Chuyện khó tin về băng cướp lớn nhất Việt Nam:

Kỳ 2: "Bản sao" của Papillon!

Thứ Năm, 11/05/2023 16:46

|

(CATP) Hơn tuần lễ sau khi gây ra vụ cướp xe chở tiền thứ hai, Võ Tùng Hội tổ chức vụ cướp thứ ba vào ngày 07/02/1977. Cũng như 2 lần trước, băng cướp này ngụy trang thành người lái xe ôm, khách vãng lai, rình rập trước ngân hàng thành phố trên đường Hàm Nghi (Q1). Lần này, nhóm đối tượng nhắm đến chiếc ôtô Toyota của Công ty Dệt Đông Á đi rút tiền ngân hàng.

Võ Tùng Hội cùng Văn Thắng (cựu trung sĩ Sư đoàn 7 quân VNCH, sau ngày 30/4/1975 thì Thắng về quê ở Kiên Giang làm ngư phủ, chán cảnh sông nước nên bỏ thuyền, bỏ lưới, đến Sài Gòn nhập băng cướp với Hội), Dương Tấn (ngụ tỉnh Sông Bé cũ), Bùi Tiến (bộ đội xuất ngũ từ Hải Phòng vào TPHCM tìm việc làm, được Hội tuyển mộ vì bắn súng giỏi). Bốn đối tượng thủ 4 khẩu súng ngắn, chở nhau trên 2 "xế bùa", bám theo chiếc xe chở tiền.

Khi ôtô về đến cổng Công ty Dệt Đông Á thì nhóm Hội cho xe vượt lên chặn đầu, ép bên hông, chĩa súng khống chế tài xế, buộc dừng xe. Bốn đối tượng đồng loạt uy hiếp những người đi trên ôtô. Nhưng sau 2 vụ cướp xe chở tiền trước đó được báo, đài thông tin, chiếc xe chở tiền này được tăng cường thêm anh Dân làm vệ sĩ. Anh Dân rút súng chĩa thẳng vào đối tượng xông lên trước là Thắng, buộc phải buông súng đầu hàng. Nhưng Thắng vẫn lì lợm giật bao tiền trong tay anh Dân, ném xuống đường cho đồng bọn rồi ôm vật anh Dân.

Hai bên đánh trả nhau quyết liệt, súng trên tay anh Dân bị cướp cò gây tiếng nổ lớn, viên đạn bắn xuyên nóc ôtô. Hàng trăm công nhân trong nhà xưởng nghe tiếng nổ cùng tiếng tri hô "Cướp... Cướp..." của anh Dân và tài xế, liền ào ra với gậy gộc, vật dụng khả chiến trong tay. Nhóm cướp dù có tới 4 đối tượng với 4 khẩu súng, nhưng thấy khí thế của anh em công nhân quá đông, quá dữ nên vất lại bao tiền chứa 38.400 đồng (tương đương 620 tháng lương kỹ sư hoặc giảng viên đại học lúc đó).

Sa lưới khi đang nhậu

Rất cay cú nên hôm sau (ngày 08/02/1977), Võ Tùng Hội triệu tập các "chiến hữu" thân thiết như: Nguyễn Đoan, Dương Tấn, Văn Thắng đến một quán nhậu ở bến Chương Dương (Q1) để "ăn chơi xả xui" và bàn kế hoạch "làm ăn". Cả nhóm bàn tán sôi nổi rồi thống nhất sẽ tiếp tục cướp các ôtô chở tiền vì dễ dàng và "khẳm địa" (nhiều tiền). Các đối tượng mải mê ăn nhậu, say sưa tự mãn với các "chiến tích" mà không hề biết rằng đã bị lực lượng công an vây chặt. Đây không phải là đợt ra quân đột xuất theo tin cung cấp bất ngờ mà là kết quả của một kế hoạch được trinh sát, chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước đó.

