(CATP) Nhiều ý kiến của bạn đọc bức xúc về giá "chặt, chém" tại các SB gửi về tòa soạn trong những ngày qua cho thấy không ai đồng ý với giá DV hiện nay. Việc phản ánh của chúng tôi đã chạm tới nỗi niềm âm ỉ suốt thời gian dài của hàng vạn HK đã và đang có mặt tại các SB mỗi ngày, mỗi giờ.
Giá bán đã được "mặc định" (!)
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ TP.Thủ Đức - TPHCM), độc giả trung thành của Chuyên đề Công an TPHCM - cho rằng, giá cả thị trường dù có lúc "té nước theo mưa" hoặc "ăn theo" mức tăng phi mã của một số mặt hàng, nhưng cũng biết "hạ nhiệt" cho phù hợp với tình hình. Chỉ riêng giá bán ra của DV ăn uống tại một số cảng hàng không dường như vẫn "mặc định" ở mức... chót vót! Công bằng mà nói, 2 SB Tân Sơn Nhất và Nội Bài vừa qua đã rất nỗ lực "làm mới" mình: quyết liệt dẹp nạn cò mồi chèo kéo, "chặt, chém" HK đi xe ôm, taxi; đồng thời cải tiến thủ tục, tăng thêm nhiều tiện ích phục vụ "Thượng đế”.
Đa số CH kinh doanh ăn uống khu vực ga quốc nội của SB Nội Bài đều niêm yết: phở bò 238.000 đồng/bát (tô), bánh mì thịt 110.000 đồng/ổ... Điều khó hiểu ở chỗ hình vẽ của tô phở rất "hoành tráng", bắt mắt, đầy ắp thịt, nhưng dòng chữ ghi giá thành lại quá "khiêm tốn", phải ghé sát vào mới đọc được, còn chất lượng món ăn cũng chưa tương xứng với "poster" quảng cáo trên tấm phông lớn. Trong thời gian chờ lên MB, đúng vào giờ ăn, nhiều HK định dùng bữa cho chắc bụng để yên tâm khởi hành, thế nhưng phần lớn trong số họ vừa bước vào đã tái mặt quay ra sau khi khảo sát giá cả.
Thật đáng tiếc bởi nếu chi phí hợp lý, nguồn khách mỗi ngày tại đây sẽ rất đông và ổn định; hạ giá xuống mức chấp nhận được, dù tiền lãi giảm nhưng chắc chắn doanh số bán ra sẽ cao gấp nhiều lần và tất nhiên lợi nhuận cũng tăng lên. Một vài người dạo quanh các quầy tạp hóa gần đó định mua "thức ăn nhanh" đóng gói sẵn với mức giá mềm hơn, nhưng rồi cũng nhanh chóng thất vọng vì 1 hộp bánh dày (khẩu phần đủ 1 người ăn) cũng hơn 100.000 đồng.
Anh Nguyễn Thanh Bình tại một sân bay Hàn Quốc
Hành khách mua vé giá rẻ, bay chặng TPHCM - Hà Nội, tính cả khứ hồi chỉ hết 3 triệu đồng/người, đồng nghĩa với bằng 12 tô phở tại SB, càng so sánh càng lộ rõ sự bất hợp lý. Những khách cố ý "săn" vé MB giá "sale sập sàn" chẳng lý do gì họ lại đi ăn 1 bữa ngang với 1/12 quãng đường di chuyển.
Máy nước uống miễn phí đã được lắp đặt trong phòng đợi, nhưng hầu như ít ai sử dụng, bởi lẽ cách "thưởng thức" khá phiền phức: không thể đưa ly hoặc chai vào đựng, chỉ có cách duy nhất là ghé miệng sát vào chờ hứng lấy dòng nước phun ra (đúng theo hướng dẫn sử dụng), kiểu "tiêu thụ sản phẩm" khá hài hước và rất dễ sặc, với trẻ em lại càng khó thực hiện hơn. Những người quên mang theo nước uống đành bất đắc dĩ mua 20.000 đồng/chai nhựa 500ml.
