Mất tiền oan uổng
Nắm bắt được xu hướng mua sắm online, nhất là các mặt hàng được nhiều người quan tâm, kẻ gian đã nghĩ ra những chiêu lừa tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình là trường hợp của nữ sinh viên Lê Thu H. (SN 2003, ngụ TPHCM). Ngày 19/9/2024, chị H. thấy trang TikTok Shop rao bán chiếc móc khóa crybay của Pop Mart với giá 350.000 đồng nên đặt hàng.
Thông thường, khi mua những món đồ này, H. đặt cọc trước một ít, số còn lại trả khi nhận hàng. Tuy nhiên, chủ shop lại đưa ra khuyến mãi: nếu chuyển khoản một lần sẽ giảm còn 320.000 đồng, miễn phí giao hàng... Sau một lúc đắn đo, chị H. cũng đành chấp nhận bởi mặt hàng này đang "hot", giá không cao hơn bao nhiêu so với cửa hàng chính đang bán. Chờ 2 ngày theo lịch hẹn giao hàng nhưng không thấy động tĩnh gì, chị H. nhắn tin thì không thấy phản hồi. Sinh nghi, H. liền lên trang TikTok và Instagram của người này thì phát hiện chủ tài khoản đã khóa. Đến ngày 23/9, chị H. tiếp tục kiểm tra, thấy trang bán hàng này hoạt động trở lại, nhưng khi nhắn tin thì họ lại khóa. "Tôi thật không ngờ họ lại làm ăn gian dối đến vậy. Nếu đúng họ lừa đảo, chắc chắn sẽ có rất nhiều nạn nhân như tôi bị trúng bẫy chiêu khuyến mãi, bán giá rẻ và miễn ship của họ”, chị H. bức xúc cho biết.
Cần nâng cao cảnh giác khi mua hàng trực tuyến
Tương tự, chị Lê Thanh Đ. (SN 1980, ngụ H.Hóc Môn) đã kể câu chuyện con trai mình bị lừa mất tiền oan. Theo đó, con chị Đ. lên mạng Facebook đặt mua 1 chiếc áo với giá 150.000 đồng. Đến khi khui hàng thì tá hỏa bên trong chỉ là một chiếc áo cũ của người già. "Con tôi định gọi điện hỏi shop có gửi lộn hàng hay không thì đã bị chặn số điện thoại và Facebook" - chị Đ. cho biết.
Trước đó, chị Nguyễn N. (ngụ H.Bình Chánh) cũng đặt mua 1 chiếc áo trên TikTok Shop. Hai ngày sau, chị N. được shipper đến nhà giao hàng và đã thanh toán tiền. Nhưng khi mở gói hàng ra, chị phát hiện bên trong là chiếc áo cũ, không giống với mẫu áo đã đặt. Gọi điện cho shipper thì anh này cho biết chỉ là người giao hàng và hướng dẫn chị liên hệ với shop. Thế nhưng chị N. không thể gọi cho shop theo số điện thoại đã in trên đơn hàng được. Ngày hôm sau, lại có một shipper đến giao hàng cho chị. Chị Đ. yêu cầu mở hàng để kiểm tra thì thấy đúng là mặt hàng mình đã đặt mua. "Như vậy, đơn hàng trước là do có kẻ đã đánh cắp thông tin đặt hàng của tôi và ngụy tạo đơn hàng giả nhằm lừa tiền" - chị Đ. chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Trần T. (ngụ TPHCM) cũng đặt 2 đơn hàng trên TikTok Shop. Sau đó, có một shipper đến nhà gọi chị nhận hàng. Nhưng khi kiểm tra trên điện thoại, chị phát hiện đơn hàng của mình đang trong quá trình vận chuyển. Chị trao đổi nội dung này với shipper để cùng kiểm tra thông tin thì phát hiện số điện thoại của bên bán hàng không liên lạc được. Sự việc vẫn chưa dừng lại, vì ngày hôm sau lại có người đến giao hàng. Lần này, thông tin sản phẩm, giá tiền in trên kiện hàng đều trùng khớp với đơn hàng đã đặt, chị T. vẫn yêu cầu được xem hàng và phát hiện bên trong là chiếc áo cũ.
Khách hàng nhận phải một đơn hàng giả
Theo các chuyên gia, trò lừa đảo trên xuất phát từ việc người mua hàng bị lộ thông tin trên mạng xã hội, trên nền tảng TikTok và có thể là trên nền tảng giao hàng. Các đối tượng đã lấy thông tin khách hàng để ngụy tạo 1 đơn hàng giả giống như thật để lừa tiền. Để tránh bị lừa thì người mua phải kiểm tra hàng thật kỹ trước khi trả tiền. Bên cạnh đó, người dân cần hết sức cảnh giác, không mua hàng ở những shop thiếu uy tín, nên tìm hiểu xem những lượt tương tác trên các page là thật hay ảo, đặc biệt không mua hàng khi mà phải thanh toán tiền trước.
