Giọt châu sa

Thứ Bảy, 16/10/2021 13:57

|

Chứng xong tờ đơn, anh cán bộ địa chính phường kéo cặp kính trắng xuống, nhìn anh Bốn tiểu thương:
- Chiều nhậu há.

Được chữ ký, anh Bốn mừng ra mặt, vui vẻ nhận lời:

- Chuyện nhỏ mà. Địa điểm ở đâu "thầy" lựa đi.

Ngồi mân mê nốt ruồi trên chiếc cằm lẹm một lúc, anh cán bộ địa chính ấn định:

- Hương Rừng nhé!

Anh Bốn hơi chột dạ vì biết chỗ ấy không dành cho dân lao động, nhưng trót mở lời đâu thể thối lui.

Chiều đến, khi mặt trời cố ném những tia yếu ớt lên phố xá, anh Bốn cỡi chiếc Honda cà tàng đến địa điểm đã hẹn. Vừa bước vào phòng VIP có máy lạnh, anh Bốn cười... méo xẹo khi thấy chiếc bàn đặt giữa phòng đã có mặt gần chục người. Anh cán bộ địa chính hồ hởi đứng lên giới thiệu với chủ bữa tiệc:

- Đây là anh Hai chủ tịch, kế là anh Ba mặt trận. Người này là anh Năm phó công an phường, anh đeo kính này phụ trách khối vận, kế bên là anh Bảy thanh tra. Anh trẻ tuổi đẹp trai này là Bí thư Đoàn, còn bông hồng duy nhất trong phòng này là chị phụ trách hội phụ nữ...

Anh Bốn đi một vòng bắt tay từng người, cố kìm không để đôi chân run mạnh. Anh không hiểu đây là bữa nhậu hay buổi họp mà phân nửa đầu ngành của phường đều đến đúng giờ. Họ bảo anh Bốn gọi thức ăn. Để tỏ ra là người biết điều, anh tiểu thương nhường quyền ấy cho vị cán bộ địa chính.

- Cho một con chồn ba món, ba ba hầm chuối, nhím xào lăn, rắn hổ bóp gỏi rồi nấu cháo...

Nếu lúc ấy có ai để ý sẽ thấy gương mặt anh Bốn tiểu thương đổi màu liên tục như con tắc kè.

- Ăn mấy thứ này uống bia nặng bụng, gọi chai Chivas 21 mới đúng điệu - anh phó công an phường đề nghị.

Anh Bốn ngồi cứng đơ cho đến khi điếu thuốc cháy sát đầu lọc nóng sém đôi môi mới giật mình trở về thực tại. Cuộc nhậu diễn ra rôm rả, trong bàn nói toàn chuyện nghị quyết chống tha hóa, sách nhiễu nhân dân, triệt cái này, xây cái kia, riêng anh Bốn thì cứ nơm nớp lo cơn mưa bất ngờ ập đến làm ướt cái sạp bán khô, mắm của anh ở chợ Bình Tây. Đây không phải là lần đầu anh bị "nhậu hội đồng", sáu tháng trước, lúc về quê ra xã xin xác nhận chủ quyền miếng đất do ông bà để lại, anh Chủ tịch xã cũng hẹn đi nhậu, khi đến quán thì anh thấy đã có đủ đại diện ban ngành xã, ấp ngồi chờ. Song, chầu đó "nhẹ đô" vì họ chỉ uống rượu đế và đưa cay bằng mấy món miệt đồng, sau đó kéo nhau vào quán karaoke hát vọng cổ.

Kiểu chơi này không lạ nhưng cũng chẳng quen, đến khi món cuối cùng được dọn ra, chợt nhớ xấp bạc mỏng dính trong túi, anh Bốn nhanh chân bước vào phòng vệ sinh:

- Alô! Má nó hả, cho người mang thêm 10 triệu đến cho tôi... Không đủ hả, đi mượn ngay, nếu không là kẹt đó. Ở đây toàn mấy "thầy" không hà, mau lên, một lát về nhà nói chuyện sau...

Anh Bốn vừa bước trở ra thì vị cán bộ địa chính đứng lên, giọng nhừa nhựa:

- Đi đâu mà lâu vậy bạn hiền? Gọi thêm chai Chivas nữa đi, bữa nay vui quá.

Anh Bốn lật đật quay trở vào nhà vệ sinh, móc điện thoại ra:

- Má mày kiếm thêm 5 triệu nữa... Nãy giờ tôi có ăn uống gì đâu. Đừng léo nhéo nữa, kêu mấy đứa nhỏ đem tiền đến ngay... Nhanh lên, tôi sắp chết đứng như Từ Hải rồi nè!...

*

* *

Hồi xưa, mấy ông thi nhân "ca ngợi" rượu dữ lắm, rượu biến thành thơ, thành nhạc, thành thứ bay vút lên trời cao, ăn sâu vào tâm khảm, không thể thiếu trong cuộc sống đời thường.

Mua rượu ta chén tít cùng nhau

Áo cừu, ngựa gấm, để đâu?

Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon

Uống cho muôn thuở tan buồn!

(Lý Bạch)

Nhưng em ơi

Đất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ

Đất trời nghiêng ngửa

Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

(Vũ Hoàng Chương)

Say sưa nghĩ cũng hư đời!

Hư thời hư vậy, say thời cứ say!

Đất say, đất cũng lăn quay,

Giời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười.

(Tản Đà)

Thưa em rượu uống bây giờ

là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma

hỗn mang về giữa hiên nhà

bây giờ cố quận tên là chiêm bao.

(Bùi Giáng)

Ngày xưa nhịp sống chậm, hầu hết các hoạt động xã hội đều xoay quanh chuyện ruộng đồng, các loại hình giải trí chỉ giới hạn trong hò vè, thi phú, hát cô đầu, trong giao tiếp rượu là phương tiện gần như để tỏ tình, bộc bạch nỗi niềm, vui chơi lễ hội. Rượu được sùng bái còn do phong tục tập quán, tâm lý con người đương thời như "vô tửu bất thành lễ", "nam vô tửu như kỳ vô phong"... Do uống nhiều rượu nên tuổi thọ con người rất thấp, nhiều bệnh tật, kể cả các vị vua, quan, có những người sống không quá 40 tuổi; nhiều nhân vật nổi tiếng cũng có tuổi đời rất ngắn như Tản Đà (50 tuổi), Trần Vũ Mai (47 tuổi), Tú Xương (37 tuổi), Vũ Hữu Định (39 tuổi)...

Ngày nay bối cảnh xã hội đã khác rất xa, con người có muôn vạn cách để giao tiếp, giải trí, nhưng rượu vẫn tồn tại trong đời sống cộng đồng, được sáng chế với nhiều hương vị, nồng độ, hình thức hấp dẫn, tinh tế lẫn thẩm thấu hơn. Nó không chỉ "Những bước song song xéo dặm trường / đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương" (thơ Xuân Diệu), mà còn là "Một trà, một rượu, một đàn bà / ba cái lăng nhăng nó hại ta" (thơ Tản Đà). Phải nói, dân mình uống rượu dữ quá, uống bất kể giờ giấc, ngày đêm, uống từ nông thôn đến thành thị, vui cũng uống, buồn cũng uống, ngõ ngách nào cũng có quán bán rượu bia, rượu như là một thứ thiết yếu đối với không ít người. Rượu không còn là giới hạn trong phạm vi lễ nghi, đình đám, giao lưu thân mật, mà nó đã "chuyển hóa" thành thói quen sinh hoạt, với một số người con sâu rượu đã gặm nhấm lục phủ ngũ tạng biến họ thành kẻ ngờ nghệch, mất lý trí, thậm chí gây ra tội ác.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính. Riêng Việt Nam, ước tính trung bình mỗi người trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore; đặc biệt có tới hơn 40% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Mỗi năm, người Việt "xơi" khoảng 4 tỷ đôla Mỹ cho thức uống có nồng độ cồn và Nhà nước phải bỏ ra 1% tổng thu nhập quốc dân GDP để giải quyết những hệ quả, như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, chữa trị các loại bệnh hiểm nghèo... Năng suất lao động của người Việt Nam thuộc loại thấp nhất Đông Nam Á, ngoài công tác đào tạo kém, còn do sức khỏe mà ra. Một ông thợ hồ, cứ mỗi bữa cơm chiều phải nhâm nhi hết một xị rượu đế, thì sáng hôm sau sức lực còn bao nhiêu để xây tô bức vách; một anh lái xe tải, trước khi lên cabin đã nốc bốn, năm lon bia thì làm sao đủ tỉnh táo để quan sát, làm chủ tốc độ; một chú nhà nông, mới 9 giờ sáng mà chân nam đã đá chân chiêu thì hồn phách đâu để mà cuốc bẫm, cày sâu?...

Cái nguy là tệ nạn ăn nhậu đã phổ biến trong bộ máy Nhà nước, rất nhiều cán bộ, công chức đã coi chuyện "đổ tường" là rất bình thường, đặc biệt là lớp người trẻ. Chưa có con số thống kê mức độ nhậu nhẹt trong thành phần này, nhưng tỷ lệ chắc hẳn là không thấp. Trước đây, khi dư luận đặt vấn đề có bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức làm việc chểnh mảng, ý thức trách nhiệm kém, thì một Bộ trưởng trả lời chỉ 1%. Con số này thật lý tưởng (cao hơn nhiều so với những quốc gia tiên tiến có kỷ luật lao động như Mỹ, Nhật, Singapore), lý tưởng đến mức... ngờ nghệch! Nhiều người không tin khẳng định của vị Bộ trưởng, còn người viết bài này cho rằng con số tệ hại đó không ít hơn 20%. Rất nhiều quán nhậu vào buổi chiều, có lúc cả buổi trưa, khách khứa đa phần là cán bộ, công chức. Cái gì cũng bày ra ăn nhậu cho được, lên lương, thăng chức, sinh nhật, lãnh giấy khen, kết nạp Đảng, con sếp đỗ đạt... cho đến lấy được số xe 9 nút! Buổi trưa kéo nhau đi nhậu, chiều về cơ quan, cả bọn nằm lăn quay ngủ ngái; tối uống quắc cần câu, sáng vào học nghị quyết ngồi ngáp dài ngáp vắn; không ít cuộc nhậu thắt chặt tình "huynh đệ", có những cuộc nhậu bàn chuyện đấu đá nội bộ; có những cuộc "họp kín" tính kế nhân sự, tìm cách bòn rút tiền Nhà nước, làm hại lương dân.

Cái công thức "tiền - rượu - gái" đã gây ra nhiều tác hại, nhưng xem ra nó vẫn tạo phấn khích trong tư tưởng lẫn hành động của không ít quan quyền kém phẩm chất, thấp tư cách. Ngoài việc bày vẽ, luồn lách để tham ô, bày ra trò "lợi ích nhóm" để chia chác vật chất, quyền lực; không ít nhân vật có quyền thế, còn cấu trúc cả dòng họ nắm giữ các vị trí chủ chốt ở địa phương; đề bạt hàng loạt tay chân trước khi rời ghế lãnh đạo; đưa cả gái gú vào bộ máy Nhà nước... những trò xấu xa biến hóa thật khôn lường! Ăn nhậu không chỉ làm mờ lý trí mà còn bôi lem cả tư cách, rượu vào thì lời ra, nhiều ông cán bộ nói quá xá, cái gì họ cũng tỏ ra quan tâm, bức xúc, nhưng khi giao một việc cụ thể thì làm chẳng ra trò trống gì. Có ông phân tích tình hình Trung Đông rành rọt như người trong cuộc, nhưng khi hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu trẻ em thất học, ông ta giải thích rất... trừu tượng. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang dầu sôi lửa bỏng, qua cuộc họp trực tuyến, khi lãnh đạo trung ương hỏi trên địa bàn có bao nhiêu ca F0, bao nhiêu vùng xanh, vùng đỏ thì cán bộ địa phương, ở địa bàn khác nhau, đều trả lời ấp ớ, nói lòng vòng, mở tài liệu ra để... kiếm cái gì đó?... Yếu kém không chịu được! Một người đàn bà khốn khổ được địa phương giao quét rác ở chợ đêm lẫn trông coi nhà vệ sinh công cộng. Gần 3 năm, bà được trả công mỗi tháng 300.000 đồng, nhưng mua chổi mất 120.000 đồng. Quá khổ cực, bà xin thêm tiền chi phí. Qua một cuộc thanh tra, người ta mới biết bà đã được tăng tiền mua chổi, nhưng... số dư đó, chủ tịch thị trấn chỉ đạo lập chứng từ khống để ông ta chiếm đoạt... đi nhậu. Tính ra, ông ta đã ăn chặn số tiền của người đàn bà bất hạnh đó hơn 12 triệu đồng, tương đương với 1.000 cây chổi. Từ thèm ăn nhậu mà tay cán bộ này trở thành bất lương, tàn ác, mạt hạng!

Có biết bao thảm kịch gia đình, xã hội do những kẻ nát rượu gây ra. Biết bao giọt châu sa không rơi vào cõi vô biên mà thẩm thấu vào thể xác, tâm hồn của bao "nạn nhân", của bao thân phận gia phong, quyền thế. Nạn ăn nhậu thể hiện lối sống tha hóa, suy thoái đạo đức, phá vỡ những giềng mối gia đình, trật tự xã hội, sinh ra nạn bè phái, tham ô, tàn phá sức lao động, chiến đấu trong từng đơn vị. Ít có nơi nào mua rượu, thuốc lá dễ dàng và rẻ như ở nước ta; cũng chưa có lúc nào các tệ nạn xã hội, trong đó có nạn rượu chè, lại tràn lan như hiện nay; và cũng chưa có giai đoạn nào cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, cách chức, ngồi tù nhiều như mấy năm gần đây. Hầu hết số cán bộ thiếu, kém phẩm chất ấy đều dính đến "tiền - rượu - gái". Không thể nói hết tác hại của nạn ăn nhậu!

Có câu ngạn ngữ: "Người chủ quán rượu rất thích kẻ nghiện rượu, nhưng lại không muốn anh ta làm rể nhà mình"!!!

10-10-2021

Bình luận (0)

Lên đầu trang