Trong tổ chức tội phạm hơn 50 đối tượng của Võ Tùng Hội, được trang bị 15 khẩu súng (gồm cả khẩu CKC cướp được trên xe chở tiền của hãng đồ hộp Unipac ngày 31/5/1977), 5 lựu đạn, 3 xe hơi, 41 xe máy, được tổ chức, phân công cho từng thành viên rất chặt chẽ.
Thủ đoạn bán xe gian
Băng cướp chia ra một nhóm tìm "nguyên liệu đầu vào". Đây là những đối tượng manh động, dữ dằn, xuất thân từ lính chế độ cũ. Nhóm này gồm các "sát thủ”: Hoàng Trung, Võ Tùng Hội, Đức Đoan, Tiến Núi, Hùng Tắc, Đặng Thành, Trọng Nghĩa, Văn Thắng, Bình Chi, Võ Văn Thuật, Thái Hiệp, Văn Bính...; chuyên dùng "xế bùa", lựu đạn, súng chặn cướp các xe trên đường. Các đối tượng dám cướp cả xe của bộ đội, công an đang đi công tác, có mang theo súng AK, súng ngắn. Những cán bộ này đã nổ súng chống trả, nhưng do cô thế trước bọn cướp đông hơn nhiều nên bị cướp xe. Băng cướp còn sẵn sàng xả đạn vào bất kỳ ai chống đối, cản đường "làm ăn" hoặc tháo chạy của chúng.
Đặc biệt, nhóm cướp liên tục gây án vì chứng "nghiện tiền", nghiện ăn chơi, hút sách ma túy, cờ bạc, gái điếm... Nhiều đối tượng bị bắt giam rồi tìm mọi cách để trốn trại, tiếp tục đi cướp. Nhiều đối tượng khác bị thương trong những lần bị công an, bộ đội, nhân dân vây bắt, nhưng khi lành vết thương là quay lại con đường phạm pháp cũ. Băng cướp chiếm đoạt cả 3 ôtô rồi dùng những "xế hộp" này vào các "phi vụ” gây án sau đó. Món ưng ý của các đối tượng là xe máy Honda, Vespa Sprint..., đa số được cướp trên các trục giao thông liên tỉnh, liên huyện, thậm chí cướp trong nhà dân, trên đường phố đông đúc của khu vực trung tâm thành phố. Hàng chục chiếc xe như thế được cướp xong sẽ đem đi cất giấu, chờ nhóm "kỹ thuật" đến xử lý.
Tiếp theo là nhóm kỹ thuật "rửa xe" gồm thợ cơ khí, thợ sửa xe, như: Tăng Lập, Lê Kỳ, Khắc Thiệu, Trọng Nghĩa (thợ sửa radio, tivi), Hoàng Sào, Nguyễn Chảy, Nguyễn Cự... Nhóm này sẽ thay đổi màu sơn, phụ tùng xe, đục lại số khung, số sườn... để chủ xe không thể nào nhận ra đây là tài sản của mình. Công đoạn này được gọi theo tiếng lóng là "rửa xe". Khi xe làm xong các bản dập số sườn, số máy trên giấy sáp chuyên dụng sẽ được đưa đến tỉnh Tây Ninh. Trong cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh có 2 nhân viên câu kết với băng cướp là Trợ và Mao, nhận các bản dập số sườn, số máy đó rồi làm hồ sơ giả chuyển vùng cho xe gian, giao cho những đối tượng khác đi đăng ký chuyển vùng. Qua khâu "chuyển vùng" này, các cán bộ biến chất trên được bọn cướp tặng quà cáp, tiền, vàng hậu hĩnh. Cuối cùng, họ phải trả giá đắt đến "thân bại danh liệt", mất hết công lao phấn đấu cả đời, mất luôn lý lịch tốt từ cha mẹ, ông bà để lại, ảnh hưởng đến cả đời con, cháu.
Công an TPHCM bắt giữ tướng cướp Nguyễn Thanh Tân - kẻ đã bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga
Công đoạn thứ ba là làm hồ sơ trước bạ giả cho xe gian. Sau khi các xe gian đã có hồ sơ chuyển vùng giả, các hồ sơ này sẽ được đưa về TPHCM để làm thủ tục đóng thuế trước bạ, sang tên chủ xe. Băng cướp được đối tượng Phan Lộc (con một thiếu tá cảnh sát chế độ cũ đang học tập cải tạo nhưng vẫn được vào làm nhân viên trước bạ của ngành thuế cùng với vợ) tiếp tay để các xe gian trở thành xe hợp pháp, giúp băng cướp bán với giá tương đương xe hợp pháp. Mỗi chiếc Vespa Sprint cướp được, làm giấy tờ giả xong, nhóm tội phạm bán với giá từ 1.200 - 1.500 đồng thì phải trả cho Lộc 50 đồng. Qua "cửa" của Lộc, hàng chục xe gian được hoàn tất hồ sơ trước bạ để mua bán trên thị trường.
Công đoạn cuối là các "nhà phân phối", như: Trần Thức (đối tượng móc nối với Trợ, Mao để làm hồ sơ chuyển vùng cho xe gian), Dũng Cường, Hồ Quốc, Bình Chi, Nguyễn Nhánh, Mười Khoai, Tám Bạch (nhóm Chi và Quốc phụ trách giao dịch, đưa hối lộ cho Lộc ở phòng thuế trước bạ)... Sau khi bán xe (Honda, Kawasaki từ 500 - 700 đồng/chiếc; Vespa Sprint từ 1.200 - 1.500 đồng/chiếc) các "nhà phân phối chợ trời" này đem tiền giao lại cho các đối tượng cầm đầu là Võ Tùng Hội, Hoàng Trung, Đức Đoan... Các "đại ca" chia lại cho những đàn em có công trong băng cướp. Tiền chia xong lại được các đối tượng đem "nướng" vào sòng bạc, chỗ hút ma túy, gái điếm, nhà hàng... Xài hết tiền xong, các đối tượng lại bắt đầu chuẩn bị thực hiện "phi vụ” mới.
Trả giá
Bởi thế mới có câu: "Tội phạm - chợ trời - tệ nạn" là bộ ba sống dựa vào nhau, cùng tồn tại ngoài vòng pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội và khiến các gia đình nạn nhân tức tối, đau khổ. Xin nêu vài vụ điển hình của băng cướp Võ Tùng Hội để minh chứng cho nhận định này.
Hội và Đoan là hai đối tượng cầm đầu, liều lẫn, manh động nhất. Có lần, cả hai chở nhau trên "xế bùa" đi Lái Thiêu (tỉnh Sông Bé cũ) thì gặp một anh bộ đội mặc quân phục, đội nón cối, đeo súng AK ngang ngực, lái chiếc Honda rất đẹp. Quá mê chiếc xe này nên Hội và Đoan rút súng bắn anh bộ đội để cướp xe. Anh bộ đội quăng xe ra đường, lấy súng bắn trả, nhưng bị hai đối tượng vây giáp công nên phải thoái lui và bị chúng cướp xe, lấy xe này làm phương tiện đi cướp (vụ thứ 12 trong hồ sơ điều tra).
Hội, Đoan, Trung, Hòa, Thuật chở nhau bằng 3 "xế bùa" chạy khắp thành phố tìm xe máy để cướp. Đến góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thấy ông già có chiếc Vespa Sprint đang đậu dưới mái hiên trú mưa. Cả bọn tấp xe vào, rút súng uy hiếp, Đoan cướp xe, đem bán được 1.500 đồng chia nhau ăn xài. Hội, Kỳ còn dùng xe du lịch Toyota vừa cướp được, chạy trên đường Sài Gòn - Lái Thiêu, thấy chiếc ôtô cùng hiệu Toyota lưu thông cùng chiều liền cập sát, rút súng uy hiếp, chặn xe. Nhóm đối tượng lục soát, lấy của các nạn nhân trên xe 675 đồng, 1 đồng hồ Seiko; Kỳ cướp luôn ôtô, lái đi... Một vụ khác, Hội, Đoan dùng xe du lịch Toyota cướp được chạy khắp thành phố, đến giao lộ Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo (Q1), thấy ông già chở cô gái bằng xe Honda, Hội cho xe ép sát để Đoan, Hòa nhảy xuống, rút súng hăm dọa, cướp hết nữ trang mà cô gái đang đeo. Hoặc vụ Trung, Hòa, Kiều, Nghĩa, Tâm đi trên 3 xe máy đến giao lộ Đoàn Thị Điểm - Ngô Thời Nhậm, thấy một người lái xe Vespa Sprint liền chặn lại cướp xe.
Đến vụ cuối cùng là ngày 08/6/1977, Hội lái xe du lịch Toyota BS: 61A-3729 đã cướp được trước đó, chở Đoan, Hòa (tự "Cu Đất") đến ngã ba QL13 đậu lại để "tia mồi" là những người đi ôtô, xe máy đắt tiền thì bị một nạn nhân cũ của chúng phát hiện, đến UBND xã trình báo. Lực lượng Công an, Xã đội cùng nhân dân ập đến bao vây các đối tượng. Cả ba kẻ cướp đều rút súng chống cự quyết liệt, mở bung 4 cửa xe để làm lá chắn. Hòa bắn bị thương một xã đội phó. Cuối cùng, khi súng hết đạn và bản thân bị nhiều vết thương, cả nhóm cướp bị lực lượng chức năng với sự hỗ trợ của rất đông người dân khống chế, bắt giữ. Đây là vụ cướp thứ 29 của tướng cướp Võ Tùng Hội.
Sau khi bị bắt, Hội khai thêm đã cùng đồng bọn thực hiện 24 vụ cướp trước đó. Nếu cộng cả tội ác của nhóm Hoàng Trung, Đức Đoan là "phó tướng" của Hội gây ra thì băng cướp này đã thực hiện 96 vụ cướp, bắn chết 2 người (trong đó có một cán bộ công an đang làm nhiệm vụ), 3 người bị thương nặng và nhiều người bị thương nhẹ. Tài sản Nhà nước bị chúng cướp trong 6 chiếc xe chở tiền là 53.820 đồng; tài sản của công dân là: 28 lượng vàng, 74 đồng hồ, 22 nhẫn kim cương, 11 đôi bông tai cẩm thạch, 2 radio cassette, 5.000 đồng, rất nhiều xe máy, ôtô...
Sau khi bắt giam 35 đối tượng trong băng cướp này (còn một số đối tượng bỏ trốn chưa bắt được và một số khác được cho tại ngoại, xử lý hành chính...), lực lượng Công an thu giữ số tang vật sau: 14 súng ngắn các loại (gồm cả 2 súng bắn pháo hiệu), 109 viên đạn, 5 lựu đạn, 8 dao găm, dây chì - dây kẽm để trói người, 3 ôtô, 41 xe máy (gồm cả các "xế bùa" là phương tiện gây án và các xe gian chờ hợp thức hóa bằng hồ sơ giả để đem bán).
Trong băng nhóm tội phạm này, còn có những đối tượng chuyên mua bán vũ khí như Lê Thiệu. Đây là đối tượng tội phạm ghê gớm, vừa trực tiếp đi cướp cùng đồng bọn, vừa mua súng, đạn, lựu đạn bán lại cho băng cướp này để kiếm lời, tạp điều kiện cho đồng bọn gieo rắt thêm tội ác. Thiệu đã bị tuyên phạt 13 năm tù. Hay như Nguyễn Quốc (cựu lính Sư đoàn 5 của chế độ VNCH, vừa tham gia băng cướp, vừa mua bán vũ khí và là thành viên của một tổ chức phản động chống phá cách mạng) bị tòa tuyên phạt 14 năm tù.
