Mạo danh công an yêu cầu chỉnh sửa căn cước công dân để lừa đảo

Thứ Năm, 22/02/2024 11:04

|

(CATP) Lợi dụng việc cơ quan chức năng vừa thông báo quy trình đổi, cấp mới thẻ CCCD, các đối tượng bất hảo tự xưng cán bộ Công an gọi điện yêu cầu người dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cụ thể như sau: tự xưng cán bộ Công an, gọi điện thoại đến hỏi thông tin, vận động công dân cập nhật, bổ sung thông tin đồng bộ định danh điện tử mức độ 2. Sau đó đối tượng yêu cầu người dân kết bạn Zalo, hướng dẫn tải app dịch vụ công về máy. Khi người dân đăng ký thông tin, trong quá trình cài đặt app, kẻ gian yêu cầu người dùng chụp ảnh CCCD, nhận diện ảnh, xác minh tài khoản ngân hàng của họ. Từ đó các đối tượng dùng tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chuyển tiền sang các tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt tài sản. Tại Tây Ninh, lợi dụng thông tin chiến dịch vận động công dân làm CCCD và định danh điện tử, các đối tượng bất hảo sử dụng thủ đoạn giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 2 trường hợp người dân đến trình báo sự việc bị các đối tượng giả danh Công an yêu cầu cập nhật thông tin căn cước công dân và làm mã định danh mức 2 để lừa đảo chiếm đoạt trên 600 triệu đồng. Ông Trần Văn T, 50 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Tây Ninh cho biết: ngày 15/02/2024, có 1 đối tượng tự xưng Công an tỉnh Tây Ninh điện thoại đến yêu cầu ông bổ sung đồng bộ định danh điện tử mức 2 cho đầy đủ. Đối tượng đã đề nghị ông kết bạn Zalo để thuận tiện cho việc trao đổi, hướng dẫn.

Chị N. trình báo sự việc

Được ông T. chấp thuận, đối tượng yêu cầu ông tải phần mềm dịch vụ công về máy và cài đặt, đăng ký thông tin và kêu đóng 12.000 đồng phí dịch vụ. Khi ông T. đăng nhập app "Internet Banking" trên điện thoại của mình thì app báo phải chụp ảnh căn cước công dân và nhận diện ảnh. Sau khi làm hết các yêu cầu, ông T. vẫn không đăng nhập được nên đối tượng kêu ông lấy sim gắn vào máy của vợ ông để đồng bộ cho hai vợ chồng luôn. Trong lúc chờ đồng bộ, ông T. đăng nhập tài khoản ngân hàng của vợ và cũng bị yêu cầu chụp ảnh căn cước công dân và nhận diện ảnh nhưng tài khoản thì vẫn không đăng nhập được.

Vài giờ sau, ông T. và vợ kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì tài khoản của vợ ông bị trừ mất 91 triệu đồng và của ông T. bị rút mất 24.900.000 đồng. Được biết, bản thân ông trước đây cũng rất cảnh giác với việc các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, qua mạng... Tuy nhiên do lần này các đối tượng dùng thủ đoạn khá tinh vi khiến ông mất cảnh giác.

Tương tự trường hợp ông T, chị Nguyễn Thị N, 34 tuổi, ngụ thị xã Hòa Thành, Tây Ninh cũng là nạn nhân bị các đối tượng tự xưng Công an Tây Ninh gọi đến để hỗ trợ làm mã định danh mức 2. Theo đơn trình bày của chị, các đối tượng cũng yêu cầu kết bạn qua Zalo để hỗ trợ. Khi chị N. gọi video thì thấy các đối tượng mặc đồ công an ngồi trong cơ quan có bàn làm việc và họ kêu chị tải app Bộ công an về và đọc đúng số chứng minh nhân dân cũ, mới, nhân thân trong gia đình nên chị tin tưởng. Đến khi phát hiện các tài khoản ngân hàng trên máy điện thoại của mình đã "bốc hơi" trên 570 triệu đồng thì chị mới biết mình bị lừa.

Theo cán bộ điều tra thụ lý vụ việc, người dân cần lưu ý điều này: cán bộ công an khi muốn làm việc với người dân sẽ làm việc trực tiếp thông qua giấy mời, không có trường hợp cán bộ công an yêu cầu hoặc hướng dẫn người dân cài app từ các đường link không rõ ràng. Đó là vấn đề mà bà con cần ghi nhận để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang