Vở kịch “Chén thuốc độc” trở lại sân khấu sau 100 năm

Thứ Năm, 21/10/2021 16:01

|

(CAO) Từ ngày 21 đến 27-10, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 - 2021) tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, tuần lễ kỷ niệm diễn ra là dịp để giới nghệ sỹ sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng cùng ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của kịch nói nước nhà, đồng thời khẳng định với thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chăm lo, thúc đẩy nền kịch nói Việt Nam phát triển hơn nữa.

Trong Tuần lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sẽ tổ chức công diễn nhiều vở kịch nổi tiếng, được khán giả yêu mến như: Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ diễn vở “Người tốt nhà số 5” (tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ diễn vở “Ai là thủ phạm"”(tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam diễn vở “Bạch đàn liễu” (tác giả Xuân Trình, đạo diễn – NSƯT Trần Lực); Nhà hát Kịch Hà Nội diễn vở “Phải có ba đồng” (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn - NSND Lê Hùng).

Điểm nhấn của chương trình lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào 8 giờ 30 ngày 21-10. Trong đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ công diễn vở “Chén thuốc độc” (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai).

Từng được ra mắt lần đầu vào ngày 21-10-1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch “Chén thuốc độc” của cố tác giả Vũ Đình Long là vở diễn có vị trí đặc biệt, mang tính khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam (đây là vở diễn đầu tiên do người Việt viết, mang tính hiện đại, đã thoát khỏi màu sắc của các thể loại kịch truyền thống dân tộc, được diễn trên nền sân khấu hiện đại với những bối cảnh và công cụ hiện đại đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam).

Các nghệ sĩ tập luyện vở kịch “Chén thuốc độc” để ra mắt đúng kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam

Nội dung vở kịch “Chén thuốc độc” xoay quanh câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa với đủ những cám dỗ của xã hội thành thị thực dân. Mỗi người tìm đến cho mình một nguồn vui riêng, bỏ qua tất cả lễ giáo đạo đức và trách nhiệm để đi vào con đường ăn chơi sa đọa.

Kết cục, gia đình phá sản, tiền tài mất, danh dự cũng không còn, thầy Thông Thu chỉ có tự giải thoát bằng Chén thuốc độc để thoát khỏi những hình phạt đang chờ đợi trước mắt.

Vở kịch không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thông qua đó còn phê phán, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc quá mức mà lãng quên trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội.

Trở lại sân khấu sau 100 năm, vở kịch “Chén thuốc độc” do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng đã được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam kết hợp cùng các nhà hát Tuổi trẻ, Kịch Việt Nam, Chèo Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh... huy động nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tâm huyết với sân khấu kịch cùng tham gia như nghệ sĩ như Đỗ Trí Hùng biên tập, họa sĩ Hoàng Phong thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc, nghệ sĩ Lê Phương biên đạo múa cùng với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSND Việt Thắng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Hoài Thu, NSƯT Quang Thắng, Thanh Bình, Thanh Dương, Khuất Quỳnh Hoa, Việt Hoa, Quỳnh Dương...

Đây không chỉ là món quà ghi nhận cột mốc ý nghĩa, mà còn là dịp ôn lại lịch sử của nghệ thuật sân khấu kịch nói của nước nhà, thể hiện sự kế thừa và nối tiếp thế hệ, mang những thành tựu của thế hệ đi trước đến hiện đại.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như: Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM tổ chức.

Trước tình hình dịch bệnh, các nhà hát đều tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch, đảm bảo các yếu tố theo tinh thần 5K. BTC đang lên các phương án như: sẽ đón khoảng 50% lượng khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hoặc các phương án như: thẻ xanh vaccine, khẩu trang, khử khuẩn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang