Cũng tại 'thằng Covid'

Thứ Bảy, 09/10/2021 18:23

|

Ông chồng cự bà vợ:

- Tui nói thiệt, không có vụ Covid tui bỏ đi để cho bà toàn quyền trong cái nhà nầy.

- Đang tập dưỡng sinh, bị cự, bà vợ mất hứng cự lại: lãng hôn ai làm gì ông cự?

Có gì đâu, ông biểu vợ giặt cái mùng. Bà vợ thấy cái mùng bằng vải "tuyn" giặt máy sợ nó rách, nói ổng giặt tay, rồi ngâm xà bông, tiện tay cho thêm hai cái nữa! Cố nén giận cho êm ấm cửa nhà, ông ngồi xuống, vò muốn rách cái mùng, tới cái thứ hai, ông lơi tay, cái thứ ba, ông rã rời... Cố gắng lắm ông mới đưa được nó lên sợi dây phơi đồ.

Quá tức, có máy không giặt mà bắt thằng già nầy, thêm bà vợ khi không bị cự, xẵng giọng: ông không giặt để đó tui giặt, ai biểu, tại ông muốn giặt chớ đâu phải tại tui, khiến ông còn tức hơn. Thì chẳng qua bí bách quá, cả tháng trời nay có bước chân ra khỏi nhà đâu, có ra được hàng quán nào nhâm nhi ly cà phê hay bù khú mấy chai bia. Ngay cả cha mẹ già, anh em ruột ở gần mà cứ như nghìn trùng xa cách nói chi bạn bè. Còn bà vợ, sáng nào cũng vô trong ấp tập thể dục rồi còn đi lại chợ búa gặp người nầy người nọ hàn huyên tâm sự quen rồi, nay bị "nhốt" ở nhà, hết ăn rồi nằm, ra vô cứ đụng mặt ông chồng "quá cũ” suốt ngày quạu quá. Vậy thì tại ai?

Ông quyết định, tới đâu thì tới, phải làm một chuyến ra phố "vi hành" chớ ngột ngạt lắm rồi. Mà lấy lý do chính đáng gì đây ở thời buổi giãn cách nầy? Nhớ lại cả tháng trời nay ăn uống thiếu chất tươi, trong người thấy bất an. Vậy thì đến nhà thuốc tây. Đeo khẩu trang chụp vội cái nón lên đầu, ông ra ngõ. Quang cảnh làm ông thảng thốt, tự hỏi điều gì đã xảy ra làm thay đổi bộ mặt con phố mà ta cho là quen thuộc trở nên xa lạ như thế. Đường xưa chật hẹp, náo nhiệt, tấp nập người qua lại nay hóa thênh thang không bóng người. Nhà nhà cửa đóng then cài họa hoằn lắm mới có vài căn hé mở đón chút khí trời. Ông đụng liền chốt gác. Một chú dân quân chặn lại: Đi đâu vậy chú?

Ông nói đi mua thuốc. Chú nhỏ nhiệt tình hơi chút nghi ngại: Dạ theo qui định chung, để tránh lây lan dịch bịnh, ai ở nhà nấy, hay chú nói thuốc gì, đưa tiền con mua giùm cho.

Thấy chú dân quân không muốn cho đi, ông hơi giận, ngó quanh ngó quất ông xẵng giọng: Chú biết gì mà mua, khai bịnh bác sĩ mới biết chứ, cho đi hay không thì nói, lây cái gì, Covid là cái gì mà sợ còn hơn sợ cọp.

Tưởng ông là người đến từ hành tinh khác, anh tổ trưởng trố mắt: Bộ chú không sợ Covid thiệt hả chú? Ông trả lời: Không.

Rồi điềm nhiên đưa tay chỉ căn phố đối diện.

Bộ đội đến từng nhà tặng quà cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội ở TPHCM. Ảnh minh họa

Bao nhiêu cặp mắt hướng theo... Một slogan đầy thách thức: Giải Ngân Tức Thì Ngại Gì Co-vid! (Có ảnh: biển quảng cáo). Ngẩn ngơ một hồi, tổ trưởng nhẹ nhàng: thôi chú đi đi. Cái nầy là tại... là tại... Vậy thì tại ai?

Muốn đến tiệm thuốc tây phải qua thêm một chốt gác mà chốt nầy chính qui hơn có công an với quân đội. Từ xa ông đã nghe tiếng cự cãi. Tò mò ông rảo bước. Một ông trung niên ăn mặc chỉnh tề đứng cạnh chiếc ô tô con đang cãi tay đôi với chú cảnh sát. Tìm hiểu ông được biết "người cãi" là luật sư đi làm thiện nguyện muốn được tiếp cận với người dân vùng dịch thì bị chặn lại. Trình bày đủ mọi lý do mà chú công an cương quyết bắt trở ra thậm chí còn không thèm liếc mắt đến cái giấy đi đường do phường xã cấp mà ông nầy trình, nếu không sẽ lập biên bản.

Thiện nguyện không thành, bực bội quá, làm thiện nguyện chớ có phải đi chơi đâu. Từ ngoài kia vô tới đây biết bao nhiêu là chốt trạm có ai hoạnh hẹ gì, vậy mà tới đây gặp thằng "cà chớn" nầy...

Gặp người khác thì đã quay lui nhưng với thầy luật thì khác, phải cho thằng nầy biết thế nào là luật pháp chứ!

Vậy là ông xuống xe, chú công an bước tới. Ông luật khoác tay chặn lại: Tôi yêu cầu anh đứng xa ra, thực hiện giãn cách. Rồi ông bắt đầu...

Theo ông, cảm thông với nỗi khổ của người dân vùng dịch nên mới đến đây chớ tội tình gì phải đến nơi đầu sóng ngọn gió nầy chi cho mệt còn bị làm khó làm dễ. Uổng công ông quá, từ Sài Gòn lặn lội lên đây... (lắc đầu ngao ngán).

Ông trần tình:

- Nói thật với anh, chúng tôi đến đây là vì cảm thông với nỗi khổ người dân, đó là mục đích thứ nhứt. - Thứ hai: đó là theo quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thì những giấy đi đường như thế nầy chỉ cần chủ tịch phường, xã ký, xác nhận nội dung, tạo điều kiện đi lại, hỗ trợ cho người thực hiện thiện nguyện.

- Thứ ba: vẫn duy trì hình thức cấp giấy nầy và vẫn giữ nguyên giá trị.

- Thứ tư: khi tôi trình giấy nầy kèm thêm phiếu test thì các cơ quan chức năng khác mới cho phép tôi đến tới nơi nầy. Vậy sao anh lại cấm cản?

Ông luật nói hăng say nhưng không tỏ ra cáu kỉnh, ông chỉ muốn mọi người chung quanh làm chứng cho sự "đắc lực" quá lố của nhân viên công lực.

Tới phiên chú công an:

- Tôi xin ghi nhận và vô cùng cảm kích thiện nguyện của anh, chúng tôi không cấm cản ai hết, chỉ thực hiện theo nghị định. Đây là vùng đỏ, chúng tôi không thể cho phép anh tiếp cận với người dân được. Vậy thì tôi sẽ hướng dẫn anh đi con đường khác, tạo điều kiện cho anh thực hiện nguyện vọng. Anh đồng ý chứ?

Tự dưng một niềm cảm xúc khó tả ập đến. Ông thấy thương cho chú công an, cháu bộ đội, mấy em dân phòng, thanh niên tự nguyện ngày đêm túc trực, canh gác bất kể mưa nắng. Ông cảm thông cho ông luật sư không quản ngại xa xôi, lặn lội đến đây chỉ để động viên, an ủi, trao tặng những phần quà nhỏ bé, ấm áp tình người. Ông liên tưởng đến những quân nhân nơi miền biên viễn, heo hút với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, không cho thằng giặc Covid tràn vào. Ông nhớ đến người chiến sĩ công an tận tụy, hy sinh vì an nguy cho toàn dân. Ông ca ngợi đội ngũ y bác sĩ cả nước ngày đêm chống chọi, giành giật từng mạng sống với tử thần Covid mà không một tiếng than van.

Vì hơn ai hết họ nhận thức được rằng sẽ không có hai lần trong cuộc đời mình được vinh dự trở thành người lính chiến đấu trên mặt trận, không phải bằng tiếng súng mà bằng cả tấm lòng nhân ái bao la. Rồi ông trân trọng với những đóng góp của mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. Nói đâu cho xa, gần nhà ông đây có anh Vũ biệt danh Vũ bò số nhà 40A đường Liêu Bình Hương, ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là nhà từ thiện... thành tâm chia sẻ cho bà con thôn xóm từng ký gạo, gói mì, bó rau tươi, mớ củ quả... bằng tất cả từ tâm. Ông thầm cảm ơn chánh phủ thà hy sinh một nền kinh tế chớ không để mất dân: còn người là còn tất cả. Cả nước đồng lòng chống dịch. Vậy mà ông, mới giận vợ có chút xíu, bỏ đi lang bang, phát ngôn bừa bãi, lỡ có gì là tự hại mình, hại người...

Ông thôi không mua thuốc nữa, lật đật quay về. Thấy bà vợ lúi húi sau bếp, ông dịu dàng: Đừng buồn nha bà, không phải tại bà, không phải tại ai hết. Chung qui là tại cái thằng... Covid!

Bình luận (0)

Lên đầu trang