Giả danh shipper để lừa đảo
Thời gian gần đây, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo chiêu thức lừa đảo của những kẻ mạo danh shipper để chiếm đoạt tiền. Cụ thể, nhiều người mua hàng online có thói quen nhờ shipper gửi và chuyển khoản vì đang bận hoặc không có ở nhà. Lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng của các sàn thương mại điện tử thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền. Không ít người thiếu cảnh giác nên đã mắc "bẫy" và mất tiền oan từ chiêu thức lừa đảo này.
Chị Võ Hồng T. (ngụ Quận 7) cho biết, đầu tháng 9/2024, khi chị đang khám bệnh thì nhận được cuộc gọi hiển thị tên AP-VN thông báo chị có đơn hàng quần áo, đề nghị thanh toán 165.000 đồng. Do không có ở nhà, lại thấy cuộc gọi hiển thị tên giống tên đơn vị vận chuyển, chị T. nhờ shipper quăng gói hàng vào sân rồi chuyển tiền như mọi khi. Vài phút sau, shipper gọi điện thoại, xin lỗi vì đã gửi nhầm số tài khoản của công ty. Chị T. chuyển tiền vào đó có nghĩa là chị đồng ý với việc đăng ký thành công thẻ làm shipper, mỗi tháng sẽ bị khấu trừ 3,5 triệu đồng trong tài khoản. Nếu không thanh toán đúng ngày thì sẽ bị nợ xấu trên hệ thống ngân hàng.
Biết chị T. đang hoảng hốt, shipper này gửi cho chị một đường link chăm sóc khách hàng của dịch vụ giao hàng nhanh, tư vấn chị truy cập vào đó để yêu cầu hoàn lại tiền. Sau đó, một đối tượng khác tự nhận là bộ phận hành chính của một công ty giao hàng hướng dẫn chị thực hiện các thao tác trên đường link để sớm làm xong thủ tục hoàn tiền. Sau khi chị đăng nhập thông tin tài khoản vào đường dẫn, xác thực gương mặt thì số tiền 12 triệu đồng trong tài khoản của chị cũng biến mất. Lúc này, chị T. tiếp tục nhận được cuộc gọi khác của một người tự xưng là cán bộ của công ty này, hứa sẽ giúp chị T. lấy lại số tiền đã mất với lý do đây là "lỗi hệ thống".
Chị H. bị shop này chặn liên lạc sau khi chuyển khoản thanh toán
Chị Võ Thị H. (Ngụ Q.Gò Vấp) nhận được cuộc gọi thông báo có đơn hàng quần áo trị giá hơn 1,4 triệu đồng, yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Do đối tượng đọc đúng tên cửa hàng và đúng món hàng, số tiền nên chị H. chuyển tiền nhưng sau đó chị H. không nhận được hàng. Chị H. liền gọi đến cửa hàng quần áo kiểm tra thì được biết, đơn hàng của chị đang trong quá trình vận chuyển, chứ chưa được giao. Chủ cửa hàng này còn dặn chị lên Facebook kiểm tra tình trạng đơn hàng trước khi chuyển khoản.
Cũng bị mất số tiền 187.000 đồng vì chiêu thức lừa đảo này, chị Trần Thị Tr. (20 tuổi, ngụ H. Củ Chi) cho hay, hàng ngày chị đi làm nên có thói quen nhờ shipper gửi đơn hàng cho người bán nước ở đối diện nhà trọ và sau đó xin số tài khoản để chuyển tiền. Trung tuần tháng 9/2024, chị nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là shipper của một trang mua bán trực truyến, yêu cầu thanh toán đơn hàng trị giá 187.000 đồng. Như thói quen, chị nhờ họ gửi hàng và xin số tài khoản để chuyển tiền. Tan làm về, gặp người bán nước để lấy đồ, chị Tr. mới biết không có đơn hàng nào gửi cho mình.
Theo cơ quan công an, mục đích của các đối tượng đưa người dân đăng nhập vào các app, thực hiện các giao dịch theo hướng dẫn của chúng để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng này cũng chiếm luôn số tiền thanh toán tiền hàng của các nạn nhân. Chính vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn mới của các đối tượng.
Để tránh "sập bẫy", mọi người không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng công an nơi gần nhất nhằm tránh bị kẻ gian xâm hại.