(CATP) Ngày 16-10, Công an Q.Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, đang tạm giữ hình sự nhóm đối tượng, gồm: Trần Kim Thuận (SN 1991, ngụ P2Q4) về hành vi cướp giật tài sản, Nguyễn Đăng Khoa (SN 1987, ngụ P2Q10), Nguyễn Phùng Thanh Đông (SN 1989, ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), Nguyễn Tùng Lâm (SN 1998, ngụ P15Q8) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Gian nan truy xét
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, Đại tá Nguyễn Tiến Đạt (Trưởng công an Q.Bình Thạnh) cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn quận liên tiếp xảy ra một số vụ người đi đường bị cướp giật tài sản. Điểm chung của hầu hết các vụ cướp giật này đều trong thời gian từ nửa đêm về sáng. Đặc biệt, dù hành động một mình, song đối tượng không ngần ngại cướp giật, trong khi nạn nhân có bạn đồng hành.
Điển hình, khoảng 2 giờ 30 ngày 23-9, được ông M.T.T (SN 1971) chở bằng xe máy điện trên đường về nhà ở P15Q.Bình Thạnh, đến trước nhà số 116 Bạch Đằng (P24Q.Bình Thạnh), bà T.N.L (SN 1973) bị một người đàn ông chạy xe máy cùng chiều áp sát, giật giỏ xách đang đeo trước ngực. Sau đó, đối tượng tăng ga tẩu thoát về hướng chợ Bà Chiểu. Theo trình báo của nạn nhân, trong giỏ xách hiệu Saint Laurent có 2 ĐTDĐ hiệu Samsung A71 và A53, 18 triệu đồng, 6 thẻ ngân hàng, 1 chìa khóa ôtô Mercedes Benz GLC 200 cùng một số giấy tờ tùy thân.
Trước đó, khuya 13-7-2022, khi cùng một người bạn đi dạo trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh (P22Q.Bình Thạnh), anh N. (quốc tịch Nhật Bản) bị một thanh niên điều khiển xe máy bám theo, giật giỏ xách nhỏ đựng điện thoại đeo bên hông. Tài sản anh N. bị giật gồm chiếc ĐTDĐ iPhone 12 Pro và 1,5 triệu đồng. Gần đây nhất, lúc 3 giờ 45 ngày 02-10, ông L.S.H (SN 1972) chạy xe máy chở bà Đ.T.H (SN 1969) đi công việc từ hướng vòng xoay Hàng Xanh đến chợ Bà Chiểu. Tới trước nhà số 80-88 Bạch Đằng (P24Q.Bình Thạnh), bà H. bị một người đàn ông đi xe máy chạy cùng chiều, giật chiếc ĐTDĐ iPhone 13 (trị giá 12 triệu đồng).
Từ trái sang: Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Phùng Thanh Đông, Nguyễn Đăng Khoa, Trần Kim Thuận
Trước tình hình phức tạp trên, Ban Chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận khẩn trương vào cuộc truy xét. Mục tiêu đặt ra là phải sớm bắt bằng được đối tượng cướp giật "độc hành", không để đối tượng tiếp tục "tác oai tác quái", đồng thời thu hồi tài sản để trả lại cho các nạn nhân.
Trinh sát Phạm Văn Trình (người trực tiếp tham gia từ đầu quá trình truy xét vụ án) kể: Nhiệm vụ mà Ban Chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh giao phó lần này vô cùng khó khăn. Do diễn biến bất ngờ và đối tượng tẩu thoát rất nhanh nên hầu như các nạn nhân chỉ xác định được nhân dạng thủ phạm cướp giật là đàn ông, khoảng 30-40 tuổi, mặc áo khoác tối màu, đội mũ bảo hiểm màu xanh giống màu mũ bảo hiểm của tài xế GrabBike. Riêng biển số cũng như loại xe mà đối tượng sử dụng thì không ai nhìn rõ. Kết quả kiểm tra hình ảnh camera an ninh gần khu vực đối tượng gây án cũng không thu được manh mối khả quan.
Dù vậy, với tinh thần quyết tâm cao độ, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, trinh sát sớm đưa vào tầm ngắm đối tượng có biệt danh là "Soi". Nhân thân đối tượng tình nghi này cuối cùng được xác minh, làm rõ. "Soi" tên thật là Trần Kim Thuận (SN 1991, ngụ P2Q4). Kết quả tra cứu tàng thư cho thấy, Thuận từng bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên án tù về tội tổ chức đua xe trái phép. Căn cứ đặc điểm chiếc xe máy cũng như trang phục Thuận thường sử dụng, thêm vào đó là những cuộc gặp gỡ bí mật đáng ngờ giữa Thuận với một số nhân viên của Cửa hàng điện thoại Đăng Khôi trên đường Ba Tháng Hai (P16Q11), càng củng cố cho nhận định đây chính là thủ phạm gây ra các vụ cướp giật tài sản trên địa bàn Q.Bình Thạnh thời gian gần đây.