Quầy nước uống miễn phí tại Sân bay Phù Cát (Bình Định)
Trông người mà ngẫm đến ta!
Chẳng ai muốn so sánh với SB của nhiều quốc gia khác, thế nhưng không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến chất lượng DV và giá cả ở cảng hàng không nước bạn. Dùng từ "một trời một vực" cũng không hề quá lời!
Năm 2016, anh Bình có dịp sang Thái Lan, nhiều du khách Việt Nam khi ra đến SB quốc tế ở thủ đô Bangkok chuẩn bị về nước mới sực nhớ quên mua một số món hàng và đã được hướng dẫn viên trấn an: "Trong SB, hàng hóa rất phong phú về chủng loại, đặc biệt giá cả không chênh lệch bao nhiêu so với bên ngoài". Quả thật, từ thức ăn, quà lưu niệm đến những món hàng cao cấp, giá niêm yết không nhỉnh hơn các siêu thị là bao. Những HK đi công tác ít có thời gian mua sắm, cứ việc tận dụng lúc chờ lên MB để mua quà, sự phân biệt giá cả giữa SB với hệ thống bán lẻ trên thị trường hầu như không tồn tại.
Năm 2018, anh Bình ghé SB quốc tế Incheon (Hàn Quốc), nữ hướng dẫn viên xinh đẹp người Việt "thường trú” để hành nghề tại nước bạn khẳng định chắc nịch: "Trong SB, chỉ cần phát hiện 1 chai nước bán với giá cao hơn siêu thị, HK báo cho nhà chức trách sẽ được hoàn tiền kèm theo lời xin lỗi. Chủ CH bán với giá "chát" sẽ nhận mức phạt rất nặng; lần thứ hai sẽ bị "rút phép thông công". Thế cho nên, rất dễ hiểu khi các điểm kinh doanh ở SB vẫn tấp nập người mua, HK ung dung ăn uống tại chỗ mà không phải lỉnh kỉnh tay xách nách mang thực phẩm dự phòng.
Cửa hàng bán thức uống tại Sân bay Phù Cát (Bình Định)
Sân bay Tân Sơn Nhất luôn đông đúc hành khách
Ai cũng hiểu giá thuê mặt bằng trong khuôn viên cảng hàng không luôn ở mức "trên trời", do đó người kinh doanh buộc phải bán giá cao mới bảo đảm có lãi. Dẫu vậy, vẫn cần điều chỉnh sao cho "thuận mua, vừa bán", thước đo của nghệ thuật kinh doanh nằm ở hiệu quả, không nên "bóc ngắn cắn dài. Bán giá "chót vót" chưa chắc thu nhiều lợi nhuận, gây "bão giá” đồng nghĩa tự lấy đá ghè chân mình. Linh hoạt giảm một phần hóa đơn song lại có tác dụng thu hút nhiều người mua. Mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt khách, chỉ cần mỗi người mua 1 chai nước, sức tiêu thụ sẽ rất dồi dào, lúc bấy giờ chữ "tín" và chữ "tiền" vẫn được vẹn cả đôi đường.
Đơn vị cho thuê cũng cần áp dụng khung giá theo từng thời điểm tương ứng với tình hình thị trường, thậm chí của nền kinh tế; chia sẻ cùng người thuê sẽ có tác dụng giảm bớt gánh nặng giá thành sản phẩm lên khách hàng. Xét về lâu dài, hai bên đều có lợi. Cảng hàng không quốc tế là bộ mặt quốc gia, nơi đầu tiên du khách đặt chân đến, vì thế giá DV tại đây là chuyện tuy nhỏ song không hề nhỏ, thiếu sự quyết liệt chấn chỉnh của cơ quan quản lý sẽ vô tình khiến cho khách "một đi không trở lại", thiệt hại to lớn này chẳng thể nào tính được!
(Còn tiếp...)