Đó là những lời chia sẻ đến nghẹn lòng của cháu Trần Thị Phượng (11 tuổi) trú ở xóm 2 Hùng Sơn xã Diễn Lâm huyện Diễn Châu (Nghệ An).
"Chị em cháu thèm một bữa cơm có thịt lắm"
Trên con đường ngoằn ngoèo với đất đá lởm chởm, phải dừng lại bên đường hỏi thăm nhiều lần chúng tôi mới tìm tới được gia đình chị Hoàng Thị Liễu (32 tuổi), mẹ của hai cháu Trần Thị Phượng (11 tuổi) và Trần Thị Hương (5 tuổi).
Ba mẹ con chị trước ngôi nhà tuềnh toàng
Đó là ngôi nhà Đại Đoàn Kết được làm từ khá lâu bởi nó trông cũ kỹ, xuống cấp, rộng chừng 20m2.
Xung quanh ngôi nhà ấy là núi đồi bao bọc với cây cối rậm rạp, um tùm, khiến cho ngôi nhà thêm cách biệt với những người hàng xóm sống lưa thưa ở xung quanh.
Căn nhà ấy trước kia đã từng là nơi che nắng che mưa cho ba thế hệ của gia đình gồm bố chồng chị Liễu, hai vợ chồng chị và chị em Phượng. Thế nhưng khi đưa mắt nhìn xung quanh, thì nhưng chẳng thấy có thứ gì giá trị, ngoài chiếc giường đã cũ mòn kê ở góc nhà, phía đối diện với là bàn thờ của chồng chị nhưng lạnh ngắt hương khói. Một chiếc tivi 14inch thời xưa đã hỏng để làm vật trang trí trong nhà, và chiếc quạt nhỏ… Đó là tất cả những gì mà gia đình chị Liễu có được sau bao năm sinh sống.
Lúc chúng tôi đến, chỉ có hai đứa con chị ở nhà là em Phượng và Hương ở nhà. Hai em đang lúi húi ngồi giặt chậu quần áo mà chị Liễu do vội đi làm từ sớm nên đã chưa kịp giặt.
Em Hương có thể giặt đồ giúp đỡ mẹ
Thấy có người lạ tới, hai cháu nhìn có vẻ lạ lẫm lắm, như đã từ lâu lắm rồi không có ai qua lại với gia đình vậy.
Cháu Phượng liền đứng dậy lễ phép chào và và nói: “Mẹ cháu hôm nay dậy đi cấy từ lúc 4-5 giờ sáng rồi chú ạ. Cháu ở nhà trông em và giặt quần áo cho cả nhà. Rồi chuẩn bị nấu cơm trưa đợi mẹ về ăn, trước khi đi mẹ đã dặn như vậy”.
Nhìn Phượng đã học lớp 5 nhưng trông em nhỏ nhắn chẳng khác nào các em học sinh lớp 3 cả, ấy vậy mà Phượng đã là người chị đảm đang trong gia đình.
Em biết giặt quần áo, nấu ăn, lên đồi nhặt củi, trông em và quán xuyến mọi việc mỗi khi mẹ vắng nhà. Nhìn hai cháu nhỏ ngồi giặt chậu quần áo, rồi cố hết sức để vắt cho thật ráo nước trước khi đem đi phơi mà thấy thương cho hai em làm sao.
Nhà không có giếng nên luôn phải đi xin nước từ hàng xóm về dùng, nước mưa thì dùng để đun nấu
Trong lúc Phượng phơi đồ, thì Hương vào bếp xách ra túi lạc để bóc vỏ chuẩn bị làm thức ăn cho giờ trưa, em Phượng cho biết: “Đây là lạc nhà cháu, mẹ trồng được sau nhà đó, chứ mẹ không có tiền để mua thức ăn chú ạ. Hơn 10 ngày rồi ba mẹ con cháu bữa nào cũng ăn cơm với muối lạc thế này. Cháu biết và thương mẹ lắm, vì mẹ không có tiền để mua cá, thịt đâu. Cháu và mẹ thì ăn nhiều thành quen, còn em Hương thì cứ tới bữa ăn là lại khóc đòi cá, thịt. những lúc đó mẹ không nói gì cả mà chỉ thấy mẹ khóc. Chị em cháu thèm một bữa cơm có cá, có thịt lắm chú ạ”.
Mẹ đi làm từ sáng , chị em Phượng ở nhà bóc lạc làm thức ăn thay cá thịt
Mở đầu câu chuyện đó là lời chia sẻ về bữa ăn của 3 mẹ con: “Nói thật em đừng cười, chứ nửa tháng nay rồi chị không có đồng tiền nào trong túi cả, nên không có thức ăn gì cho con ăn, may mà còn có ít lạc đó là thức ăn, nhìn con đến bữa ăn cứ mong được ăn một hôm có thịt, cá chị lại rơi nước mắt thương con, thấy có lỗi với con lắm”.
Rồi chị cho biết: “Đây là căn nhà của ông nội các cháu, ông Trần Đoàn (Sn 1930) trước là dân công hỏa tuyến, sau đó được Nhà nước hỗ trợ làm nhà xóa nhà tranh tre tạm bợ. Vợ chồng chị sống cùng với ông từ bấy lâu nay, cho đến khi ông mất đi, giờ 3 mẹ con tá túc ở đó”.
Chồng chị là anh Trần Đoàn (35 tuổi) cũng vì mắc bạo bệnh, gia đình không có tiền đưa đi chữa trị nên đã qua đời năm 2013, để lại gánh nặng nợ nần và hai con thơ dại cho chị chăm sóc.
Tai ương vẫn chưa buông đối với gia đình
Cũng vì nghèo đói, suốt ngày quần quật với ruộng đồng để kiếm gạo nuôi con, dãi nắng dầm mưa, nên trông chị già hơn cái tuổi của mình rất nhiều. Nhìn sâu vào đôi mắt ấy của người mẹ ấy sự khắc khổ, lam lũ trước số phận của gia đình, mà không dễ gì có thể thay đổi được.
Sống trong nghèo đói nên chị em Phượng sớm tự lập, Phượng biết làm mọi việc ở nhà để đỡ đàn giúp mẹ. Vất vả là vậy, nhưng Phượng vẫn cố gắng học hành, dù căn bệnh tim vẫn thường xuyên hành hạ khiến nhiều hôm em bị tức ngực khó thở, người trở nên tím tái.
Cháu Phượng nhiều hôm làm việc quá sức lại tức ngực khó thở vì bệnh tim hành hạ
“Cháu Phượng bị bệnh tim từ nhỏ, gia đình chỉ đưa cháu đi khám ở huyện một lần duy nhất. Bác sỹ bảo gia đình cần đưa cháu ra Hà Nội để có điều kiện chữa bệnh tốt hơn, nhưng gia đình làm gì có tiền để đưa con đi viện. Mới đây do đi học quá xa (cách trường hơn 2km) nên trên đường đi bộ tới trường en đã bị ngất xỉu giữa đường, may mà có người đi đường phát hiện cứu giúp không thì không biết cháu thế nào”, chị Liễu xót xa khi nói về con.
3 mẹ con sống trong đói nghèo
Nhưng tai ương vẫn chưa buông đối với gia đình, năm 2014 cháu Hương trong lúc chơi phía ngoài ngõ thì gặp phải ông say rượu đánh đập em, rồi vứt em vào bờ rào ngay bên nhà. Sau vụ việc đó, em bị bị rách da đầu phải khâu lại, và mấy chiếc răng bị gãy nhưng không có tiền để đi đúc. Hơn nữa, cháu còn có một khối u ngay dưới cổ họng, dù đã phẫu thuật trước đó nhưng cho chưa được chữa trị dứt điểm nên khối u nay lại tái phát, ảnh hưởng tới việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của em.
Chị Liễu nói về khối u ở cổ họng em Hương tái phát nhưng không có tiền để chữa trị
“Cũng vì nghèo đói mà thấy thương con vô cùng, mẹ không có tiền mà mua thức ăn cho con, nói gì đến việc đưa con đi khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều hôm đi làm sớm về muộn, về tới nhà nhìn các con ngủ mà thương chảy nước mắt. Nhiều lúc tôi thấy mình như đuối hơi, nhưng nghĩ đến con cái lại vùng dậy mà chạy. Nếu không có con cái làm động lực thì có lẽ tôi cũng đã gục lâu rồi”, chị Liệu bộc bạch
Con đường từ nhà các em trở ra mà thấy lòng nặng trĩu với những ánh mắt hồn nhiên của chị em Phượng khi mong muốn được ăn một bữa cơm có cá thịt, với ánh mắt như cầu cứu của người mẹ trẻ khi nghĩ về hai con mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình theo địa chỉ trên, hoặc qua số điện thoại gia đình chị Liễu: 0166.729.7195