(CATP) Nhờ công nghệ phát triển và để hạn chế đến nơi đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xu hướng mua bán hàng hóa qua mạng đang thịnh hành. Bên cạnh nhiều địa chỉ uy tín, chất lượng, có không ít kẻ lừa đảo lợi dụng thế giới mạng để giăng bẫy khách hàng cả tin, thiếu cẩn trọng khi giao dịch.
Tổng số tiền mua chiếc lắc tay bằng vàng và chiếc vòng cổ bằng đá đỏ chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng chị C (SN 1983, ngụ Hà Nội) vẫn quyết định bay từ ngoài Bắc vào TPHCM để tố giác kẻ bán hàng gian dối, dù phải tốn chi phí vé máy bay, thuê khách sạn, mất công sức đi lại.
Chị C bức xúc: "Mình phải tố giác để công an vào cuộc điều tra, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, bắt nó phải chịu trách nhiệm hình sự, chứ không sẽ còn nhiều nạn nhân khác sập bẫy".
Cách nay mấy tháng, khi vào mạng xã hội Facebook chuyện trò với bạn bè, chị C nhìn thấy một mẩu quảng cáo của trang cá nhân bán hàng trang sức, với nội dung hấp dẫn. Vì tò mò, chị vào trang này xem thử. Sau một lúc tham khảo, chị bị thu hút bởi khả năng thuyết phục của cô gái bán hàng, cùng những món trang sức được giới thiệu là vàng Mỹ và đá đỏ Nam Phi rất đẹp, mà giá cả khá "mềm".
Đặc biệt, số người chốt đơn mua hàng liên tục được cập nhật. Chưa kể người bán hàng cam kết, sau khi nhận hàng, nếu khách thấy không đúng như hàng mẫu quảng cáo thì được trả hàng và hoàn tiền.
Tin tưởng vào những điều mắt thấy, tai nghe trên mạng Facebook, chị C đặt mua chiếc lắc tay bằng vàng Mỹ và vòng cổ đá đỏ Nam Phi với giá hơn 27 triệu đồng. Chị háo hức chờ đợi, nhưng khi hàng đến tay thì thất vọng, vì chất lượng kém. Chiếc lắc vàng sỉn màu, còn vòng cổ rất nhẹ, nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra không phải làm bằng đá. Chị C lấy ra một hột từ chiếc vòng cổ, đốt trên lửa thì thấy cháy giống như nhựa.
Chị C liên hệ với người bán, yêu cầu cho đổi hoặc trả hàng, nhưng không được đáp ứng mà còn bị thách thức. Bức xúc, chị bỏ công việc, vào TPHCM tố giác kẻ bán hàng gian dối. Khi tìm đến địa chỉ mà người bán giới thiệu là cửa hàng ở Q.Tân Bình, chị mới biết đây là tư gia, chủ nhà chưa cho ai thuê mướn. Do chưa biết tố cáo đến cơ quan nào nên chị đến Báo Công an TPHCM nhờ hướng dẫn.
Vòng tay và vòng cổ dỏm bên bán giao cho chị C
Dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi, khiến không ít người lâm vào tình cảnh thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Để cải thiện đời sống, chị Lương Thu (SN 1980, ngụ Q6) chuyển hướng sang kinh doanh mỹ phẩn qua mạng. Sau khi tìm hiểu, chị thấy trên mạng Facebook có một shop chuyên bán mỹ phẩm Hàn Quốc nên mạnh dạn liên hệ. Theo quảng cáo thì shop này có kho hàng lớn ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cung cấp hàng cho nhiều công ty, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm Hàn Quốc ở khu vực phía Nam.
Qua trao đổi trên mạng Facebook, chị Thu quyết định mua mỹ phẩm của shop trên về bán lại. Lần đầu, chị đặt mua vài triệu đồng mặt nạ trái cây. Chị chuyển tiền xong, chỉ trong một, hai ngày, shop giao hàng đúng hẹn. Trong 2 ngày 11 và 12-8-2020, chị Thu tiếp tục chuyển vào tài khoản ngân hàng do người bán cung cấp, với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng.
Chờ đợi 3 ngày như thỏa thuận, nhưng chị Thu không nhận được hàng. Liên hệ theo số điện thoại người bán thường trao đổi thì họ không nhấc máy. Biết bị lừa, chị Thu đến công an phường trình báo. Bước đầu xác minh, được biết địa chỉ người bán giới thiệu là kho hàng ở TP.Đà Lạt thực chất là nhà của người dân địa phương. Vụ việc đang được công an điều tra.
Cần mua một chiếc xe máy nhập khẩu, anh Hoàng Hồ (SN 1983, quê An Giang, tạm trú Q.Thủ Đức) lên mạng tìm hiểu. Khi vào tài khoản Zalo "chuyên mua bán xe nhập Đ.T", anh Hồ thấy rao bán nhiều mẫu xe nhập khẩu rất đẹp nên liên hệ trao đổi. Sau đó, anh đặt mua một chiếc SH nhập từ Ý với giá 45 triệu đồng.
Bên bán buộc người mua đặt cọc trước một khoản tiền. Khi nào cửa hàng giao xe thì người mua trả nốt số tiền còn lại. Ngày 13-8-2020, anh Hồ chuyển khoản trước 9 triệu đồng cho người bán. Bên bán báo tin đã nhận được tiền đặt cọc mua xe. Hai ngày sau, người bán nhắn tin rằng cửa hàng đang trên đường chuyển xe SH đến tận nhà cho anh Hồ và yêu cầu thanh toán hết số tiền còn lại.
Tưởng thật, anh Hồ chuyển thêm 36 triệu đồng đến một tài khoản ngân hàng khác do người bán cung cấp. Đợi mãi không thấy có người giao xe, anh Hồ vào địa chỉ trên mạng Zalo để thắc mắc thì phát hiện đối tác đã hủy kết bạn. Biết sập bẫy lừa, nạn nhân đành đi trình báo công an.
(CAO) Hiện nay việc mua bán trên mạng đã trở nên rất phổ biến. Bên cạnh những người buôn bán trung thực, có tâm, thì cũng có rất nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để buôn bán bất chính, lừa đảo, mà trường hợp sau đây là điển hình.