(CAO) Trước sự quan tâm của dư luận tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo phòng họp Ban Thường vụ, phòng họp Ban Chấp hành, Phòng Khánh tiết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với số tiền gần 18 tỷ đồng, đại diện lãnh đạo tỉnh này đã lý giải về việc chi số tiền trên.
Ngày 29-11-2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo phòng họp Ban Thường vụ, phòng họp Ban Chấp hành, Phòng Khánh tiết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư của dự án gần 18 tỷ đồng (17.955.812000 đồng). Nguồn kinh phí được lấy từ kinh phí sự nghiệp năm 2018. Thời gian thực hiện 2018- 2019.
Việc đầu tư với mục đích cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan Tỉnh ủy. Tổng mức đầu tư các hạng mục sửa chữa cụ thể: chi phí xây dựng 6,99 tỷ đồng; chi phí thiết bị 6,973 tỷ đồng; chí phí quản lý dự án 430 triệu đồng; chi phí tư vấn xây dựng 926,7 triệu đồng; chi phí khác 738 triệu đồng; chi phí dự phòng 1,892 tỷ đồng.
Dự án chủ yếu là cải tạo, tháo dỡ, thay thế những thiết bị nội thất hư hỏng, thay thế hệ thống điện, tháo dỡ và sửa chữa phòng vệ sinh…
Trước sự quan tâm của dư luận về dự án cải tạo trên, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, hầu hết các cơ quan công sở của Vĩnh Phúc đều được xây dựng cách đây gần 20 năm, các trang thiết bị và hạ tầng phòng họp đều cũ kỹ, xuống cấp cần phải cải tạo. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cũng đã thay đổi theo thời gian.
Khu trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc nhìn từ trên cao
Ông Thành cho biết, hiện nay Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi lớn, các chỉ số kinh tế thay đổi rất nhiều, trong khi trụ sở Tỉnh ủy vẫn y nguyên, cũ kỹ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm, song song với việc quan tâm các vấn đề an sinh xã hộ rất được trú trọng, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các công trình bệnh viện, trường học..., thì việc xây dựng bộ máy chính quyền cũng xác định cần cải tạo tất cả trụ sở, cơ sở vật chất sau một thời gian dài xuống cấp.
Ông Thành nói: “Trụ sở Tỉnh ủy là một trong số các bộ phận cơ quan công quyền phải sửa. Cơ quan Tỉnh ủy là một trong những cơ quan cuối cùng được đưa vào kế hoạch cải tạo, còn các cơ quan khác cơ bản đã sửa rất nhiều. Chính vì thế, UBND tỉnh đã lên kế hoạch sửa chữa và trình HĐND tỉnh. Sau đó HĐND tỉnh có Nghị quyết dành một phần ngân sách để sửa theo đề xuất”.
Theo ông Thành, bình quân mỗi năm tỉnh Vĩnh Phúc phải tiếp khoảng 270 đoàn khách, trong đó lượng khách nước ngoài cũng rất nhiều. Hiện nay trên địa bản tỉnh có hơn 200 nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia. Trong khi đó không thể cứ mãi dùng bộ bàn ghế cũ, phòng họp cũ, thiết bị cũ, đã xuống cấp để tiếp đón, đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế xã hội được. Tất cả mọi thứ đã không còn phù hợp cho nên cần cải tạo là tất yếu.
Ông Thành nói thêm, khi có dư luận bản thân ông cũng đã giao cho các cơ chức năng kiểm tra, rà soát và đi đến khẳng định, tổng mức đầu tư ban đầu đưa ra là 29,5 tỷ đồng. Sau khi gửi lên cấp trên, các cơ quan chức năng đã xem xét kỹ về việc cắt giảm những hạng mục không cần thiết, tận dụng lại các thiết bị cũ còn sử dụng được, nên đã cắt giảm hơn 11 tỷ đồng, còn lại 17,9 tỷ đồng.
“Bên cạnh đó, đối chiếu với tất cả các định mức trong đó có định mức phòng họp, định mức diện tích công sở, định mức kinh tế kỹ thuật,… các sở chuyên ngành đã khẳng định áp dụng đúng”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành đồng thời cũng nói lý do chi gần 18 tỷ cho việc cải tạo nói trên thực chất là bao gồm cả hệ thống các phòng họp, phòng khánh tiết, phòng tiếp khách, phòng chuẩn bị, phòng vệ sinh và các phòng làm việc phục vụ cho phòng họp. Nó liên hoàn với nhau chứ không phải một phòng. Chỉ tính riêng phòng khánh tiết đã hơn 300m2. Tổng diện tích các phòng họp, các khu vực, hành lang rơi vào khoảng gần 1.000m2.
Từ đó, ông Thành khẳng định: “Vì thế, tổng mức đầu tư của dự án là 17,9 tỷ đồng bao gồm cả sửa chữa, xây lại một số phần cần thiết, cả mua sắm trang thiết bị, bàn ghế phục vụ cho họp, cho kết nối phòng họp. Theo định mức, cái này cũng bao gồm cả tiền dự phòng, tiền chi phí thiết kế, chi phí ban quản lý dự án theo định mức”.
Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nói, đây là tổng mức đầu tư, mới chỉ khái toán ở bước phê duyệt dự án, còn con số cụ thể vẫn còn phải qua 1 bước nữa là lập thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán. Bước này sẽ được các cơ quan chuyên ngành thẩm định. Đó mới là bước chi tiết cụ thể.