Người lang thang ngoài phố

Chủ Nhật, 03/10/2021 11:07

|

(CATP) Nhớ đường xưa mình vẫn đi về nhớ từng viên sỏi đá bên lề...

Những lời da diết của bài hát làm lòng người thêm xót xa. Trong cuộc đời, ai cũng có những kỷ niệm để nhớ và đáng nhớ nhất là nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi đã giúp ta thăng hoa với cuộc sống, nơi nhiều năm phải dãi dầu mưa nắng.

Sài Gòn đối với tôi là mảnh đất lành lặn, dù trải qua bao khúc quanh nghiệt ngã với dòng đời, cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ, cũng có những ngày sống an nhàn, thanh thản. Thời gian là một thứ rất vô hình, nhưng nó quyết định sự biến chuyển của mọi sinh vật, cỏ cây, thậm chí cả đất đá, cái không gian mà ta đang hít thở cũng bập bềnh theo vòng quay của thứ vô hình ấy. Nhớ những tháng ngày còn làm việc dưới ngôi nhà 110 Nguyễn Du, khi tờ báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển hưng thịnh, một phóng viên hỏi tôi: "Anh là người dạn dày trận mạc, cuộc đời có nhiều dấu ấn, anh có thể chia sẻ hình ảnh gì mà anh tâm đắc nhất?", không nghĩ ngợi, tôi lấy bài thơ nhỏ đưa cho người phỏng vấn:

Con đường Công chúa ta đi lại

Dấu vết hằn in mỗi tháng ngày

Một mai hình bóng kia xa vắng

Lá cỏ có còn nhớ chân xưa...

Hàng ngày, vào mỗi chiều, khi ánh dương nghiêng về hướng tây, tôi xỏ giày đi dọc trên con đường Huyền Trân Công Chúa, nằm bên cạnh cơ quan, con đường có hàng cây dầu thẳng tắp, có tiếng ve giao hưởng những trưa hè, có những chiếc lá bay lơi lả khi trời sang thu. Cuộc đăng trình theo nghề cầm bút của tôi kéo dài 38 năm, thì ngót 20 năm tôi đã đi tới đi lui trên con đường ấy. Kỷ niệm không cao xa, song có lẽ đã quen từng phiến đá, quen từng bụi cỏ len trên vỉa hè, nhớ những thân cây đã bao mùa thay lá. Bài hát còn có một câu "Sài Gòn yêu ơi, đã hết rồi ngày tháng đam mê”... Không, đối với tôi, Sài Gòn lúc nào cũng thế, dẫu bộn bề hay thảnh thơi, dẫu huyên náo hay "ngã bệnh", nó vẫn là một thành phố phóng khoáng, bao dung, là nơi mà ánh nắng phương Nam đã sưởi ấm biết bao tâm hồn xa xứ, là nỗi đam mê không biết bao giờ dứt với những con người ôm ấp hoài bão bay cao.

Tôi nổi tiếng là kẻ thích lang thang ngoài phố, nhưng có những người tôi phải gọi "đại huynh" vì họ cứ đi hoài, đi mãi, đi loanh quanh mà... đời không mỏi mệt, bước chân gần như vô định, số phận gần như đã bị "đóng đinh". Đó là những người mắc bệnh thần kinh! Chuyện nói như đùa, thật ra đó là một vệt màu trên bức tranh lập thể xã hội, những chủ thể, những xác thân đang hiện hữu dưới bầu trời, không ai có thể chối bỏ và cũng không thể nào loại trừ được căn bệnh ấy. Bởi vì một chấn động tâm lý hoặc bị một tác động từ bên ngoài lên cơ thể, thì một người lành lặn có thể đã trở nên không bình thường. Địa phương tôi ở có hơn 70 người tội nghiệp ấy. Sở dĩ tôi chú ý đến những con người này vì họ có những hành vi, sắc thái mà hiếm khi bắt gặp ở những người bình thường khác.

Đường phố Sài Gòn mùa trái dầu bay

Tôi thường thức giấc lúc 4 giờ, sau đó một lúc là cỡi xe đi đến đại lý báo trên đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức) để mua tờ Thanh Niên dõi tin tức hàng ngày. Y như một phương thức đã được lập trình, trên quãng đường non cây số, tôi bắt gặp người đàn ông dong dỏng cao, ăn mặc tươm tất, trên tay cầm chiếc giỏ đệm, đi trên lề ngay ngắn như thầm đếm từng bước chân. Tôi không hiểu ông ta đi đâu mà ngày nào cũng lặp lại nhịp điệu như thế. Một hôm, tôi dừng xe, hỏi:

- Ông đi đâu, tôi đưa giúp một đoạn cho?

Ông ta hỏi lại:

- Có thuốc lá hông, cho một điếu đi?

Tôi lắc đầu, nói tiếp:

- Sao sáng nào ông cũng đi như vậy?

Ông ta cười buồn:

- Tui bị vợ đuổi.

Thoáng tần ngần, tôi lại hỏi:

- Nhà ông ở đâu?

- Ở Cà Mau... - Ông ta nhìn xa xăm.

Đầu tôi cũng dãn ra không khác gì đôi mắt ấy. Chiếc giỏ đệm có lẽ đựng mấy bộ quần áo và một ít vật dụng gì đó, tế nhị tôi không thể hỏi chuyện gia đình của người khác, mà đi vào vấn đề bức thiết hơn:

- Vậy, mỗi ngày ông lấy gì để ăn?

- Người ta cho tôi. - Ông ta liến thoắng - Đàn bà nào cũng thương tôi hết, chỉ có vợ tôi là... không ưa tôi. Ông dựng xe đi, mình vô bậc thềm nhà đó ngồi tâm sự chơi...

Tôi gan lì lắm nhưng không dám đáp lại tấm chân tình đó, liền phóng xe đi. Sau này tôi mới biết, ông ta là cư dân ở khu phố 6, quê không ở Cà Mau, chẳng qua lúc còn thanh xuân ông đã mê bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu: "Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào...". Sau một tai nạn giao thông, ông phát bệnh, bỏ nhà đi loanh quanh, tâm hồn còn vương một chút lãng mạn ấy...

Đang ngồi ăn sáng ở một quán cóc sát lề đường, một gã đạp xe ngang qua, sau đó vòng lại, đứng trước mặt tôi, cười xởi lởi:

- Ông khỏe hôn? Mấy bữa không thấy ông, nhớ quá chừng.

Gã này cũng trạc tuổi tôi, ăn mặc bảnh bao, áo tay dài, bỏ trong quần, đeo cặp kính kiểu Rayban, đôi giày tuy cũ nhưng đánh bóng lộn. Bất kể giờ giấc, tôi thấy gã thường đạp xe trên các tuyến đường chính ở trong phường, không nói năng gì với ai, điệu bộ ra vẻ hào hoa phong nhã lắm. Gã có thói quen thỉnh thoảng bước xuống xe, sửa lại bộ quần áo cho ngay ngắn, rồi ngước mặt lên trời nhìn thật lâu, mỗi lần như thế, thấy lạ vài người không quen cũng nhìn theo, nhìn riết chẳng biết trên đó có gì mà mặt mày ai cũng rịn mồ hôi:

- Ăn sáng không, vô đây.

Nghe tôi mời, gã sướng lắm, vội vàng dựng xe bên lề đường rồi lấy sợi dây xích khóa lại cẩn thận. Chiếc xe hiệu Peugeot xưa, gắn đủ loại đèn, có chừng hơn chục cái, nhưng cái nào cũng "điếc" hết.

Tôi hỏi:

- Thích ăn gì, ở đây chỉ có... một món thôi.

Gã nói trịnh trọng:

- Ông ăn gì, tui ăn đó. Một món làm sao mà lựa...?

Gã rút chiếc khăn mùi-xoa trong túi quần ra nhét trên cổ áo phòng khi nhễu nhão, rồi xé khăn giấy lau đũa, muỗng cẩn thận. Điệu bộ rất "quí tộc" và khi tô bún được mang ra, gã chìa tay mời tất cả những người xung quanh trước khi cầm đũa.

Tôi bắt chuyện:

- Ông hay nhìn lên trời, chắc hồi xưa ông làm nghề... thiên văn?

Gã xua tay:

- Không. Mình là phi công mà, ở vùng này ai cũng gọi mình là Hùng Pilot hết.

Tôi thích thú:

- Ồ! Nghề của ông hiếm hoi quá.

Gã cao hứng:

- Máy bay loại gì tui cũng bay hết. Dân dụng có Boeing 747 nè, trực thăng có Chinook nè, chiến đấu cơ có F16 cánh cụp, cánh xòe nè... chỉ có B.52 là chưa lái thôi! Cái ông lái chiếc A37 ném bom dinh Độc Lập hồi nẩm... là bạn của tui mà.

Nghe mấy "cha nội" này kể chuyện cũng vui vui. Cái tướng cao chưa quá 1,60 mét, tay chân khẳng khiu như lóng mía mà đòi làm nghề cần phải có thể lực, đủ sức chịu đựng áp lực nhiều thứ. Tuy nhiên, trong cái điên của gã có cái thật. Gã học rất giỏi, từ niên thiếu gã đã mơ ước được ngang dọc trên bầu trời, được bay đi muôn nơi như cánh chim không mỏi, sau khi tốt nghiệp đại học, gã xin thi vào ngành hàng không, bao nhiêu lý thuyết đều vượt qua trơn tru, đến khi kiểm tra thể hình thì gã được yêu cầu... nên chuyển qua ngành khác. Cú sốc mạnh vì ước vọng tan thành mây khói, biến một con người thông minh, có chí thành xác thân ngớ ngẩn, không làm chủ được mình. Gần nửa thế kỷ qua, gã vẫn thương nhớ bầu trời, vẫn giữ được cốt cách của người có ăn có học. Người mắc bệnh tâm thần luôn quyến luyến những gì mình ước mơ, khao khát hoặc oán ghét những hình ảnh, con người đã gieo vào lòng nỗi thương đau, thù hận. Cái gì đó, một khi đã trở thành dấu ấn thì rất khó phai trong đầu của họ, thậm chí lời nói, cử chỉ, thói quen sinh hoạt hàng ngày luôn tái diễn, đi theo "lập trình" gần như bất dịch ấy.

