Hồ sơ vụ án:

"Chạy 3 vòng" vẫn không thoát án tử

Thứ Năm, 12/11/2020 10:37  | Huy Văn

|

(CATP) Bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình về 2 tội giết người và cướp tài sản, Nguyễn Hồng Nhàn (SN 1990, ngụ xã Vĩnh Trạch, H.Thoại Sơn, An Giang) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Do phát sinh tình tiết mới là giấy khai sinh thể hiện bị cáo khi gây án chưa đủ 18 tuổi nên tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm. Sau khi làm rõ, tòa cấp sơ thẩm xác định, Nhàn đủ 18 tuổi, nhưng tuyên phạt bị cáo án tù chung thân. Cho rằng án xử chưa nghiêm, tòa cấp phúc thẩm quyết định tăng hình phạt, tuyên tử hình bị cáo...

GIẾT TÀI XẾ TAXI RỒI ĐỂ LẠI... "TÍN HIỆU" (?!)

Nguyễn Hồng Nhàn là con trai út trong một gia đình có 14 người con ở xã Vĩnh Trạch. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, sau khi học hết cấp 2, Nhàn rời quê lên TPHCM, xin vào làm công tại một quán hủ tiếu chay. Sau thời gian phụ việc, Nhàn về quê, rủ hai người bạn là Nguyễn Văn Thật (SN 1992) và Huỳnh Công Kha (SN 1993) đi làm chung. Bỏ tiền mua vé cho hai "chiến hữu" đi cùng xe tốc hành đến TPHCM, đến nơi thì quán hủ tiếu đóng cửa, ngưng hoạt động, Nhàn đưa hai đồng hương ra công viên ngủ tạm. Cả ba cùng đi tìm việc làm, nhưng không ai thuê nên phải sống lang thang.

Không chỗ ở, không công ăn việc làm, không một đồng dính túi, Nhàn nảy sinh ý đồ đen tối, rủ hai bạn "làm một mẻ” để kiếm tiền về quê. Nhàn bàn với Thật và Kha, cả ba sẽ đón taxi đến đoạn đường vắng rồi "xử" tài xế để cướp tài sản. Cụ thể, khi lên xe, Thật ngồi ghế cạnh tài xế, dùng dao khống chế, Nhàn kẹp cổ kéo tài xế về phía sau, còn Kha ngồi băng ghế sau để hỗ trợ và cảnh giới.

Khoảng 23 giờ ngày 1-9-2009, các đối tượng chuẩn bị 2 con dao, đón taxi Vinasun do anh Trần Phương Minh (SN 1969, ngụ P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TPHCM) điều khiển, từ siêu thị Co.opmart Phú Lâm (Q6) đến Đường số 5 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân). Thấy đường vắng, Nhàn bảo tài xế dừng xe, rồi bất ngờ tấn công từ phía sau. Nhàn kẹp cổ để Thật đâm nạn nhân. Anh Minh chống cự, Nhàn dùng dao bồi thêm mấy nhát. Thấy tài xế không còn phản ứng, Nhàn lục lấy điện thoại di động Nokia 6300 cùng chiếc ví da, nhưng trong không có tiền nên gã vất lại trong xe.

Bị cáo Nguyễn Hồng Nhàn tại phiên tòa lưu động

Trên đường tẩu thoát, thấy quần jeans của mình dính máu, Nhàn liền cởi bỏ, trong túi quần có giấy CMND mang tên Nguyễn Hồng Nhàn. Nhờ giấy này mà cơ quan điều tra sớm phá án. Sáng hôm sau, cả ba đón xe ôm ra Bến xe Miền Tây, bán điện thoại của nạn nhân được 1,2 triệu đồng, mua vé xe về quê và chia nhau tiêu xài. Trong đó, Thật và Kha mỗi người được chia 100 ngàn đồng.

Về phần nạn nhân, sau khi bị tấn công, anh Minh bấm còi xe kêu cứu và được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Hai tuần sau khi gây án, Thật và Kha bị bắt khẩn cấp, riêng Nhàn được gia đình đưa đến cơ quan công an đầu thú.

Ngày 28-9-2010, TAND TPHCM đưa ra xét xử lưu động vụ án trên tại đường Vành Đai Trong (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân). Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định: Hành vi của các bị cáo là vô cùng nguy hiểm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Nhàn là kẻ chủ mưu, đã tước đoạt sinh mạng của nạn nhân một cách dã man. Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Nhàn án tử hình về 2 tội giết người và cướp tài sản. Hai bị cáo Thật và Kha còn vị thành niên nên lãnh án 18 và 12 năm tù, cùng về 2 tội danh trên.

THOÁT Ở "PHÚT 89" RỒI LẠI NHẬN... ÁN TỬ (!)

Mẹ của Nhàn cho rằng con mình tên thật là Nguyễn Hồng Nhãn, sinh năm (SN) 1992 chứ không phải SN 1991. Người mẹ đau khổ trình bày: Nhàn là con út, lúc mới sinh tên trong giấy chứng sinh của Nhàn là Nguyễn Hồng Nhãn, SN 1992. Vợ chồng bà không đăng ký khai sinh cho con, mãi đến năm 2007, cha Nhàn mới đến UBND xã khai sinh trễ hạn. Lúc này, cha Nhàn không nhớ rõ năm sinh nên khai sai và thay đổi tên từ Nhãn sang Nhàn. Tuy nhiên, lời khai này không được HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận vì chưa đủ căn cứ.

Sau phiên xử sơ thẩm, Nhàn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người mẹ đi khắp nơi để tìm bằng chứng chứng minh Nhàn SN 1992 để thoát án tử, vì thời điểm gây án chưa đủ 18 tuổi.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-2-2011, Nhàn thừa nhận hành vi phạm tội. Vấn đề nổi lên chính là ngày, tháng, năm sinh của bị cáo. Trước HĐXX phúc thẩm, người mẹ khăng khăng con mình SN 1992. Tại phiên xử, xuất hiện nhân chứng Phạm Thị Viết (người đỡ đẻ năm xưa). Nữ hộ sinh khai đã đỡ đẻ Nhàn vào năm 1992, có giấy chứng sinh hẳn hoi tên Nguyễn Hồng Nhãn. Sau đó, gia đình mới lên xã làm giấy khai sinh, do trước Nhàn là hai chị gái nên không thể nhầm lẫn. Phía mẹ bị cáo vẫn giữ lời khai như tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Nhàn không đứng vững sau khi bị tòa phúc thẩm tuyên án tử hình

Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện KSND Tối cao tại TPHCM nhận định: Vụ án có tình tiết quan trọng chưa được làm rõ. Ngày 21-7-2007, gia đình Nhàn mới làm giấy khai sinh cho bị cáo SN 1991; trong khi giấy chứng sinh thể hiện bị cáo SN 1992. Nhân chứng Viết cũng khai bị cáo SN 1992. Đây là chứng cứ mới cần giám định, điều tra lại, do đó cần thiết phải hủy một phần bản án.

Xem xét các tài liệu, chứng cứ cũng như quan điểm của đại diện Viện KSND, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hình phạt của Nhàn để điều tra, xét xử lại.

Xử sơ thẩm lần 2, TAND TPHCM xác định, bị cáo Nhàn SN 1991, thời điểm gây án đã thành niên. Tuy nhiên, HĐXX chỉ tuyên phạt Nhàn án tù chung thân, Thật 14 năm tù và Kha 9 năm tù, cùng về 2 tội giết người và cướp tài sản. Thật và Kha chấp nhận mức án. Riêng Nhàn tiếp tục kháng cáo xin được xem xét. Trong khi đó, Viện KSND TPHCM nhận định, mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên chưa tương xứng với hành vi mà bị cáo Nhàn gây ra. Do đó, Viện Kiểm sát kháng nghị, đề nghị tòa cấp phúc thẩm tăng hình phạt.

Ngày 28-6-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm lần 2. HĐXX phúc thẩm xét thấy, Nhàn là kẻ chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã tước đoạt sinh mạng của nạn nhân một cách dã man, quyết liệt. Do đó, HĐXX tuyên bác kháng cáo của bị cáo, chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TPHCM, tăng án từ chung thân lên tử hình đối với Nhàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang