Ngộ nhận
Qua tết Mậu Ngọ 1978, vợ chồng Thuận móc nối với một tổ chức đưa người vượt biên trái phép, định trốn ra nước ngoài hòng tránh né sự trừng phạt của pháp luật, không ngờ bị đám ma cô lừa gạt mất 20 lượng vàng!
Đứa nhỏ kia liệu có phải Tô Rô? Số vàng này là của gia đình nghệ sĩ Kim Cương đã đem chuộc con? Phải chăng bị ăn chặn mất khoản vàng chi phí xuất ngoại mà bọn Thuận rắp tâm bắt cóc cháu Cúc Cu để bù đắp, tính chuyện vượt biên tiếp? Những câu hỏi chưa có lời đáp nhưng Trung tá Trịnh Thanh Thiệp và các cộng sự không khỏi mừng thầm, cơ hồ đã sờ tới gáy hung thủ.
Bé Tô Rô cùng 5 người bạn được chở đi Hóc Môn, bố trí ngồi chơi trong sân nhà bà Hiệp Thành. Các nhân chứng đều chỉ vào Tô Rô và khẳng định đây chính là đứa trẻ vợ chồng My - Thuận đã đưa về sau lễ Noel 1977. Riêng bà Hiệp Thành cứ ôm riết lấy Tô Rô mà xoa đầu, giọng nghẹn ngào: "Thằng nhỏ đây mà, nó vẫn còn đây mà!". Trước câu nói khó hiểu, các chiến sĩ công an gặng hỏi song bà chỉ lắc đầu: "Hỏi vợ chồng thằng Thuận ấy, tôi già rồi, chẳng biết gì!".
Cuộc nhận dạng cho thấy Tô Rô từng ở đây. Nhưng thật lạ, bé có dấu hiệu không quen biết ai, thái độ dửng dưng trước mọi cảnh vật, con người, chứng tỏ chưa hề đặt chân tới chốn này. Cùng với cử chỉ, nỗi lòng của bà Hiệp Thành, nội vụ bỗng chốc trở nên bí hiểm.
Biết cái giá phải trả, Trần Đức Thuận khai báo khá thành khẩn, thừa nhận trước và sau giải phóng đã thực hiện cả trăm vụ cướp bóc, tước đoạt mạng sống 10 người, trong đó có một sĩ quan Công an quận 3, bắn bị thương gần 20 người, nhưng không tiến hành vụ bắt cóc nào.
- Vũ khí anh thường sử dụng thuộc loại súng nào, hiện nó đang ở đâu? - Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đột ngột hỏi.
Thuận trả lời không cần suy nghĩ:
- Thưa ông, đó là khẩu P38, tôi đã vứt xuống rạch Thị Nghè rồi ạ!
Ảnh của các phiên bản súng ngắn hiệu P38 bắn đạn 9 ly được đặt lên bàn. Thuận chăm chú xem xét từng tấm rồi lắc đầu:
- Không phải những loại súng này, khẩu của tôi là P38 ru-lô kia.
Lúc Thuận coi hình, Trung tá Thiệp lặng lẽ quan sát, thấy gã không thay đổi sắc mặt khi cầm bức ảnh chụp loại súng P38 được xác định liên quan vụ án Thanh Nga.
- Anh hãy cho biết cậu bé anh mang về nhà dịp Noel 1977 là ai, quan hệ thế nào với gia đình? - Trung tá bất ngờ chuyển hướng thẩm vấn.
Trần Đức Thuận sa sầm nét mặt. Hắn cúi đầu hồi lâu rồi mới chậm rãi đáp:
- Dạ, thưa ông, đó là chuyện riêng của chúng tôi không thể nói ra được. Xin ông bỏ qua cho câu trả lời này...
Cảnh sát hình sự ra quân
Từ sâu thẳm trong tâm can tên giết người không gớm tay có điều gì bối rối. Thuận ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp bằng giọng chua chát:
- Thưa ông trung tá, tôi đã dám khai tổ chức đánh cướp cả trăm vụ, bắn chết và gây thương tích hàng chục nạn nhân, nay có nhận thêm một vụ bắt cóc trẻ em thì các ông cũng không thể tử hình tôi 2 lần được. Thế nên xin ông đừng bắt tôi phải trần tình về đứa bé. Nhục lắm!
Cũng như chồng, Nguyễn Thị Ái My nhận hết tội là đồng phạm tích cực trong băng cướp, nhưng nhất quyết không thổ lộ tung tích đứa trẻ. Các cán bộ chấp pháp luân phiên xét hỏi, vợ chồng tên tướng cướp vẫn khăng khăng "sống để dạ, chết mang theo" khi đề cập đến đứa bé...