Dũng cô độc là một nhân vật mà trước đây tôi đã từng đề cập, có lẽ đây là người điên khá ôn hòa, biết tự thân bươn chải, tìm cách nuôi thân mình, qua các đồ vật người ta vứt đi hoặc nhờ bán dùm cho huê hồng. Một đôi giày cũ, một cái lồng chim, vài sợi dây nịt, chiếc giỏ xách đứt quai, con gà, con vịt... cũng đủ giúp tấm thân tàn tạ của ông ta qua ngày, đoạn tháng. Dũng bị vợ ruồng rẫy khi còn làm nghề chạy xe lam, cú sốc tình ái khiến ông ta mắc bệnh, đi trên đường thấy phụ nữ là mắng nhiếc, nói lảm nhảm như oán trách: "Ôi, đàn bà... lại là con dao làm tim nhỏ máu!...". Trên cái cung đường dài khoảng 4 cây số bao quanh phường, người ta có thể bắt gặp Dũng vào bất cứ lúc nào, dù đó là giữa trưa nắng như đổ lửa hay chiều mưa buốt cả thịt da. Có lẽ đây là người cần mẫn đáng thương và là kẻ lang thang trên phố nổi tiếng khắp vùng Bình Trưng.

Trong những ngày dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn, trải qua mấy đợt giãn cách, nhiều người không thể qua lọt các chốt kiểm soát, thì Dũng cô độc lại ung dung trên phố. Có lẽ mấy anh làm nhiệm vụ kiểm tra đã quá quen thuộc với con người "nổi tiếng" này và cũng ngầm tạo điều kiện để ông ta kiếm miếng ăn(?). Sáng sớm chủ nhật, thấy tôi chạy từ xa, ông ta liền bước ra ngoắc lại, trên tay cầm con gà đã lờ đờ do thiếu ăn thiếu uống. Dũng tỏ vẻ quan tâm với người được coi là... bạn đường phố:

- Tui chích hôm qua rồi, ông chích chưa, tui dẫn ông đi chích?...

Tôi không biết ông ta sẽ dẫn đi đâu, quen biết với ai, hỏi lại:

- Mấy hôm nay, không ai ra đường, đồ đạc làm sao bán?

Dũng cô độc lắc đầu thiểu não:

- Bởi vậy. Con "vít" này độc quá, chỗ tui ngủ cũng bị giăng dây, ngày nào cũng ăn mì gói, đồ khô, khổ muốn chết. Hôm qua có con mẹ đánh thằng chồng, tui tức quá... mà mấy ông dân phòng cứ đuổi tui đi.

Thấy Dũng sắp đi "lạc đề” hướng về chuyện tình ái lăng nhăng, tôi lấy hai tờ năm mươi ngàn dúi vào túi ông ta, nói:

- Kiếm cái gì ăn cho chắc bụng đi.

Đột nhiên, Dũng bước đến một ngôi nhà cửa đóng im ỉm ở gần đó, chia một tờ giấy bạc cho người trung niên cụt một chân ngồi lấp ló dưới mái hiên, giọng rất "anh Hai":

- Tao thấy đằng kia có bán bánh mì, mày mua ăn đi. Ăn nhín nhín thôi, còn lâu mày mới bán vé số được.

Thằng điên chia khổ với thằng què, hai kẻ tật nguyền lang thang trên phố. Hành động của Dũng cô độc rất tự nhiên, tự nhiên như cái chất "Nhân chi sơ vi bản thiện" của con người. Tôi thầm nghĩ, giữa cuộc sống đầy rẫy bon chen, tranh đấu này vẫn có những tấm lòng cao thượng, vẫn có những đôi tay hạ thấp xuống để nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh. Điều đáng quí hơn, hai kẻ cùng sống trong nghịch cảnh, hàng ngày phải chống đỡ trước biết bao nghiệt oan của cuộc đời vẫn biết chia sẻ cho nhau, vẫn cùng dìu nhau đi tiếp quãng đường nhân thế, cho dù phía trước còn biết bao phong ba, bão tố đang chờ đón họ.

Sài Gòn, 26-9-2021

Bình luận (0)

Lên đầu trang