Côn đồ đại náo bệnh viện: Cần nghiêm trị và răn đe!

Thứ Tư, 19/07/2017 14:09

|

(CAO) Thời gian gần đây, những vụ côn đồ xông vào bệnh viện đại náo, đánh đập các bác sỹ, nhân viên y tế… liên tiếp xảy ra với mức độ ngày một báo động.

Có một thực tế là những hành vi này là tình huống bất ngờ, khiến lực lượng bảo vệ tại bệnh viện và cơ quan chức năng không kịp trở tay. Trước thực trạng này, dư luận mong muốn cơ quan thi hành pháp luật cần có mức xử phạt thật sự nghiêm minh, mang tính răn đe đối với hành vi xâm phạm sức khoẻ và tính mạng của các lương y.

Làm ơn mắc… oán

Khoảng 17 giờ 35 phút ngày 13-7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam (khoảng 20 tuổi), nhập viện trong tình trạng bị chấn thương, xây xát ở vùng đầu. Do thời điểm trên khoa cấp của bệnh viện đang trong tình trạng quá tải nên xét thấy vết thương của nam thanh niên không quá nghiêm trọng, bác sỹ và y tá của khoa đã chủ động yêu cầu thanh niên chờ đợi nhằm ưu tiên cho những ca nặng hơn.

15 phút sau, nam thanh niên bắt đầu thay đổi thái độ, có những lời nói qua lại với ê kíp trực rồi nhanh chóng bỏ đi.

Những tưởng sự việc sẽ kết thúc tại đây thì chỉ hơn 30 phút sau, nam thanh niên khi nãy bất ngờ quay lại. Nhưng lần này, anh ta mang theo một con dao, giấu kín trong người, tìm đến các bác sỹ để… “hỏi thăm”. Thấy anh này quay lại, rất vô tư, bác sỹ Lê Quang Phúc (SN 1992 - Khoa Cấp cứu) nhanh chóng tiến tới để thăm bệnh và tìm cách sơ cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi mà ý tốt chưa kịp thực hiện thì bác sỹ Phúc đã bị đối tượng rút dao ra, chém tới tấp vào phần má trái, bả vai và một phần tay phải của mình.

Bệnh viện Q.2 sau đêm kinh hoàng

Chưa dừng lại, trong cơn điên cuồng, gã côn đồ tiếp tục vung dao truy sát các y, bác sỹ khác đang có mặt, khiến mọi người một phen thất kinh. Sự việc tồi tệ chỉ dừng lại khi có sự can thiệp từ lực lượng bảo vệ, đối tượng manh động bị khống chế. Tuy nhiên lợi dụng lúc hiện trường đang hoảng loạn, tên này đã nhanh chân tẩu thoát khỏi hiện trường, bỏ lại hung khí gây án và 1 chiếc điện thoại di động. Bác sỹ Phúc ngay sau đó đã được các đồng nghiệp nhanh chóng cầm máu, cấp cứu.

Nhận được tin báo từ bệnh viện, Công an P.Bình Trưng Tây và Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.2 đã có mặt tại hiện trường để tiếp nhận thông tin, bảo vệ hiện trường và tiến hành truy tìm đối tượng. Theo thông tin từ bệnh viện cung cấp, tại thời điểm có mặt tại khoa cấp cứu, nam thanh niên trên có dấu hiệu sử dụng rượu bia dẫn đến mất kiểm soát bản thân.

Lực lượng bảo vệ tại Bệnh viện Quận 2 được tăng cường nhằm hạn chế tối đa những sự việc bạo lực tương tự có thể xảy ra

Mặc dù sự việc xảy ra khá bất ngờ nhưng các bác sỹ và bảo vệ bệnh viện đã kịp thời xử lý, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các bệnh nhân khác đang có mặt trong phòng cấp cứu. Chứng kiến cảnh tượng này, một bệnh nhân đã không khỏi sửng sốt: “Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy chuyện làm ơn mà bị mắc oán như vậy. Vì trách nhiệm nghề nghiệp mà bác sỹ phải lãnh trọn nhát dao của người mình cứu chữa”.

Cứu bệnh nhân, cứu cả… bác sỹ

Chuyện các y, bác sỹ tại phòng cấp cứu trong một bệnh viện nào đó nhận phải đòn thủ của những kẻ côn đồ, người nhà bệnh nhân hoặc thậm chí là chính bệnh nhân mà mình đã cứu chữa, không phải là một chủ đề xa lạ trong thời gian gần đây.

Chỉ cách đó 1 ngày, tại Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Việt Yên (Bắc Giang), trong quá trình đang xử lý vết thương ở cánh tay và khuỷu tay cho 1 bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Văn Long bất ngờ bị một người (đi trong nhóm của bệnh nhân) cầm máy đo huyết áp ném thẳng vào đầu. Cú ném mạnh khiến bác sỹ Long bị rách da đầu, chảy máu phải khâu 5 mũi, có biểu hiện mờ mắt. Sau khi tấn công bác sĩ, người tấn công đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Tấn công xong, kẻ lạ mặt liền bỏ chạy khỏi bệnh viện trước khi lực lượng công an có mặt.

Trước đó, vào chiều 7-5, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội còn có cả cuộc “đón tiếp” 20 tên côn đồ có trang bị theo hung khí, xông vào truy sát kẻ địch đang cấp cứu tại đây. Chứng kiến toàn bộ câu chuyện, T. cho biết trước đó khi anh đang ngồi ngay cửa ra vào Phòng Cấp cứu – Khoa Ngoại của bệnh viện Nội thì có 3 đưa 1 người mặt bê bết máu đến cấp cứu. Sau khi được các y, bác sỹ lau rửa vết thương, nam thanh niên tiếp tục được nằm tại phòng cấp cứu để theo dõi.

Khoa cấp cứu, hiện trường xảy ra vụ hành hung bác sỹ P. trong chiều 13-7

Đến khoảng 4h sáng, từ bên ngoài cổng bệnh viện, có 20 đối tượng đi trên 7-8 xe máy, cầm hung khi xông vào phòng cấp cứu. Thấy tình hình bất ổn, một bảo vệ rút điện thoại định bấm máy gọi lực lượng công an thì bị 1 trong 20 đối tượng tiến lại ngăn cản. Vào bên trong, vừa thấy “kẻ cần tìm”, chúng liền lao vào dùng dao, kiếm đâm chém liên tiếp vào người, vào cổ nạn nhân. Chỉ đến khi nạn nhân bất động, các đối tượng mới chịu rút đi.

Trước sự hung hăng và manh động của nhóm người này, các bác sỹ đã bị “đứng hình”. Ngay khi chúng rời đi, gần 10 bác sỹ đã khẩn trương cấp cứu cho nạn nhân, người cầm máu, người bơm ô xy cho nạn nhân khiến căn phòng nhốn nháo. “Cũng may, nhờ sự cứu chữa kịp thời của các bác sỹ nên nạn nhân mới qua khỏi cơn nguy kịch. Bệnh viện mà giống như chiến trường vậy. Tất cả diễn ra trong chớp nhoáng và chẳng khác gì thước phim xã hội đen” – a T. kể lại trong thảng thốt.

Bác sỹ Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Q.2 và các nhân viên đang kiểm tra an ninh qua camera.

Các bác sỹ nói gì?

Chiều 14-7, trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, bác sỹ Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, vụ việc xảy ra trong chiều 13-7 gây thương tích cho bác sỹ Phúc là hết sức nghiêm trọng, đe doạ tới an toàn của bệnh nhân lẫn bác sỹ của khoa cấp cứu. “Rất may mắn đã không có bất kỳ một thiệt hại quá nghiêm trọng nào về người và tài sản nào. Nhưng nếu những sự việc tương tự như vậy còn diễn ra nữa thì sẽ rất nguy hiểm” – bác sỹ Tài bày tỏ sự quan ngại.

Nhắc đến tình trạng bạo lực trong phòng cấp cứu, bác sỹ Tài chia sẻ rằng những sự việc như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những đối tượng lạ mặt hay to tiếng, cãi vã và thậm chí là đụng chạm tay chân đối với các bác sỹ xảy ra “như cơm bữa” ở khoa cấp cứu. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý công tác của các cán bộ, công nhân viên đảm trách mảng này.

Camera quay lại cảnh 2 băng nhóm đang thanh toán nhau trong bệnh viện Xuân Lộc, Đồng Nai, hồi tháng 2-2017

“Không chỉ riêng Bệnh viện Quận 2, mà hầu như khoa cấp cứu của bệnh viện nào cũng được xem là bộ phận làm việc căng thẳng và nhạy cảm nhất. Bệnh nhân tìm đến nhờ trợ giúp của bác sỹ thì muôn màu muôn vẻ. Nhưng chỉ cần chúng ta xử lý không khéo thì ngay lập tức sẽ phát sinh sự việc không hay. Trước đây, chúng tôi đã gặp phải nhiều trường hợp như vậy nhưng nghiêm trọng thế này thì là lần đầu tiên” – bác sỹ Tài cho hay.

Để hạn chế tối đa những sự việc nguy hiểm xảy ra như trong chiều 13-7, Phó giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho rằng điều quan trọng nhất là xây dựng ý thức của người bệnh và thân nhân, kế tiếp là việc ứng xử của bác sỹ, y tá và các nhân viên bệnh viện đối với người dân. “Ngoài ra nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc bạo lực tại bệnh viện một phần đến từ rượu bia và các chất kích thích. Nhà nước cần có một cơ chế kiểm soát mới về việc sử dụng rựu bia cũng như việc thắt chặt quản lý an ninh trật tự địa bàn” – bác sỹ Tài nêu kiến nghị.

Bác sỹ N.V.L (Bệnh viện Việt Yên – Bắc Giang) bị côn đồ tấn công rách da đầu vào ngày 12-7

Đồng quan điểm, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cũng khẳng định cần phải thắt chặt quản lý an ninh trật tự địa bàn. Bên cạnh đó, yếu tố giao tiếp giữa bác sỹ với bệnh nhân và gia đình người bệnh cũng cần phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. “Trên thực tế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong những đơn vị y tế tập trung số đông bệnh nhân. Ngay trong quản lý nội bộ, ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã xây dựng những bộ quy tắc ứng xử đối với tập thể cán bộ, y bác sỹ cũng như nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều sự việc diễn ra quá nhanh nhanh khiến tập thể y bác sỹ khó lòng giải quyết ổn thỏa, dẫn đến những sự việc đáng tiếc” – bác sỹ Diệp Bảo Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, một bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kiến nghị cơ quan thực thi pháp luật có có một chế tài xử lý thật nghiêm minh, đồng thời mang tính răn đe giáo dục cao đối với các đối tượng côn đồ, sử dụng bạo lực trong bệnh viện, gây nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân và bác sỹ.

Hung khi nhóm đối tượng để lại sau vụ hỗn chiến tại Bệnh viện Quốc Ánh, Q.Bình Tân, tháng 3-2017

“Bệnh viện là một trong những cơ sở đặc thù, có nhiệm vụ cứu người nên những hành vi côn đồ tuyệt đối không được phép tồn tại. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một chế tài thật nghiêm minh và mang tính răn đe hơn nữa để những sự việc bạo lực tương tự không còn tái diễn trong bệnh viện” – vị bác sỹ này nêu ý kiến.

Bác sỹ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM:

Ngành Y tế và các cơ quan chức năng cần có thêm những biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ - nhân viên trong quá trình cứu người. Tuy nhiên, khi sự việc không may xảy đến, chắc chắn lỗi đều xảy đến từ cả hai phía. Thế nên, việc ứng xử trong môi trường bệnh viện luôn là điều quan trọng nhất cần được lưu ý.

Bác sỹ Lê Thanh Chiến, Giám đốc bệnh viện Trưng Vương TP.HCM:

Một khi các đối tượng đã cố tình gây rối trật tự thì lực lượng bảo vệ của bệnh viện chỉ tiếp cận ban đầu thôi, sau đó thì phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp thì mới có thể giải quyết được rốt ráo được vấn đề.

5 đối tượng chém người tại Bệnh viện Y Hà Nội vào ngày 8-5 tại cơ quan công an

Bệnh viện có cần cảnh vệ túc trực?

Liên quan tới vấn đề này, khi được phóng viên Báo Công an TPHCM đặt câu hỏi: “Tại các mục tiêu như bệnh viện, liệu có cần sự túc trực của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ vào các khung giờ nhạy cảm (như từ 18h đến 5h hằng ngày) nhằm đảm bảo an ninh trật tự?”, đa số các bác sỹ và các nhân viên y tế đều bày tỏ hoan nghênh và tán đồng. “Việc xuất hiện của lực lượng công quyền sẽ đảm bảo tối đa an toàn khi các sự việc xấu xảy ra tại bệnh viện. Rất mong Nhà nước và nghành Y tế xem xét để có các biện pháp đảm bảo an toàn, trật tự tại các bệnh viện” - Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Quận 1 (cơ sở 2) TP.HCM, bày tỏ nguyện vọng.

Giải pháp được cho là hữu hiệu ở đây là tại các bệnh viện, nhất là các khu vực cấp cứu phải luôn có số điện thoại của lực lượng công an địa phương, được gắn ở những nơi dễ nhìn thấy nhất. Đây cũng là giải pháp được Sở Y tế TPHCM triển khai thời gian qua nhằm đảm bảo an ninh tại các bệnh viện trên địa bàn.

 

Ngày 16-3, Tòa án nhân dân quận Bình Tân (TP.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án hai băng nhóm chém nhau tại Bệnh viện Quốc Ánh (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vào tháng đầu tháng 3-2017.

Tòa tuyên phạt Sỳ Vĩnh Sáng (56 tuổi) 8 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Sín Nhộc Giễng (41 tuổi), Sín Hỷ Phí (38 tuổi), Lữ A Dũng (21 tuổi), Nguyễn Thanh Long (17 tuổi), Võ Trung Hậu (17 tuổi), Nguyễn Hoài Phong (16 tuổi), Ngô Trọng Nhân (18 tuổi), Nguyễn Cao Kỳ (18 tuổi), Huỳnh Phú Sang (17 tuổi), Huỳnh Quốc Toàn (18 tuổi), Cổ Vũ Linh (25 tuổi), Cổ Chí Linh (25 tuổi), Trần Minh Đương (29 tuổi) lãnh án từ 2-6 năm tù. Đây mức án nghiêm minh dành cho các đối tượng coi thường pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang