báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo việc xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể người có liên quan đến việc tự ý mở lối đi ngang qua đường sắt; xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan đến nguyên nhân dẫn đến TNGT do lỗi kết cấu hạ tầng giao thông.

Học lái xe "bao thi, bao đỗ”

Yêu cầu Bộ GTVT giải trình hiện tượng này, nhóm nghiên cứu cho biết, trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tồn tại tâm lý của một bộ phận học viên không muốn học bài bản nhưng muốn có GPLX.

Nắm bắt tâm lý đó, một số cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành lái xe không đủ so với quy định, thay vì dạy "bài bản” thì dạy "mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này, thậm chí có hiện tượng "bao thi”, "bao đỗ” tại một số cơ sở cấp GPLX.

Cùng với đó, việc quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp phép, quản lý giấy phép lái xe vẫn còn bất cập (Năm 2017: có 6,13% tổng số vụ TNGT là do quy trình, thao tác lái xe kém). Công tác quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn thiếu chặt chẽ, có cơ sở đào tạo bị xử lý vi phạm do không đảm bảo cơ sở vật chất theo giấy phép đào tạo lái xe được cấp; không đầu tư thiết bị đáp ứng quy chuẩn mới áp dụng.

Đối với việc kiểm soát tải trọng phương tiện, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải giải trình tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, tiếp tục là nguyên nhân mất TTATGT, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng, một số trường hợp còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang