Từ chuyện bác sĩ rút ống thở mẹ cha
Câu chuyện "bác sĩ Trần Khoa" rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan truyền trên mạng xã hội ngày 7-8 đã bị lật tẩy, hành vi lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện bị phát hiện. Thực tế, hình ảnh đại diện trên Facebook của "bác sĩ Khoa" là của một tiến sĩ chuyên về nha khoa của Singapore tên là Toh Wei Seong, làm việc tại Đại học NUHS bên Singapore.
Lập tức các thành viên mà "bác sĩ Khoa" đăng bài rồi tag các Facebook như PhongLam, Thy Nguyễn... vào đều đã "biến mất". Cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện nhóm của "bác sĩ Khoa" có nick PhongLam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng để kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra. Cuối bài, các đối tượng kêu gọi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Thị Minh Thy là người đứng tên tài khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM.
Hai chủ TK Facebook chia sẻ vụ "bác sĩ Khoa"
Theo lời của các nạn nhân, để thu hút được quan tâm của cộng đồng mạng, các đối tượng lập ra Facebook kể cuộc đời bi thương của chính mình để tìm sự cảm thông, chia sẻ. Chị Nguyễn Kiều L. (ngụ quận 7) cho biết, tháng 7-2020 có đọc trên Facebook của một người bạn học cùng khóa thì phát hiện PhongLam vào comment. Tò mò, chị vào xem thì thấy Lam toàn viết những câu chuyện về cuộc đời mình như tiểu thuyết. Cha PhongLam bị bệnh ung thư, Lam bị ung thư máu từ nhỏ. Anh trai mất từ khi mới vào đời. PhongLam có ước mơ làm bác sĩ và được ba hiến tủy cứu sống và sang Singapore thực hiện ước mơ của mình... Ngoài việc kể câu chuyện cuộc đời như trong phim, PhongLam nêu những trường hợp thương tâm mà nhóm đang giúp đỡ nhằm kêu gọi từ thiện.
Cuối tháng 7-2020, PhongLam nhắn cho chị L. chuẩn bị tổ chức Trung thu cho các cháu mắc bệnh ung thư máu, và chị cùng nhóm "thiện nguyện 82" sẽ làm bánh bán để quyên tiền. Thấy việc làm ý nghĩa nên chị L. ủng hộ 5 triệu đồng, kêu gọi bạn bè ở TPHCM ủng hộ người 1 triệu, người 2 - 3 triệu đồng. Số tiền ủng hộ của nhóm bạn chị L. đều thông qua tài khoản Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre. Đến tháng 8-2020, Thy còn gọi cho chị L. rằng nhóm đang tổ chức hoạt động nhưng thiếu 300 phần quà, chị L. và người thân ủng hộ. Đầu năm 2021, nhóm này còn kêu gọi chị L. cùng nhiều người quyên góp vào các chương trình ung thư của "quỹ 82", chị L. phát hiện nhiều bất thường nên không tham gia. Đến nay, Facebook, Zalo cùng các số điện thoại của PhongLam, Nguyễn Thị Minh Thy đều không liên lạc được.
Thông tin lừa đảo vụ "bác sĩ Khoa" được báo nước ngoài đăng tải
Không chị riêng chị L., qua đường dây nóng của Báo CATP, nhiều nạn nhân cũng đã tin vào những "màn kịch" được dựng khá hoàn hảo. Ban đầu, câu chuyện đẫm nước mắt được dựng lên và đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó, hàng loạt những bình luận và những đề nghị làm từ thiện luôn được gợi ý. Trở lại "Bác sỹ Khoa", thông tin bịa đặt đăng tải trên mạng xã hội khoảng 1 giờ thì đã có hàng chục ngàn lượt xem, chia sẻ. Trong đó, có nhiều bình luận kêu gọi từ thiện và khẳng định câu chuyện đúng sự thật.
Khi vụ lừa đảo bị phát hiện, các đối tượng có liên quan đều chối phăng mối quan hệ với bác sĩ Khoa nhưng tiền hậu bất nhất. Đối với Facebook Jang Kều, sau khi "bác sĩ Khoa" là trò lừa đảo, đã gỡ bỏ những status liên quan. Trả lời những nghi ngờ của anh Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News Trí Việt trên Faccebook, Jang Kều vẫn khẳng định đã nói chuyện qua tin nhắn Facebook với tài khoản Trần Khoa.
Một số cá nhân còn khẳng định, "bác sĩ Khoa" rút ống thở của cha mẹ, mổ thành công sản phụ về chung cư, ăn cơm chung và nói chuyện (!?). Dư luận cho rằng theo những lời giải thích trên, các cơ quan chức năng chỉ cần mời Huỳnh Mai An Đông, Jang Kều, Ngân Hà Trần là sẽ truy tìm ra Facebook PhongLam, chủ tài khoản Nguyễn Thị Minh Thy. Thực tế, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mời 3 chủ Facebook trên làm việc nhưng do giãn cách xã hội nên tạm dời lại.
Các đối tượng kêu gọi cộng đồng mạng tham gia từ thiện
Liên quan đến "bác sĩ Khoa", Thanh tra Sở TT&TT TPHCM phạt tài khoản Facebook "Nguyễn Đức Hiển" và "Hoàng Nguyên Vũ”, mỗi người 5 triệu đồng về việc cung cấp, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố.
Đến bà ngoại rút ống thở của cháu
Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an có công văn gởi Công an TPHCM đề nghị rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kêu gọi từ thiện có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn. Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, Công an một số quận, huyện ở TPHCM sẽ rà soát tình hình hoạt động từ thiện của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn từ năm 2020 đến nay như: thống kê cụ thể tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý. Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản (có số liệu cụ thể kèm theo)...
Theo C02, thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi lên những câu chuyện được bàn luận về việc làm từ thiện không minh bạch của một số hội, nhóm, đặc biệt là một số người nổi tiếng kêu gọi, vận động, quyên góp và hỗ trợ trực tiếp cho bà con vùng lũ lụt miền Trung năm 2020. Nhiều người nổi tiếng là ca sĩ, diễn viên được cho là đã không công khai, minh bạch được số tiền mà người dân, các nhà hảo tâm ủng hộ, chuyển vào tài khoản cá nhân. Cục C02 đã tiếp nhận đơn tố cáo của các cá nhân và đang xác minh.
Vụ bác sĩ Khoa tạm lắng, chiều 2-9, tài khoản Facebook "Giang Kim Cúc và các Cộng Sự" livestream bà ngoại rút ống thở cháu ngoại. Lập tức, nhân vật trong clip phản ứng. Tường trình với các cơ quan chức năng, chị Huỳnh Châu Hạnh (thường gọi chị Thép, một biệt đội hỗ trợ oxy cho F0 tại TPHCM) cho biết: chiều 2-9, chị nhận được thông tin về vụ việc một cháu bé tử vong tại bệnh viện nhưng không được đơn vị nào hỗ trợ mai táng nên lập tức đến bệnh viện và liên hệ với nhóm Giang Kim Cúc nhờ hỗ trợ.
Nhóm Giang Kim Cúc đến, bệnh viện báo không thể làm giấy báo tử mà chỉ có thể làm giấy xuất viện nêu rõ tình hình sức khỏe khi nhập viện: đã tím tái, ngưng tim, cấp cứu thất bại. Bà Ngoại cháu bé đành rút ống thở bởi cháu ngưng tim khi vào bệnh viện. Chị Hạnh khẳng định, bà ngoại không phải là người rút ống thở của cháu bé do cuộc sống khó khăn hay vì đó là một đứa cháu ngoài ý muốn, mà bé đã không còn khả năng cứu chữa. Đồng thời, các bác sĩ cũng đã làm hết sức mình để cứu bệnh nhân.
Đoạn livestream của nhóm Giang Thị Kim Cúc gây nên làn sóng phẫn nộ cực lớn trong cộng đồng mạng. Chị Hạnh cho hay đã yêu cầu chị Cúc lên tiếng đính chính, minh oan cho bà ngoại cháu bé. Ngày 4-9, trên trang Giang Thị Kim Cúc và cộng sự có livestream xin lỗi về clip trên. Tuy nhiên, trong đoạn clip này, Cúc không hề đính chính vụ việc bà ngoại "độc ác" giết cháu, mà chỉ cho rằng bản thân quá nóng vội trong vị trí của một người làm mẹ nên mới có những phát ngôn nóng vội (?). Thanh tra Sở TT&TT TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài khoản Facebook "Giang Kim Cúc và các Cộng Sự" 10 triệu đồng vì phát sóng trực tiếp nội dung sai sự thật về việc... "bà ngoại rút ống thở của cháu".
Tài khoản mà nhóm "bác sĩ 82" sử dụng
Giang Thị Kim Cúc (SN 1988, ngụ huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Trước khi kêu gọi từ thiện, Cúc cùng một nhóm người chuyên đi nhặt rác ở bãi biển. Năm 2019, với lý do vì môi trường, Cúc được một vài tờ báo ca ngợi. Đến khi xảy ra dịch Covid-19, Cúc cùng nhóm của mình kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất để làm từ thiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Kể từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4-2021, bà Cúc cùng nhóm của mình có đưa quà từ thiện gồm gạo, rau, củ... về một số tỉnh, thành.
Đặc biệt tại TPHCM, để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, bà Cúc kêu gọi nhà hảo tâm tham gia nhiều chương trình vận động từ thiện Nhà ăn 0 đồng, Xe cứu thương 0 đồng... Ngày 6-9, trên Fanpage Giang Kim Cúc và các cộng sự thông báo: "Hết quỹ dành cho gia đình có người mất vì Covid-19 lần 3...". Kèm theo thông tin tài khoản nhận đóng góp là: Ngân hàng ACB, số tài khoản 99991968, tên tài khoản Giang Thị Kim Cúc". Tuy nhiên, trong các hóa đơn chuyển tiền mà Fanpage này đăng kèm thông báo trên, tài khoản chuyển tiền cho gia đình các nạn nhân lại mang số 0190191191191, khiến nhiều người hoài nghi. Hiện các cơ quan chức năng nhận đơn tố cáo Cúc không trao đủ số tiền vận động từ thiện.