Băng cướp này có hơn 50 đối tượng, sử dụng 15 khẩu súng, 5 lựu đạn, 8 dao găm, 3 ôtô, 41 xe Honda, Vespa, Kawasaki..., gây ra 6 vụ cướp xe chở tiền, 90 vụ cướp trên đường, tại nhà dân, trong nghĩa địa, cướp của người thân...; lấy từ những bao tiền, vàng, kim cương cho đến con gà luộc, nắm xôi...
Ngoài hơn chục đối tượng là cảnh sát dã chiến, lính, quân cảnh… của chế độ cũ, tham gia băng cướp này còn có 4 công an, trong đó có cả cảnh sát hình sự (CSHS) biến chất ở Tây Ninh, TPHCM, 3 bộ đội đào ngũ từ các tỉnh phía Bắc vào và có cả nhân viên thuế chuyên lo trước bạ để hợp thức hóa xe gian.
Suốt 46 năm qua, ở Việt Nam chưa có băng cướp nào đa dạng về thành phần, quy mô, tàn bạo, manh động và tổ chức chặt chẽ như một "công ty" của băng cướp này. Đáng ngạc nhiên hơn khi tướng cướp Võ Tùng Hội khi đó mới 22 tuổi và "phó tướng" là Nguyễn Đoan mới 18 tuổi. (Trừ Võ Tùng Hội, các thành viên còn lại của băng cướp này đều được chúng tôi đổi tên, vì họ đã "trả nợ pháp luật").
Trên các báo điện tử, trang mạng hiện nay, thông tin về băng cướp Võ Tùng Hội có rất ít so với những băng nhóm tội phạm khác gây án ở TPHCM những năm đầu sau ngày 30/4/1975. Đã vậy, đa số các tác giả đều viết là Võ Tùng Hội cùng các đàn em sử dụng "súng AK-47 cưa báng bắn như vãi đạn...".
Thế nhưng trong tài liệu của cơ quan chức năng, tất cả 14 khẩu súng thu giữ từ băng cướp này đều là súng ngắn các loại. Ngoài ra, có thêm khẩu súng thứ 15 là súng trường bán tự động CKC mà băng cướp này cướp từ anh bảo vệ xe chở tiền của hãng đồ hộp Unipac ngày 31/5/1977, nhưng ít được sử dụng vì súng dài hơn 1m, khó cất giấu. Băng cướp này không có khẩu súng AK-47 nào.
Nhầm lẫn thứ hai gọi đây là "băng cướp ngân hàng", trong khi các đối tượng chỉ cướp các xe chở tiền từ ngân hàng, chưa có vụ nào xông vào ngân hàng để cướp. Nhầm lẫn thứ ba là hầu hết các thông tin đều cho rằng băng cướp Võ Tùng Hội do lực lượng "Săn bắt cướp" (gọi tắt là SBC) của Công an TPHCM truy bắt.
Thực ra, trong 3 ngày (07, 08 và 09/12/1977), Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM đã đưa 35 trong tổng số khoảng 50 đối tượng của băng cướp này ra xét xử. Có 15, 16 đối tượng còn lại là tội nhẹ, biết ăn năn hối cải và đóng góp cho quá trình điều tra nên được miễn trách nhiệm hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính. Một số ít đối tượng khác đã bỏ trốn, chờ truy bắt, xử lý sau.
Một trong 6 chiếc xe chở tiền bị Võ Tùng Hội cướp (ảnh sưu tầm)
Như vậy, đến hết ngày 09/12/1977, băng cướp Võ Tùng Hội đã bị "xóa sổ". Trong lúc đó, lực lượng SBC được thành lập theo Chỉ thị số 149/HS-Đ11 vào tháng 3/1978 của lãnh đạo Sở Công an TPHCM (3 tháng sau phiên tòa xét xử băng cướp Võ Tùng Hội). Vì thế, nói chính xác việc triệt phá băng cướp này là chiến công đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng CSHS - Công an TPHCM.
Có 72 người giỏi võ, gan dạ, bản lĩnh trong số CBCS của Phòng CSHS khi đó được tuyển để thành lập 5 Đội SBC đầu tiên, để lại những cái tên đã thành huyền thoại cùng lực lượng SBC, như: Trịnh Thanh Thiệp (Trưởng phòng CSHS, người đề xuất lập các Đội SBC và chỉ huy trực tiếp lực lượng này), Ba Tung (tức Phan Thanh, Đội trưởng), Hai Thành (Võ Tấn Thành, Đội trưởng), Dương Minh Ngọc, Mai Văn Tấn... Những người này đã "diệt" băng cướp Võ Tùng Hội trước khi mang "thương hiệu" SBC!
Võ Tùng Hội còn được gọi là Nghị, sinh năm 1954 tại Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), gia đình sống tại phường 10, Q.Bình Thạnh. Học xong lớp 8, Hội bỏ học, tham gia các băng du đãng. Năm 1974, người cha là đại úy đã đưa Hội vào lính không quân Việt Nam cộng hòa (VNCH), nhưng Hội vừa mặc áo lính, vừa tổ chức các vụ trộm, cướp nên bị quân cảnh bắt giam tại khám Chí Hòa, chờ xét xử.
Khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chính quyền và quân đội VNCH tan rã. Lợi dụng khoảnh khắc giao thời khi quân Giải phóng chưa tiếp quản các trại giam, Hội cùng hàng ngàn trong số hơn 30 vạn lưu manh, du đãng (bị cảnh sát chế độ cũ đưa vào "sổ đen" và nhốt một phần trong các nhà tù) đã phá tù, trốn ra ngoài, gom nhặt vũ khí đang vất đầy đường để tổ chức thành các băng tội phạm nguy hiểm.
Gần 2 năm đầu sau ngày giải phóng, Hội trốn tù ra sống lang thang bằng trộm cắp, cướp giật dây chuyền, đồng hồ, móc túi..., nên quen biết khá nhiều đối tượng tội phạm. Sau khi "sưu tầm" được 2 khẩu súng ngắn, Hội cùng các đối tượng khác thành lập một băng cướp thề "cùng sống, cùng chết", ai phản bội đồng nghĩa là kẻ thù. (Thế nhưng về sau, chính các đối tượng cầm đầu đã "bán đứng" nhau như trong phim hình sự Mỹ, chúng tôi sẽ kể trong các phần tiếp theo của loạt bài này).
Thanh niên Sài Gòn - Gia Định tham gia bảo vệ an ninh trật tự thành phố sau ngày giải phóng (ảnh sưu tầm)
Trong vụ cướp đầu tiên, Hội thủ khẩu súng ngắn Walther P38 do Đức chế tạo (loại súng này các đối tượng tội phạm những năm đầu sau ngày giải phóng rất ưa chuộng; Nguyễn Thanh Tân cầm đầu băng cướp 14 đối tượng, chuyên bắt cóc trẻ em để tống tiền, cũng dùng một khẩu Walther P38 tương tự để sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, gây phẫn nộ trong công chúng). Hội cầm lái xe Honda 67 đã "bùa" (tức đôn dên, xoáy nòng để tăng tốc khi cần), chở Hùng Tắc (SN 1956, bộ đội đào ngũ rồi trốn từ Quảng Ninh vào TPHCM tham gia băng cướp). Hùng Tắc thủ khẩu Colt 45. Một đồng bọn tên Quế chạy chiếc xe máy khác theo hỗ trợ.
Theo kế hoạch bàn bạc kỹ, các đối tượng sẽ giả người chạy xe ôm, khách đứng chờ trước ngân hàng thành phố trên đường Hàm Nghi (Q1). Khi có ôtô của các cơ quan, doanh nghiệp đến ngân hàng lãnh tiền, cả nhóm sẽ đeo bám theo, chờ cơ hội cướp tiền.
Lúc 9 giờ ngày 08/01/1977, chiếc ôtô 4 chỗ của hãng bột giặt Viso sau khi lãnh tiền xong chạy về hướngThủ Đức, nhóm cướp lập tức bám theo. Đi gần hết Xa lộ Biên Hòa, xe chở tiền rẽ vào cư xá Kiến Thiết Thủ Đức thì xe của Quế chạy trước bất ngờ tắt máy, tạt vào lề. Hội lái "xế bùa" Honda 67 phóng lên thì Quế với vẻ mặt thất vọng chỉ vào xe máy, ra dấu xe bị hư, không thể chạy được nữa. Hội vẫn bám theo xe chở tiền, nói vọng ra sau trong tiếng gió ù ù: "Tao với mày đủ sức chơi rồi...". Hùng Tắc vỗ lưng Hội, cười ha hả, nói to: "Khỏi chia phần cho nó (tức Quế - PV) thì tao với mày càng ngon...".
Hội gật đầu rồi tăng tốc vượt lên xe chở tiền, nói nhỏ: "Chuẩn bị hành động"... Hùng Tắc rút khẩu K54 ra lên đạn. Hội tấp xe chặn đầu ôtô chở tiền, Hùng Tắc chĩa súng vào tài xế ôtô, buộc tấp vào lề. Ôtô chưa dừng hẳn, Hùng Tắc nhảy xuống xe Honda, chạy tới mở cửa ôtô, chĩa súng vào để khống chế những người trên xe rồi giật bao tiền, nhảy lên xe của Hội chờ sẵn. Chỉ hơn một giây sau, hai đối tượng cùng bao tiền đã mất hút theo tiếng máy rú chiếc "xế bùa" phóng với vận tốc hơn trăm cây số một giờ.
Những nạn nhân trên ôtô lúc này mới hoàn hồn, mở cửa xe, bước xuống và tri hô. Khi về tới "sào huyệt", Hội và Hùng Tắc mở bao tiền ra đếm được 20.020 đồng (đây là số tiền rất lớn vào thời đó, bởi một xe Honda cướp được sau khi làm giấy tờ giả chỉ bán được từ 500 - 600 đồng, xe Vespa Sprint từ 1.000 - 1.400 đồng). Hội và Hùng Tắc chia mỗi người một nửa, không cho Quế xu nào, dù Quế có lý do "chính đáng" là xe hư trước giờ gây án.
Khẩu Walther P38 tướng cướp Võ Tùng Hội dùng để gây án
Mười một ngày sau, khi đã "ăn chơi, đập phá” hết số tiền cướp được, Hội lại tập hợp đồng bọn, bàn bạc chuẩn bị vụ cướp thứ hai. Lần này, ngoài 2 xe Honda 67 đã "bùa", Hội tăng cường thêm một xe Lambretta và khẩu súng K57. Về nhân sự, ngoài Hội và Hùng Tắc còn có Nguyễn Đoan (từng đỗ tú tài và là kẻ "ăn bay", tức đi xe máy "bùa" để giật túi xách, đồng hồ trên đường phố rất thành thạo). Đoan nhỏ hơn Hội 3 tuổi, nhưng manh động, liều lĩnh và tàn ác thì có khi Hội phải xếp phía sau. Dương Tấn (lớn hơn Hội 4 tuổi), một đối tượng tên Anh và đặc biệt là Thái Hiệp (du đãng, lưu manh, chuyên trộm cướp, từng bị cảnh sát chế độ cũ bắt giam vào năm 1973).
Ngày 30/4/1975, khi chế độ VNCH sụp đổ, Hiệp cùng Hội và hàng ngàn đối tượng tội phạm khác phá nhà giam, trốn ra ngoài. Trong lúc các đối tượng du đãng khác tiếp tục gây tội ác thì Hiệp khai lý lịch giả để vào ngành công an, được làm cảnh sát giao thông. Nhưng chỉ làm được khoảng một năm thì Hiệp được Võ Tùng Hội rủ rê nên mang súng của đơn vị cấp để làm nhiệm vụ đi chi viện cho băng cướp.
Vụ việc này bị một số bà con cùng xóm với Hiệp phát giác, báo với lãnh đạo Công an TPHCM. Cấp trên đình chỉ công tác và buộc Hiệp viết tường trình về công việc, sinh hoạt trong khung thời gian bị nghi vấn. Hiệp sợ bị lộ nên bỏ đơn vị, tham gia hẳn vào băng cướp Võ Tùng Hội, được Hội tin tưởng chọn vào đội hình cướp xe chở tiền lần thứ hai. Nhóm cướp có 6 đối tượng, 3 "xế bùa", 3 súng ngắn (Hội vẫn thích xài khẩu Walther P38 quen tay, còn Hiệp giữ súng K57, Hùng Tắc giữ khẩu K54 như vụ trước)...
Nhóm Hội quay lại ngân hàng thành phố trên đường Hàm Nghi (Q1) "canh me" chiếc ôtô Toyota của Công ty Xây dựng Vĩnh Hưng đến rút tiền về trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Chờ cho bao tiền được đưa lên ôtô, chiếc xe chở tiền vừa lăn bánh thì 3 "xế bùa" chở 6 đối tượng bám theo. Khi gần đến cổng Công ty Vĩnh Hưng trên đường Hai Bà Trưng (Q3), ôtô bật đèn xi nhan, chạy chậm lại để quẹo vào công ty thì Hội liền cập xe bên phải, Tấn cập xe bên trái, để hai đối tượng ngồi sau là Hùng Tắc, Hiệp nhảy lên xe chở tiền, rút súng khống chế, uy hiếp những người trên xe này. Hiệp cướp bao tiền, nhảy xuống ôtô, leo lên "xế bùa" của Tấn rồi cùng phóng đi. Hai "xế bùa" của Hội, Đoan, Hùng, Anh chạy sau để "cản địa" và chống đối nếu bị truy đuổi.
Cũng như lần trước, lần này băng cướp của Hội gây án quá nhanh rồi cũng mất hút trên đường phố đông đúc, cướp gọn bao tiền chứa 18.800 đồng, gây bàng hoàng, kinh hãi cho các nạn nhân và người đi đường. Sau khi về đến "sào huyệt", mỗi đối tượng tham gia được chia 3.600 đồng. Còn dư 800 đồng nhóm này mua thêm 1 khẩu Walther P38, 1 khẩu Colt 45 để mở rộng chuyện "làm ăn" và tiệc tùng xả láng.
Vụ cướp trên xảy ra vào sáng 29/01/1977 trên đường Hai Bà Trưng ngay trung tâm thành phố đông đúc, cho thấy băng cướp rất liều lĩnh, manh động, tinh vi. Ba "xế bùa" đã "ăn hàng" xong thì dàn đội hình "bay" giữa đường phố với tiếng máy gầm vang động, xả khói mù mịt với tốc độc hơn 100 cây số/giờ... Khi báo chí, đài truyền thanh đưa tin về 2 vụ cướp xe chở tiền, các đơn vị đi lãnh tiền bắt đầu có thêm nhân viên bảo vệ và trang bị cả súng trên xe chở tiền. Lực lượng Công an cũng áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để đối phó. Trong lúc đó, băng cướp vẫn hí hửng sau 2 vụ cướp trên, tiếp tục lên kế hoạch cho vụ cướp xe chở tiền lần thứ ba...
(Còn tiếp...)