Liên kết ‘ma’ đưa sinh viên vào ‘bẫy’

Thứ Bảy, 06/08/2016 10:01

|

(CAO) Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của sinh viên, nhiều chiếc “bẫy” việc làm đã giăng ra khắp nơi khiến không ít em ngậm đắng nuốt cay vì trót tin lời của những kẻ lừa đảo tinh vi.

Gã sinh viên dùng đô la âm phủ đi lừa đảo chiếm đoạt tiền triệu

Lương cao…là đa cấp

Từ thông tin “tố cáo” của một số sinh viên trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) chúng tôi tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm nằm khuất trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Trung tâm được quảng cáo là nơi giới thiệu việc làm 100% uy tín với mức lương cao ngất trời, thực chất là một căn nhà cấp 4 không có bảng hiệu, bên trong chỉ có duy nhất một bộ bàn ghế để nhận hồ sơ. Hàng chục người đang ngồi chờ để phỏng vấn xin việc.

Nhân viên tư vấn nhanh chóng phát cho mỗi ứng viên một tờ giấy rồi yêu cầu tất cả mọi người điền đầy đủ thông tin của mình, sau đó nhận hình và chứng minh nhân dân, không quên kèm theo yêu cầu mỗi người đóng 100 ngàn đồng tiền “thế chân” với lời hứa hẹn nếu không thích công việc thì sẽ được trung tâm hoàn trả 100%.

Nhiều sinh viên rơi vào 'bẫy' của các trung tâm "ma"

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, không ai được phát bất kỳ một phiếu thu hay hóa đơn biên nhận nào. Khi người xin việc thắc mắc thì được nhân viên lý giải, tiền này chỉ là thu tạm thời nên không cần biên lai.

Sau đó, nhân viên tư vấn hẹn sẽ thông báo địa chỉ việc làm cho từng ứng viên qua điện thoại. Điều đáng nói là phần lớn công việc trung tâm này giới thiệu cho ứng viên đều là đi dự hội thảo của những công ty bán hàng đa cấp. Nhiều người tỏ rõ sự bất mãn và muốn đòi lại tiền thế chân thì trung tâm này “lật kèo” bằng cách chây ỳ thậm chí thách thức “kiện” vì không một ai có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh khoản tiền đã đóng kia.

Không chỉ riêng Trung tâm GTVL này mà rất nhiều trung tâm khác cũng cấu kết với các công ty bán hàng đa cấp để sử dụng “chiêu thức” việc nhàn, lương cao để “bẫy” sinh viên. Bạn Huỳnh An Nhiên (sinh viên Cao Đẳng Đắk Lắk) bức xúc cho biết : “Nhân dịp nghỉ hè mình tranh thủ đến trung tâm việc làm tìm kiếm thông tin, thấy trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Hoàng Hoa Thám đang cần tuyển 20 nhân viên tư vấn bán hàng mức lương từ 3 triệu đồng trở lên. Mình nộp hồ sơ đăng kí thì trung tâm yêu cầu mình nộp 10% mức tiền lương để thế chân rồi mới cấp giấy giới thiệu cho mình. Nhưng khi tới công ty mình mới biết đó là công ty bán hàng đa cấp. Khi quay lại trung tâm để khiếu nại thì nhân viên tại đây cho biết bán hàng đa cấp cũng là bán hàng do mình không chịu làm nên coi như mất 10% tiền lệ phí theo quy định của trung tâm”.

Tiền mất tật mang

Không chỉ giới thiệu làm việc ở những công ty đa cấp, nhiều trung tâm sẵn sàng giới thiệu việc làm cho sinh viên, nhưng với chiêu thức “vào cửa trước, đuổi cửa sau”.

Chia sẻ của nhiều sinh viên khi bị lừa

Bạn Hồ Thị Đ (sinh viên Đại học Tây Nguyên) chia sẻ : “Mình và cô bạn thân cùng đến một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Lê Duẩn. Tại đây, nhân viên tư vấn giới thiệu sơ qua về trung tâm rồi yêu cầu mình nộp 200 ngàn tiền thế chân. Sau khi nộp tiền, mình được giới thiệu đến làm lễ tân cho một nhà hàng trên địa bàn thành phố. Những ngày đầu tiên, mọi thứ diễn ra suôn sẻ nhưng tới ngày thứ 7 thì quản lý nhà hàng bắt đầu tỏ thái độ không hài lòng với mình dù mình không làm gì sai. Một hôm, họ gọi mình lên và nói mình đã lấy trộm của khách số tiền 700 nghìn đồng, sau đó gọi trung tâm đến để trả mình và nói sẽ không thanh toán tiền lương mình đã làm. Quá uất ức nên mình đã cãi nhau với họ và yêu cầu trung tâm làm rõ việc này nhưng nhân viên bên trung tâm hoàn toàn lờ tịt đi và cho rằng lỗi ở mình nên họ cũng không giải quyết. Sau này mới biết có rất nhiều sinh viên đã rơi vào cái bẫy giống như của mình vừa mất tiền ở trung tâm, vừa bị bóc lột sức lao động ở nhà hàng”.

Mặc dù có nhiều sinh viên bị lừa nhưng hầu hết đều không thể làm gì những trung tâm này bởi phần rất lớn các bạn đều không có giấy tờ, hóa đơn hay hợp đồng làm việc với trung tâm. Vì vậy, khi biết bị lừa, nhiều sinh viên chỉ biết lên mạng chia sẻ và cảnh báo đối với những người khác.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk)

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết : “Các bạn sinh viên khó có thể kiện những trung tâm này vì không có biên lai thu tiền cũng như cam kết hoàn trả tiền nếu người xin việc không muốn làm công việc đó. Vì vậy trước khi đóng tiền các bạn nên hỏi kỹ càng thủ tục dù số tiền ít nhưng nếu có chứng cứ trong tay thì các trung tâm cũng không thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm của họ”.

Thiết nghĩ mong muốn tìm kiếm một công việc thời vụ ngắn hạn để trang trải sinh hoạt hàng ngày là nhu cầu chính đáng của nhiều sinh viên. Tuy nhiên trước khi quyết định đóng tiền để nhận việc các bạn nên cân nhắc để tránh mất thêm tiền cho những trung tâm lừa đảo này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang