Nàng thơ “Diễm xưa” đẹp mong manh giữa cố đô

Thứ Ba, 09/03/2021 15:41

|

(CAO) Vẻ đẹp lãng mạn của nàng thơ Bích Diễm trong những thước phim đầu tiên của “Em và Trịnh” lay động những tâm hồn yêu nhạc Trịnh.

Chỉ dài có 1 phút 21 giây nhưng đoạn phim gây ấn tượng ban đầu về chàng Trịnh và nàng thơ, cố đô Huế và đặc biệt là thời khắc khiến hàng triệu người Việt Nam sau này mãi bâng khuâng tưởng tượng.

Trịnh Công Sơn từng kể lại: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế… Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết…”. Từ cảm hứng ấy mà “Diễm xưa” ra đời, tình khúc nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí còn được đưa vào chương trình giáo dục của Nhật Bản về văn hóa Việt.

Những thước phim đầu tiên của “Em và Trịnh” mở ra một khung trời bàng bạc, nhìn từ căn phòng mờ tối, thanh nhã, có người trai trẻ ôm đàn, dạo những nốt tình tứ đầu tiên.

Làn khói nhẹ bay lên từ chiếc gạt tàn, cùng luồng sáng dịu dàng tràn vào từ ô cửa sổ khiến hình ảnh chàng Trịnh thật nghệ sĩ, cô đơn mà thanh thoát. Rồi chàng chợt sững sờ nhìn ra ngoài, trong cơn mưa, có bóng áo dài trắng thấp thoáng trên con đường lá đổ…

Từ hình ảnh thoáng qua của cô gái ấy đã làm Trịnh thổn thức. Ngày ngày chàng luôn nhìn ra ô cửa sổ, để chờ đợi ngắm bóng dáng người con gái, rất mong manh, đi qua hàng cây long não lá li ti xanh mướt. Nhà nàng bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua cầu Phủ Cam để đến trường.

Mùa mưa Huế, hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển ấy đã làm chàng Trịnh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi. Diễm mang đến cho anh một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn như hai chữ “Diễm Xưa”.

Những cảnh phim đưa khán giả ngược thời gian trở về Huế của những năm 1960 thơ mộng, chứng kiến thời khắc một mối tình tuyệt đẹp mới chỉ được nghe qua lời kể: này là gác Trịnh, nhà thờ Phủ Cam, hàng cây long não, con đường bờ sông trong cơn mưa Huế, và đặc biệt một nhạc phẩm nảy mầm trong trái tim người nghệ sĩ tài hoa…

Bình luận (0)

Lên đầu trang