Còn Nguyễn Nghiệp đã nhận tiền, vàng của Hội và Đoan để giúp 2 đối tượng trốn khỏi trại giam gây thêm nhiều tội ác, lãnh án 15 năm tù. Những bị cáo nữ như: Xuân, Linh, Hai làm "chỉ điểm" hoặc dẫn cướp vào cướp nhà em ruột, bà con bên chồng, bạn bè, người thân... để được băng cướp chia tiền, đều phải trả giá trước pháp luật từ 5 - 8 năm tù. Phạm Hiệp (lưu manh, côn đồ từ trước năm 1975) bị tuyên phạt án tù chung thân. Còn cán bộ thuế tiếp tay hợp pháp hóa xe gian là Phan Lộc lãnh án 5 năm tù, buộc nộp lại 300 đồng đã nhận hối lộ của băng cướp...
Trong ngày đầu xét xử (07/12/1977), Trung trình ra trước tòa 2 chiếc chìa khóa mỏng dính, nhỏ xíu và khai rằng "đại ca" Hội đã làm ra rồi cho Hòa (tức "Cu Đất", đối tượng đã bắn bị thương nặng một xã đội phó) chuyển cho Trung để Trung mở còng, tìm cơ hội thoát ra ngoài. Trung coi việc mình tố giác âm mưu xúi giục trốn trại của Võ Tùng Hội là thành khẩn, ăn năn, "lập công chuộc tội" và đề nghị Hội đồng xét xử soi xét cho mình được hưởng khoan hồng, thoát án tử hình. Song trước tòa, Võ Tùng Hội đã phủ nhận các lời tố giác này của Trung. Hội nêu "ba không" (không biết, không thấy, không liên quan) đến âm mưu trốn trại cũng như 2 chiếc chìa khóa đó. Hội đồng xét xử cũng bác đề nghị của Hoàng Trung và tuyên phạt Trung án tử hình.
Ba án tử hình còn lại dành cho tướng cướp Võ Tùng Hội, "phó tướng" Nguyễn Đoan và Võ Hòa. Năm bị cáo khác tham gia nhiều vụ cướp gồm: Thuật, Hiệp, Tấn, Dũng Tắc, Thành lãnh án tù chung thân. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 2 năm 6 tháng đến 20 năm tù. (Trừ Võ Tùng Hội, các đối tượng trong loạt bài này đều được đổi tên vì họ đã "trả nợ pháp luật").
Chỉ hơn 2 năm (từ tháng 5/1975 đến tháng 10/1977), lực lượng trị an của thành phố đã bắt hết những đối tượng cầm đầu, các đối tượng nguy hiểm trong băng cướp Võ Tùng Hội để Tòa án TPHCM xét xử, trừng phạt với các mức án nghiêm minh, thấu tình đạt lý. Đã 46 năm trôi qua, xem lại hồ sơ vụ án này, chúng ta không thể không khâm phục lực lượng chấp pháp còn non trẻ khi đó. Đây chính là băng cướp quy mô lớn nhất, tổ chức chặt chẽ với nhiều thành phần (cả nam lẫn nữ, cả trẻ lẫn tuổi trung niên, cả có trình độ đại học lẫn những đối tượng chỉ biết đọc, biết viết hoặc mù chữ), cả thành phần lưu manh chuyên nghiệp, phạm pháp qua 2 chế độ.
Đây chính là băng cướp lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ 20 và 23 năm đầu của thế kỷ 21. Triệt phá băng cướp Võ Tùng Hội là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an TPHCM trong 5 năm đầu "thử lửa" với các băng nhóm tội phạm buổi giao thời. Chúng tôi nghiên cứu hồ sơ, viết lại loạt bài 5 kỳ này với cảm xúc dâng trào, tri ân sâu sắc những người, những thế hệ đã đóng góp cả trí tuệ, bản lĩnh lẫn xương máu để nhân dân được bình yên, hạnh phúc, TPHCM và cả nước được ổn định, phát triển như ngày nay.
(CATP) Lần gây án bằng ôtô Datsun (cướp được của một gia đình người Hoa ở nghĩa địa Triều Châu, Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé cũ) được băng cướp Võ Tùng Hội thực hiện vào buổi sáng như 5 vụ cướp xe chở tiền trước đó. Trung cầm lái chiếc ôtô này chở Hội, Đoan, Hòa. Vụ này còn có Thái Hiệp. Hiệp cùng đồng bọn tổ chức nhiều vụ cướp suốt từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1976.