Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch:

Huy động mọi nguồn lực đưa Kim ấn của vua Minh Mạng về nước sớm nhất

Thứ Tư, 02/11/2022 08:35

|

(CATP) Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với hãng Millon là được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày. Hiện Bộ VHTT&DL phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, tổ chức, cá nhân huy động mọi nguồn lực để “hồi hương” kim ấn.

Ngày 01-11, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thông tin, sau những nỗ lực đàm phán với hãng Millon, 7 giờ 30 ngày 31-10-2022 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng Millon đã thống nhất được thỏa thuận, đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31-10.

Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với hãng Millon là được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày. Hiện Bộ VHTT&DL phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, tổ chức, cá nhân huy động mọi nguồn lực để “hồi hương” kim ấn.

Đưa kim ấn “hồi hương” là việc làm cấp thiết

Trước đó, ngày 19-10-2022, website của Hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris - Cộng hòa Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 01 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) và 01 bát vàng triều Khải Định (1917-1925) (lô số 100) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31-10-2022 (giờ Paris).

Ngay sau khi nhận được thông tin Hãng đấu giá Millon sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng và 1 bát vàng triều Khải Định, Cục Di sản Văn hóa đã thu thập thông tin ban đầu, xác lập các căn cứ sử liệu, xin ý kiến của chuyên gia, dựa trên hình ảnh mà hãng cung cấp, bước đầu xác định hai cổ vật đó là di sản văn hóa của Việt Nam.

Việt Nam có 10 ngày để thương lượng mua Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng

Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn, kiếm mang tính biểu tượng này và chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02-9-1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 08-3-1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn, kiếm cho vua Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng (sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953).

Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện nay, trong sưu tập Kim Ngọc Bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim bảo ngọc tỷ (trong đó có 02 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim bảo ngọc tỷ của 09 đời vua và vương hậu triều Nguyễn).

Đây là bộ sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945 (Liên khu IV lưu giữ sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính) và Bộ Tài chính giao cho Bộ Văn hóa Thông tin để Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiếp nhận năm 1959. Sau đó, sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đến năm 2017, được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và bảo tồn cho đến nay. Nếu ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đưa về Việt Nam, bổ sung vào bộ sưu tập kim bảo ngọc tỷ và hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì đây là việc làm hết sức ý nghĩa và cấp thiết.

Có 3 hình thức hồi hương cổ vật

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, theo sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm phương án “hồi hương” cổ vật thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.

Theo Cục Di sản Văn hóa, việc hồi hương cổ vật có thể bằng 3 hình thức: Thứ nhất là các cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước như vụ việc Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978. Thứ hai là các cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước như Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật Mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn về Huế năm 2022. Thứ ba là Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật như vụ 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022...

Chiếc bát vàng của vua Khải Định đã được Hãng đấu giá Millon đưa ra bán bán đấu giá

Theo Cục Di sản Văn hóa, đối với ấn “Hoàng đế chi bảo” kết quả bước đầu sau tất cả những nỗ lực đàm phán của Việt Nam với Hãng Millon, đã thống nhất được thỏa thuận, tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá của hãng và chúng ta được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày. Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Hiện, Bộ VHTT&DL đang nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân huy động mọi nguồn lực nhằm đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước trong thời gian sớm nhất.

Cục Di sản Văn hóa mong muốn sẽ có cá nhân hoặc tổ chức nào đó đủ điều kiện mua cổ vật ấn vàng đưa về nước và hiến tặng lại cho Nhà nước. “Hồi hương” ở đây không nhất thiết về với Nhà nước mà là trở về với đất nước Việt Nam. Những người làm di sản mong muốn làm sao để khuyến khích và thu hút nguồn lực xã hội vào việc “chống chảy máu cổ vật” và “khuyến khích cổ vật hồi hương”. Đại diện Cục Di sản Văn hóa cũng cho rằng, ngay khi có thông tin có thể “hồi hương” được cổ vật, Cục sẽ lập tức thực hiện những thủ tục để đưa cổ vật trở về nhanh nhất. Hoặc nếu cá nhân hay tổ chức hiến tặng bảo vật cho Nhà nước thì sẽ được hỗ trợ các chi phí về vận chuyển, thuế hải quan và tặng bằng khen theo quy định.

Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Mong Tổng thống Pháp can thiệp cuộc đấu giá Kim ấn triều Nguyễn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang