Hành khách than trời vì giá dịch vụ sân bay "trên mây":

Kỳ cuối: Cần bỏ độc quyền dịch vụ

Thứ Ba, 09/05/2023 11:51

|

(CATP) Mới đây, chúng tôi nhận được ý kiến của ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena (TPHCM) - góp thêm góc nhìn khách quan về giá DV tại các SB trong cả nước.

Thiệt hại cho hành khách

Thị trường hàng không tại Việt Nam sôi động với nhiều hãng đang khai thác hàng ngàn chuyến bay nội địa và quốc tế, phục vụ hàng chục ngàn HK mỗi ngày trên các SB khắp cả nước. Điều này thể hiện nhu cầu vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam, cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến nước ta. Với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, ngoài các vấn đề cần đầu tư, nâng cấp và chuẩn bị như: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... thì việc nâng cao chất lượng DV mặt đất tại các SB cũng cần được lưu tâm.

Các DV mặt đất tại SB gồm: xây dựng kế hoạch bay, kỹ thuật sân đỗ, phục vụ HK, hành lý, vệ sinh MB, DV hỗ trợ, DV ăn uống cho HK... Trên thực tế, các DV này chủ yếu do Công ty CP phục vụ mặt đất Hà Nội và Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn đảm nhận. Đáng chú ý, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị quản lý hơn 20 SB của cả nước đều có cổ phần tại 2 đơn vị trên. Điều đó dẫn đến sự độc quyền trong cung cấp DV, làm giá cả các DV như ăn uống cho HK cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung bên ngoài SB.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena

Để duy trì hoạt động của các SB thì việc thu các loại phí DV là điều bình thường, nhưng việc đang tồn tại quá nhiều loại phí với mức thu của không ít trong số này hiện ở mức cao đã và đang trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không. Trong khi đó, vì tính chất độc quyền nên các hãng hàng không chẳng còn sự lựa chọn, không tìm được nhà cung cấp DV khác đàm phán để có giá tốt hơn.

Chính vì thế, các hãng hàng không đẩy các loại phí đó vào giá vé MB thì đến cuối cùng, những khoản phí này đều đi ra từ túi HK và đương nhiên, khách hàng đi MB vẫn là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.

Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số DV chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, SB Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định; trong số này có 5 loại DV do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại DV do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại DV phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.

Chai nước khoáng loại 330ml giá 65 nghìn đồng ở Sân bay Nội Bài

Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện của cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không. Hiện nay trong giá vé MB có 2 khoản thu mà các hãng hàng không đang thu hộ cho ACV khi bán vé, bởi ACV là đơn vị đang khai thác, quản lý hơn 20 SB. Theo tính toán, trung bình mỗi khách đi MB thì ACV sẽ "bỏ túi" một khoản gồm phí DV cảng 100.000 đồng/khách đi nội địa và 25 USD/khách (khoảng 600.000 đồng) đi quốc tế ở các SB: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...

Cho dù các hãng hàng không thường xuyên điều chỉnh giá vé lên - xuống theo từng thời điểm để bảo đảm tính cạnh tranh, song các loại DV sân bay mà các hãng hàng không phải chịu vẫn phải áp theo mức được quy định và thu đều đều. Điều này dẫn đến tình trạng dù rất muốn giảm giá vé để thu hút khách hàng, nhưng nhiều hãng hàng không vẫn phải chấp nhận đặt giá ở mức không thể rẻ như kỳ vọng khi mỗi tờ vé MB phải "cõng" thêm nhiều loại phí DV sân bay.

Đó là chưa kể các khoản "độc quyền" mà ACV áp đặt cho HK như "độc quyền" hãng taxi đưa đón khách, "độc quyền" cho thuê mặt bằng, "độc quyền" các DV ăn uống trong SB với mức giá cao hơn bên ngoài nhiều lần. Và tất nhiên, các khoản phí "độc quyền" cao ngất này cuối cùng HK đi MB vẫn là những người phải chịu!

Tô mì giá 60 nghìn đồng tại Sân bay Cam Ranh

Cần loại bỏ độc quyền

Việc nâng cao chất lượng DV tại các SB cần được làm tốt và mỗi ngày phải tốt hơn nữa, vì SB và hàng không không chỉ là nơi vận chuyển HK mà còn là cửa ngõ để bạn bè, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đánh giá tốt - xấu, tích cực hay chưa tích cực khi họ đến Việt Nam. Do tính quan trọng và là cửa ngõ giao tiếp quốc tế nên DV ở SB phải luôn tốt, luôn trong trạng thái chỉn chu. Tuy nhiên, việc độc quyền, không có sự lựa chọn DV, không có sự cạnh tranh và minh bạch thông tin thì về lâu dài cũng không tốt cho sự phát triển, thậm chí còn gây thiệt hại cho những ngành nghề khác như du lịch, thu hút đầu tư... Cụ thể, tình trạng độc quyền DV ở SB với nhiều chi phí cao đang "móc túi" HK đi MB cũng như trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không.

Điều đáng lo nhất hiện nay là sự độc quyền của các SB, bởi nơi này không có đối thủ cạnh tranh. Chính vì độc quyền nên mới có chuyện các SB có thể đưa ra loại phí một cách tùy ý. Sân bay đang độc quyền, Nhà nước cần phải can thiệp, phải kiểm soát ngay. Đây mới là điều cần phải làm, phải lo ngay vào lúc này.

Hành khách chen chúc lên máy bay dịp lễ vừa qua
Ra khỏi Sân bay Tân Sơn Nhất hành khách mệt mỏi vì giá dịch vụ, còn phải vất vả đón xe

Từ vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc phá bỏ thế độc quyền DV sân bay là điều cần thiết và mong sớm được triển khai. Nếu phá bỏ thế độc quyền, có nhiều đơn vị cung cấp DV thì việc giảm các loại phí và DV tại SB chắc chắn sẽ diễn ra, điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho các hãng hàng không và HK đi MB. Khi đó, Nhà nước chẳng những thể hiện vai trò tạo sân chơi công bằng, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, mà còn có thể thu lợi thêm từ các nguồn khác như thu hút thêm HK, du khách, nhà đầu tư quốc tế. Trường hợp ngược lại, khi phí SB quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé MB buộc phải đẩy cao lên, khách đi MB, du khách, nhà đầu tư vì thế cũng ít đi hơn và thất thu chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo ông Thắng, cần phải đẩy nhanh việc xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không, bởi chỉ có phá được thế độc quyền này thì mới tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó các loại phí mới giảm, chất lượng phục vụ ở các SB mới được cải thiện, khách hàng hưởng lợi. Điều này tương tự việc phá bỏ thế độc quyền trong lĩnh vực Viễn thông, trước đây chỉ có mình VNPT độc quyền cung cấp DV, nay thì có nhiều đơn vị khác cùng tham gia như Viettel, MobiFone, Gtel... Và người dân được hưởng DV tốt hơn, giá cả giảm hơn rất nhiều so với lúc chỉ có VNPT độc quyền.

Giá chai nước "tí hon" 65 nghìn đồng

Sáng 07/5/2023, một HK mua chai nước khoáng Evian loại 330ml, nhập của Pháp bởi Công ty An Nam (41 đường Thảo Điền, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) tại CH Sky, nhà ga T1, Sân bay Nội Bài đã té ngửa khi phải trả 65 nghìn đồng. Trên trang web của Pharmacity, chai nước loại 500ml này có giá niêm yết là 18,5 nghìn đồng, loại 330ml không thể vượt qua 15 nghìn đồng. Trên một số trang web khác, 1 thùng 24 chai, loại 330ml, giá 600 nghìn đồng, giá 1 chai là 25 nghìn đồng. Như vậy, giá trong SB Nội Bài cao hơn 4 lần so với bên ngoài. Tại SB Cam Ranh (Khánh Hòa), CH Cias Co cũng lấy giá 1 tô mì với vài miếng thịt bò "mỏng manh" là 60 nghìn đồng, gây bức xúc cho HK.

Bình luận (0)

Lên đầu trang