Cay đắng sau đêm vũ trường
Mười ba đối tượng trong băng cướp Sòng Sơn đã bị bắt, riêng vợ chồng Lê Văn Giỏi - Trần Thị Ngọc Liên chưa sa lưới. Nhận định băng tội phạm này không dính líu tới vụ bắt cóc cháu Tô Rô và sát hại nghệ sĩ Thanh Nga, Phòng Cảnh sát hình sự vẫn hạ quyết tâm tầm nã nốt 2 kẻ trốn chạy, buộc chúng phải hội ngộ cùng đồng bọn. Cặp đôi Liên - Giỏi là ruột thịt với Trần Đức Thuận nên có thể giúp cơ quan điều tra làm rõ những ẩn khuất mà vợ chồng y còn giấu kín.
Sau một tuần săn lùng gian nan, trinh sát bắt được 3 mẹ con Ngọc Liên tại khu vực chợ Bàn Cờ, quận 3. Nhận hết tội lỗi, vai trò trong băng cướp nhưng cô ta lỳ lợm không chịu khai báo nơi tên Giỏi đang lẩn trốn. Những ngày trong trại giam, Liên thấy thân phận sao bọt bèo, cướp được nhiều tiền, vàng nhưng cứ phải tha con theo chồng sống chui nhủi hết chỗ nọ đến nơi kia. Được động viên, thuyết phục, Liên hiểu Giỏi có trốn cũng chẳng thoát và không tránh khỏi án tử, nếu lập công chuộc tội cô sẽ được khoan hồng, sớm trở về chăm sóc 2 con nhỏ. Ngán ngẩm quãng đường đã qua và lo sợ cho tương lai, người đàn bà một thời lầm lỡ quyết định giải pháp làm lại cuộc đời, cứu lấy các con.
Cảnh bắt giữ cháu Phương
Địa chỉ Lê Văn Giỏi ẩn nấp là nhà gã bạn tù tên Lực ở quận Gò Vấp. Hai trinh sát thiện chiến Võ Văn Chính, Đặng Ngọc Ẩn khẩn trương tìm về nơi này. Tới gần nhà Lực, Chính đứng ngoài cổng theo dõi, Ẩn ra Công an phường xác minh. Bỗng một chiếc Vespa chở 2 người đàn ông mặt mày bặm trợn từ nhà Lực chạy ra. "Khả năng có tên Giỏi...", Chính chỉ kịp nghĩ như vậy rồi rút súng, hô lớn:
- Dừng xe, chống cự tôi bắn!
Chiếc Vespa khựng lại. Chính nhanh nhẹn áp sát, đưa tay vuốt từ bụng qua lưng quần gã cầm lái, đụng phải nòng súng của tên ngồi sau vừa rút ra. "Đoàng", Chính vội siết cò. Tên kia ngã vật xuống, khẩu súng trên tay hắn văng ra xa. Nghe tiếng nổ chát chúa, Ẩn và các đồng nghiệp lập tức phóng về. Đúng như phán đoán của Chính, kẻ bị bắn hạ là Lê Văn Giỏi, còn người đi cùng tên Lực. Kiểm tra cốp xe Vespa, các chiến sĩ công an thu giữ 1 khẩu Colt 45 và 2 trái lựu đạn.
Băng cướp Sòng Sơn bị xóa sổ, nghi vấn chúng bắt cóc cháu Tô Rô được loại trừ khi Phòng Cảnh sát hình sự làm rõ đứa bé vợ chồng Trần Đức Thuận đưa về nhà mấy hôm rồi biến mất sau lễ Noel 1977. Thì ra, nỗi nhục của Thuận phải che đậy là chuyện gã bị cắm sừng! Vợ y - Nguyễn Thị Ái My trước đây vốn là ca-ve vũ trường Maxim, được Thuận bao bọc, cung phụng như bà hoàng từ tiền bạc cướp đoạt mà có. Thời gian chồng bị đày ra Côn Đảo, cô gái nhảy đã quen lối sống buông thả, hưởng lạc bèn ngả vào vòng tay gã tư sản mại bản người Hoa tên là A Tùng. Hậu quả của những cuộc truy hoan trác táng, đôi gian phu dâm phụ có với nhau một cậu con trai.
Năm 1976, Thuận được tha về, giận sôi máu khi hay tin vợ phản bội. Đánh hơi thấy khó có cửa sống trước cơn thịnh nộ của tên tướng cướp, A Tùng nhanh chân chuồn sang Hồng Kông, bỏ mặc mẹ con cô bồ trẻ đẹp chịu trận. Ái My đem con đi giấu, bị Thuận hành hạ dã man, ép phải mang về và tự tay vứt xuống sông Sài Gòn gã mới tha cho tội chết! Cùng đường, Ái My buộc phải giao đứa con riêng, chỉ xin cho con sống thêm mấy ngày, sau đó đứt ruột nhìn chồng chở bé đi thủ tiêu, nhổ bỏ cái "gai" đánh dấu những tháng năm lang chạ của vợ.
Khốn nỗi, cháu bé xấu số lại giống Tô Rô như đúc khiến các nhân chứng và cả người nhà Ái My ngộ nhận. Trong một cuộc hỏi cung sau này, đội trưởng trọng án Võ Tấn Thành có đưa Ái My coi tấm hình bé Tô Rô. Vừa đón lấy, cô ta đã run rẩy, thả vội xuống bàn rồi ôm mặt nức nở: "Tội nghiệp con trai... mẹ có tội... tha lỗi cho mẹ!". Nghe đến đấy, vị đại úy công an cũng xao lòng...
"Bóng ma" lộ diện
Cuộc điều tra chuyên án Thanh Nga theo hướng truy xét vụ bắt cóc tống tiền gia đình nghệ sĩ Kim Cương đến đây tạm khép lại. Bên bộ phận bảo vệ chính trị tình hình không có gì sáng sủa. Giữa lúc các lực lượng CATP vẫn đang lặng lẽ "mò kim đáy bể" thì một vụ bắt cóc khác lại xảy ra. Nạn nhân là cháu Nguyễn Phương, con trai bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ, thường trú đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), quận Phú Nhuận, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nơi diễn ra vụ bắt cóc là Trường phổ thông cấp 1 - 2 Tây Nhì trên đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), quận Phú Nhuận. Khẩn trương tiếp xúc với các thầy cô giáo, học sinh và những người bán quà bánh trước cổng trường, cơ quan công an ghi nhận: lúc 13 giờ 30 ngày 06/02/1979, khi Phương vừa xách cặp vào sân trường thì 1 thanh niên chạy tới bảo "cháu ra ngoài cổng để chú gửi lá thư cho mẹ cháu". Tin lời, Phương bước theo, nhưng ra tới nơi anh ta lại nói: "chết cha, chú bỏ quên thư ở nhà rồi, để chú chở cháu về lấy". Phương không chịu đi, định quay vào lớp liền bị gã này bế thốc lên xe honda 67 của đồng bọn nổ máy chờ sẵn phóng đi mất dạng.
Hai hôm sau, bà Trịnh Thị Bạch Bích, vợ bác sĩ Lã Hỷ, đang rầu rĩ ở nhà thì nhận được cú điện thoại của một gã đàn ông:
- Thưa bà, chúng tôi hiện đang nắm giữ con bà!
- Ông có gì làm bằng chứng? - Bà Bích chưa vội tin, vặn lại.
Bên kia cúp máy. Bẵng đi mấy ngày, kẻ lạ mặt gọi điện hướng dẫn bà Bích tới cột đèn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lấy chiếc áo của cháu Phương mặc bữa bị bắt cóc. Áng chừng thời gian bà Bích đã mang được vật chứng về nhà, gã đàn ông gọi lại:
- Giờ thì bà tin con bà đang trong tay chúng tôi rồi chứ?
Vẫn còn nghi ngờ, bà Bích đề nghị:
- Tôi xin ông hãy hỏi cháu 2 điều, vết sẹo ở bàn chân trái cháu vì sao mà có và chồng của dì cháu ngoài Hà Nội tên gì. Sau đó ông trả lời đúng tôi mới chịu!
Kẻ giấu mặt cười khẩy:
- Quá đơn giản, chúng tôi sẽ đáp ứng ngay. Nhưng chúng tôi cũng có điều kiện là bà phải chuẩn bị 50 lượng vàng để chuộc con!
- Trời ơi, tôi làm sao có được số vàng lớn như vậy? - Bà Bích hốt hoảng.
Bằng giọng lạnh lùng, kẻ đối thoại buông lời hăm dọa:
- Đó là chuyện của bà! Con bà về sớm hay trễ, hoặc về mà không toàn vẹn tùy thuộc vào thái độ ứng xử của bà. Hãy nhớ, con bà không bao giờ trở về nếu bà báo công an đấy...
"Hung thủ bắt cóc cháu Tô Rô đã lộ diện", các sĩ quan hình sự nhận định bởi phương thức hành động, cung cách trao đổi, kiểu ra giá, uy hiếp của những kẻ bắt giữ cháu Phương trùng hợp với vụ án trước...
(Còn tiếp...)
(CATP) Tài liệu vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương được Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đặt cạnh hồ sơ chuyên án Thanh Nga. Lật đi lật lại từng trang giấy, trung tá lấy bút đỏ khoanh tròn từng tình tiết rồi hí hoáy ghi chép vào cuốn sổ. Lòng anh chộn rộn niềm vui khi phát hiện mối liên hệ giữa hai vụ án, từ đối tượng đến âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động. Thủ phạm ở cả hai vụ đều gồm một tên cao, một thấp, cùng trạc tuổi 30; phương tiện gây án đều là honda 67 màu đen và súng ngắn...