Chiếc xe máy Thuận sử dụng đi cướp giật
Cùng "đi chung xuồng"
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập, Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Bình Thạnh quyết định bắt giữ Trần Kim Thuận để đấu tranh, làm rõ. Phối hợp cùng Công an phường 3 (Q4), khuya 09-10, Tổ trinh sát Hình sự đặc nhiệm (Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Bình Thạnh) đón lõng, bắt giữ Thuận khi đối tượng vừa chạy xe về đến trước chung cư ở P3Q4. Thời điểm bị bắt, Thuận mặc trang phục, mũ bảo hiểm Gojek màu xanh, chạy xe máy Future Neo BS: 84G1-579.68 mà đối tượng vẫn thường sử dụng để đi gây án.
Dù khá ranh mãnh, ngoan cố, song trước những chứng cứ thuyết phục được trinh sát trưng ra, sau hơn 3 giờ thẩm vấn, cuối cùng Thuận đã thừa nhận hành vi phạm tội. Đối tượng khai sau khi giật ĐTDĐ iPhone 13 của bà Đ.T.H trên đường Bạch Đằng, ngày hôm sau liền nhắn tin qua ứng dụng Zalo cho Nguyễn Đăng Khoa (chủ Cửa hàng điện thoại Đăng Khôi trên đường Ba Tháng Hai, P16Q11) để bán. Qua trao đổi, Khoa đồng ý mua với giá 7 triệu đồng. Số tiền này Khoa chuyển khoản cho Thuận, sau khi nhận và kiểm tra chất lượng máy điện thoại.
Về vụ giật giỏ xách của bà T.N.L, Thuận khai chỉ giữ lại tiền mặt và 2 ĐTDĐ hiệu Samsung, còn giỏ xách hiệu Saint Laurent cùng giấy tờ của nạn nhân, trên đường tẩu thoát về nhà ở Q4, đã vứt xuống dưới cầu Ông Lãnh. Thuận bán 2 chiếc ĐTDĐ cho Khoa được 5 triệu đồng. Riêng giỏ xách nhỏ đựng ĐTDĐ của anh N. (người Nhật Bản), khi chạy về đến cầu Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), Thuận lục lấy ĐTDĐ iPhone 12 Pro cùng số tiền 1,5 triệu đồng rồi ném giỏ xách xuống dưới cầu. Hôm sau, Thuận gọi điện cho Khoa, hẹn đến khu vực cầu Chà Và (Q8) để bán ĐTDĐ iPhone 12 Pro vừa cướp giật. Trong vụ này, do nạn nhân là người nước ngoài nên Công an Q.Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ đến Phòng Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý theo thẩm quyền.
ĐTDĐ là tang vật được cơ quan điều tra thu hồi
Mở rộng truy xét, trưa 10-10, Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Bình Thạnh tiến hành kiểm tra hành chính Cửa hàng điện thoại Đăng Khôi và mời các đối tượng liên quan về trụ sở làm việc. Kết quả kiểm tra đã tạm giữ chiếc ĐTDĐ của anh N. (người Nhật Bản), ĐTDĐ iPhone 13 của bà Đ.T.H cùng nhiều vật chứng khác liên quan.
Tại cơ quan công an, bước đầu, Nguyễn Đăng Khoa thừa nhận là người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cửa hàng điện thoại Đăng Khôi. Do quen biết từ trước với Thuận nên Khoa nhiều lần thu mua điện thoại từ Thuận, dù biết rõ đó là tài sản do phạm pháp mà có. Trong đó, có các ĐTDĐ iPhone 12 Pro, iPhone 13 và 2 ĐTDĐ Samsung được Khoa mua của Thuận.
Tại cửa hàng, Khoa thuê Nguyễn Phùng Thanh Đông và Nguyễn Tùng Lâm làm nhân viên kỹ thuật sửa chữa, thay thế phụ kiện... Ngoài ra, Khoa còn nhờ Đông đi nhận máy (có nguồn gốc do các đối tượng phạm tội mà có) từ bên ngoài trong trường hợp mình bận việc. Mỗi lần đi nhận máy, Đông được Khoa trả công từ 100 - 200 nghìn đồng.
Nguyễn Tùng Lâm là người trực tiếp sửa chữa điện thoại tại cửa hàng và thực hiện các yêu cầu của Khoa. Đối với các máy Khoa đưa để sửa chữa, "bẻ khóa" iCloud, tháo ráp linh kiện, Lâm biết rõ nhiều máy có nguồn gốc do phạm tội mà có, vì máy bị khóa cần phải "bẻ khóa" mới sử dụng được. Mặt khác, có nhiều máy mà khách hàng sử dụng đã báo mất, trên máy hiển thị là máy bị mất nên Lâm biết rõ. Hôm Khoa đưa cho Lâm máy iPhone 13 để yêu cầu "bẻ khóa" iCloud, Lâm đã lấy số điện thoại, tìm trên ứng dụng Zalo và nhiều website nhằm kiếm thông tin ngày sinh của chủ máy, đồng thời sử dụng các dạng mật khẩu dễ đoán, cuối cùng đã mở được khóa của chiếc điện thoại này. Vụ án đang được Công an Q.Bình Thạnh mở rộng điều tra.