Cổ vật "chịu cảnh" lưu lạc
Theo đó, Cục Di sản Văn hóa cho biết, trên website chính thức của hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris - Cộng hòa Pháp), có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925). Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31-10-2022 (giờ Paris).
Căn cứ thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá Millon và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là vua Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30-8-1945.
Cục Di sản Văn hóa cho rằng, nếu đây là ấn "Hoàng đế chi bảo" (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa... xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Lễ trao trả ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại ngày 08-3-1952
Bát vàng của vua Khải Định
Ấn của vua Minh Mạng
Vì vậy, ngay khi nắm được thông tin về cuộc đấu giá, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao nêu rõ: sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 08-3-1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), ông Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo") cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
"Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết...", công văn của Bộ VHTT&DL nêu quan điểm.
Bộ VHTT&DL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá...). Bộ VHTT&DL đề nghị, nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế để "hồi hương" 2 cổ vật.
Theo Lịch sử Việt Nam, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc bằng vàng ròng vào ngày mùng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15-3-1823), nặng 280 lạng 9, chỉ 2 phân (tương đương 10,7kg). Đây là kim ấn lớn và đẹp nhất, quý nhất của triều Nguyễn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong các ấn quý của nhà Nguyễn, "Hoàng đế chi bảo" là chiếc ấn duy nhất có dáng con rồng cuộn tròn ra phía trước cổ, nên nhìn khó có thể nhầm với các quả ấn khác cùng quy cách. Theo quy định của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi "Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc...". Vì thế, khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30-8-1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn "Hoàng đế chi bảo", cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.Như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền Cách mạng, ấn Hoàng đế Chi Bảo đã có 122 năm tuổi.
Cần lắm một chiến lược hồi hương cổ vật
Liên quan đến vấn đề giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn "chảy máu cổ vật", Cục Di sản Văn hóa cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong 193 nước thành viên tham gia Công ước UNESCO năm 1970 nhằm ngăn chặn việc mua bán cổ vật trái phép ra nước ngoài (Việt Nam đã tham gia từ năm 2005). Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia phương Tây, nổi bật là Pháp đang bước đầu thúc đẩy quá trình trao trả các cổ vật và di sản bị lấy đi khỏi các quốc gia từng là thuộc địa. Với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, như Nhật Bản trao trả chuông chùa Ngũ Hộ (tỉnh Bắc Ninh năm 1978); Đức trao trả 18 cổ vật năm 2018, gồm 10 hiện vật chất liệu đá, 8 hiện vật chất liệu đồng, là công cụ sản xuất và vũ khí của người xưa (trong đó có 5 hiện vật văn hóa Đồng Nai cách ngày nay 4000 - 3500 năm; 5 hiện vật hậu kì Đá mới, sơ kì Kim khí Tây Nguyên cách ngày nay 4000 - 3500 năm; 8 hiện vật văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2500 - 2000 năm); tháng 8-2022, Mỹ trao trả cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam (gồm 1 chiếc bình/nồi, 1 bộ dụng cụ gồm 8 mảnh đồng và 1 rìu đá, chưa rõ chính xác niên đại), buôn bán trái phép vào Mỹ...
Đồng thời, những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam, sau đó đem hiến tặng cho các bảo tàng, di tích trong nước như: vào tháng 4-2022, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn được một công ty đấu giá thành công tại Tây Ban Nha và đem về hiến tặng và thực hiện trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Hay trước đó vào năm 2015, chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) được tỉnh Thừa Thiên - Huế đấu giá thành công tại Chateau de Cheverny (Cộng hòa Pháp) và đưa trở về cố cung Huế, sau hơn 100 năm lưu lạc trên đất Pháp.
Hiện nay, "chảy máu" cổ vật là một hiện tượng xảy ra ở hầu khắp các quốc gia, chủ yếu bằng con đường phi pháp, mà Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh đó, vì vậy để hồi hương các cổ vật về đúng nơi nó sinh ra là một chiến lược dài hơi đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm Nhà nước, các nhà khoa học và cả các doanh nhân, để giữ gìn, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa di sản của đất nước.