Hai vụ cướp xe chở tiền giữa ban ngày trên đường phố đông đúc của băng cướp Võ Tùng Hội khác nào một lời thách thức với lực lượng trị an của thành phố hơn 3 triệu dân (vào thời điểm 1977 - 1978). Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TPHCM dù rất bận rộn vẫn chú trọng điều tra, triệt phá băng cướp này.

Các trinh sát thiện chiến nhất của Phòng CSHS (sau này được tuyển chọn vào lực lượng "Săn bắt cướp" - SBC) đã dày công tìm hiểu về một nhóm thanh niên ăn mặc kiểu Hippie, tiền bạc dồi dào, thường đi xe Honda 67, Vespa Sprint, Lambretta đến nhà hàng 304, gọi toàn món ăn sang, rượu bia, thuốc lá đắt tiền, ăn uống lãng phí giữa lúc thành phố và đất nước đang gánh chịu khó khăn sau chiến tranh, gây chú ý cho mọi người.

Nhóm này bị đưa vào tầm ngắm của Phòng CSHS cũng là chuyện dễ hiểu, nhất là khi vấn đề trị an đang nhức nhối, với hàng trăm tổ chức tội phạm, mỗi ngày gây ra trên dưới 36 vụ phạm pháp hình sự trong giai đoạn từ tháng 5/1975 đến tháng 10/1979.

Dựng lại hiện trường một vụ cướp xe chở tiền (Ảnh sưu tầm)

Trong nhà hàng 304, các vị khách xài tiền như lá khoai (vì mỗi vụ cướp bằng cả ngàn tháng lương công nhân) đang say ngất ngư thì hàng chục trinh sát xã hội hóa đồng loạt ập vào như cơn lốc. Cả bốn đối tượng đều có súng giắt sau lưng hoặc trước bụng, nhưng không kịp rút ra "tử chiến" với lực lượng Công an như nhóm này từng thề với nhau. Cả bốn bị còng tay, đưa lên xe chở về trại giam. Lực lượng Công an tạm giữ 4 súng cùng 4 "xế bùa" là phương tiện gây án của nhóm đối tượng.

Cứ tưởng từ đây cái tên "Võ Tùng Hội" cùng băng nhóm của Hội sẽ "đi vào dĩ vãng" như cách nói sến sẩm của giới giang hồ thời đó. Ai ngờ Hội đã đọc sách, xem phim hình sự rất nhiều nên học hỏi không ít mánh lới. Đã vậy, Hội từng ở tù từ thời chế độ cũ nên càng tinh ranh, ma mãnh. Đối tượng này lại gặp Nguyễn Nghiệp, tuy học vấn rất thấp nhưng lòng tham thì rất cao. Nguyễn Nghiệp nhỏ hơn Võ Tùng Hội 1 tuổi. Sau ngày giải phóng, Nghiệp với văn hóa lớp 4 tự khai, còn trình độ thực chỉ biết đọc, biết viết lõm bõm, nhưng vẫn xin vào được ngành công an và công tác tại Phòng CSHS - Sở Công an TPHCM nhờ lý lịch tốt. Trong buổi giao thời khi chiến tranh vừa kết thúc, đôi lúc phải chấp nhận "hồng" quý hơn "chuyên", dù điều này có khi sẽ để lại hậu quả khó lường.

Nguyễn Nghiệp nhiều lần lợi dụng sắc phục công an, ra đường chặn bắt người rồi hù dọa "tịch thu tài sản". Một hôm đang đi bộ trên đường Nguyễn Trãi (Q1), Nghiệp thấy một thanh niên lái xe máy ngang qua, liền thổi "tu huýt" yêu cầu dừng lại. Nghiệp viện cớ nghi là xe gian nên tạm giữ xe để điều tra. Chủ xe là anh Giang Khánh Đào ấm ức, làm đơn tố giác Nghiệp với lãnh đạo Phòng CSHS. Đơn vị này tiến hành xác minh, thấy Nghiệp ung dung sử dụng xe của nạn nhân và giải thích vì "bận quá chưa kịp báo cáo chỉ huy" về vụ tạm giữ xe. Lãnh đạo Phòng CSHS xử lý rất cương quyết, trả xe cho nạn nhân và bắt tạm giam Nghiệp.

Nhóm Võ Tùng Hội, Nguyễn Đoan, Văn Thắng, Dương Tấn bị bắt tại nhà hàng trên bến Chương Dương với đầy đủ tang vật gây án là 4 "xế bùa" và 4 khẩu súng, bị đưa về giam chung phòng với Nguyễn Nghiệp. Vừa gặp mặt, Nghiệp cao giọng hỏi:

- Bọn mày có biết tao là ai không?

Nhóm cướp hung dữ bực bội với cách lên mặt, hống hách của Nghiệp, định "cho một trận đòn hội đồng" thì Nghiệp vỗ ngực, cười lớn:

- Nói cho tụi bây biết, tao là "cớm chìm" trong phòng giam này, đang làm nhiệm vụ, nên thằng nào muốn sống, muốn chết cứ nói với tao!

"Lễ vật" bất ngờ

Những kẻ cướp từng chịu tù tội dĩ nhiên không lạ gì các biện pháp của cảnh sát chế độ cũ mà giới giang hồ gọi là "gài ăng-ten" nên cũng ngờ ngợ với Nghiệp, vội dừng tay, không đánh. Nghiệp được dịp "nổ" đủ điều về các hoạt động của CSHS cũng như của tội phạm. Dù gì Nghiệp cũng được tham gia vào vài vụ án nên "nói có sách mách có chứng". Đã vậy, một số cán bộ quản giáo trong trại tạm giam trước đây đều biết Nghiệp là CSHS, giờ nghe Nghiệp nói rằng "vào tù để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao" nên họ tuy nửa tin nửa ngờ, nhưng vẫn nể nang Nghiệp. Do đó, Nghiệp được một số ưu tiên so với những phạm nhân khác.

Tất cả chuyện này dần dần làm cho Võ Tùng Hội và đồng bọn ngày càng tin tưởng Nghiệp hơn, nhất là khi Hội nhờ Nghiệp hỏi một số thông tin về những đối tượng chung băng nhóm và được Nghiệp trả lời chính xác. Khi đã công nhận Nguyễn Nghiệp là "cớm chìm", băng nhóm của Hội lập tức chia nhau đấm bóp cho "đại ca" Nghiệp, làm tất cả việc gì "đại ca" sai và cũng tâm sự với "đại ca" về chuyện "làm ăn" (cướp tài sản) đang rất triển vọng, nếu "đại ca" giúp được để thoát ra ngoài thì sẽ trả ơn. Nghiệp đang nằm lim dim tận hưởng màn nịnh nọt, đấm bóp, nghe vậy liền bật dậy, sáng mắt, hỏi thẳng:

- Tụi bây trả ơn bằng cách nào?

Võ Tùng Hội tươi cười:

- Thì "đại ca" được chia phần...

Nghiệp suy nghĩ một lát rồi nhìn vào mắt Hội, nhả từng lời rất đáng giá:

- Đưa tụi bây ra khỏi đây dễ như trở bàn tay. Nhưng có gì làm tin là tụi bây "chơi đẹp" không?

Đoan, Thắng, Tấn nhìn Hội lo lắng. Các đối tượng đang mơ ước được "tung cánh đại bàng" sau khi thoát khỏi song sắt này như lời hứa của "cớm chìm", nhưng trong hoàn cảnh này là rất khó. Nếu ở bên ngoài, chỉ trong 24 tiếng, sau vài phát súng và mấy vòng lượn "xế bùa", nhóm này có cả bao tiền, đủ mua những gì mình thích. Còn ở trong trại tạm giam, một xu cũng không có thì lấy đâu ra "lễ vật" để làm tin với Nghiệp? Nhưng Hội rất tự tin làm cả bọn ngạc nhiên. Hội chấp tay, kính cẩn nói với Nghiệp:

- Em có một ít "sở hụi" thay mặt anh em đa tạ "đại ca"!

Nghiệp nhìn Hội, cười khẩy:

- Tao biết tụi bây ngoài đời rất giàu, xài cả bao tiền, vàng bốc từng bụm... Nhưng trước khi vào đây, thằng nào cũng bị kiểm tra tới từng cái răng thì lấy gì làm "sở hụi"? Mày mà lừa tao thì cả bọn cứ ở đây chờ lãnh án "mút khung" (tức chung thân) hoặc "dựa cột" (tức tử hình - PV) nhé!

Đám đàn em phát hoảng với lời hù dọa đó, nhìn Hội lo lắng. Hội cười, thản nhiên nói với Nghiệp:

- "Đại ca" xin giúp em viên thuốc xổ của y tế trại được không?

Nghiệp trợn mắt:

- Đừng nói trong bụng mày có vàng nghe. Tao không thích giỡn...

Hội cười:

- Tụi này đang trong tay "đại ca", sao dám giỡn mặt được?

Nghiệp suy nghĩ một lát rồi ra nắm song sắt, la to qua lỗ thông hơi:

- Có thằng sắp "ngoẻo" vì ngạt thở, chướng bụng. Xin cấp cứu một viên thuốc xổ!

Uống thuốc xổ chừng hơn một tiếng, Hội từ chỗ vệ sinh bước ra với 40 đồng và sợi dây chuyền vàng 5 chỉ mới được rửa sáng bóng. Hội đặt hết vào tay Nghiệp, giọng lạnh lùng:

- "Đại ca" cần thứ gì anh em tui đều đã đáp ứng. Mong "đại ca" giữ lời để sau này ra đời mình vẫn là anh em.

Nghiệp lấy cả tiền lẫn vàng trên bàn tay run run của Hội:

- Tao phục mày rồi! Sẽ mở cửa sắt cho tụi bây thoát ra ngoài. Nhưng mày có thể kể tao nghe để học tập không?

Hội gật đầu, lấy ca nước uống một ngụm:

- Hồi đó, mấy ông cũng coi phim Papillon người tù khổ sai phải không? (Phiên bản năm 1973 do Mỹ và Pháp hợp tác sản xuất, dựa trên hồi ký của Henri Charrière (1906 - 1973), do Franklin J.Schaffner làm đạo diễn. Đến năm 2017, bộ phim này được làm mới với đạo diễn Mỹ Michael Noer - PV). Có cả sách viết về 9 lần vượt ngục của Papillon. Ông ta đã giấu tiền trong hậu môn để hối lộ cai tù. Tiền đó đã cứu mạng ông ta, giúp ông ta chạy trốn khỏi ngục tù và cái chết! Tôi đã học theo Papillon và "sáng tạo" thêm cách nuốt vàng vào bụng để phòng thân. Các "chiến hữu" còn nhớ khi ta đang ăn nhậu thì bị "cớm" ập vào khống chế, không ai kịp rút súng chống cự nên phải thảy súng ra sàn nhà, giơ tay đầu hàng. Lúc ngồi xe áp tải về trại giam, tôi vờ đau đớn, gục đầu lấy lưỡi móc sợi dây chuyền vàng trên cổ đưa lên miệng dùng răng cắn đứt rồi nuốt vào bụng, trong khi hai tay đã bị còng ra sau lưng. Còn cuộn tiền bọc nylon thì thường xuyên giấu sẵn trong hậu môn rồi...

Các đàn em của Hội và Nghiệp đã há hốc miệng, trợn mắt với những điều Hội kể. Sau này, lúc bị bắt lại rồi ra tòa, Hội cùng các đồng phạm đều khai trước tòa rằng do phim ảnh bạo lực, tiểu thuyết về du đãng đã cuốn hút mình phạm pháp để có tiền ăn chơi; các bị cáo cũng là nạn nhân của văn hóa phẩm độc hại của chế độ cũ, xin tòa khoan dung...

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Lời thề của những tên cướp!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang