Triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia

Thứ Hai, 17/10/2022 11:42  | Đăng Khoa

|

(CATP) Sau gần một tháng nhận đơn kêu cứu của người dân về việc con trai bị lừa bán sang Campuchia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bạc Liêu phối hợp với các cơ quan chức năng giải cứu thành công nạn nhân. Từ đây, đường dây mua bán người bằng thủ đoạn "việc nhẹ lương cao" được làm rõ.

Giải cứu nạn nhân

Ngày 16-10, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Bùi Thị Tuyết Nhanh (SN 2003, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) và Phan Văn Hòa (còn gọi là Ken, SN 2000, ngụ tỉnh An Giang) để điều tra, làm rõ hành vi mua bán người theo phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu ngày 12-10.

Tháng 8-2022, ông Trần Thanh Hiệp (SN 1979, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) có đơn cầu cứu gởi đến BĐBP tỉnh Bạc Liêu đề nghị giải cứu con trai của tên là T.V.H (SN 2004) đang bị cưỡng bức lao động tại Campuchia. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hiệp không giấu nước mắt. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, H. nghỉ học sớm làm thuê kiếm sống. Thời gian gần đây, những lúc rảnh rỗi, H. tham gia mạng xã hội. Đầu tháng 5-2022, H. xin ông Hiệp đi tìm việc làm với người bạn quê ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Em T.V.H được giải cứu tại Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh

Để thuyết phục ông Hiệp cùng gia đình, H. đưa ra những thông tin hấp dẫn, hàng ngày chỉ quản lý quán cà phê, trông giữ xe lương tháng hàng chục triệu đồng. Mỗi năm được về thăm nhà 15 ngày. H. còn hứa, hàng tháng sẽ gửi tiền hỗ trợ ba mẹ. Nghe những lời của con, ông Hiệp không giấu được xúc động. Suy đi nghĩ lại, ở quê, không có việc làm, H. cũng lớn và đi cùng bạn không đến nỗi. Ông đưa cho H. vài trăm ngàn để làm chi phí. Tuy nhiên, vài ngày sau, ông Hiệp gọi điện cho H. không được. Cả nhà như ngồi trên đống lửa.

Khoảng cuối tháng 7-2022, ông Hiệp bất ngờ nhận được điện thoại của H. Qua điện thoại, ông như chết lặng: "Con bị lừa bán sang Campuchia khổ lắm. Điện thoại không được giữ, làm việc không lương còn bị hành hạ, đánh đập. Họ bán con cho hơn 10 chỗ rồi. Con về quê phải có tiền chuộc là 7.000 USD". Nghe qua, ông Hiệp choáng váng. Thật sự, gia đình cơm không đủ no thì làm gì có số tiền trên để chuộc H. Qua điện thoại, ông chỉ biết H. ở Campuchia chứ không biết địa điểm cụ thể. Ông Hiệp đến BĐBP tỉnh Bạc Liêu cầu cứu.

Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP tỉnh đã phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Qua đó, đã phát hiện đường dây chuyên lừa đảo các lao động còn trẻ bằng thủ đoạn môi giới, nhắm vào các thanh thiếu niên ở khu vực biên giới biển, sau đó, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia để bóc lột, cưỡng bức lao động. Các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với cơ quan nghiệp vụ cấp trên và các cơ quan chức năng nhanh chóng giải cứu nạn nhân. Ngày 11-9, BĐBP tỉnh phối hợp với Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam và Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang (Campuchia) và tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công nạn nhân T.V.H.

Phan Văn Hòa
Bùi Thị Tuyết Nhanh

Bán 2 người với giá 8 triệu đồng

Sau khi được giải cứu, BĐBP tỉnh Bạc Liêu đã đưa em H. về với gia đình, hiện sức khỏe đã ổn định. BĐBP tỉnh đã tiếp nhận, kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm mua bán người từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - BĐBP tỉnh Tây Ninh. Qua kiểm tra, xác minh các đối tượng trong đường dây mua bán T.V.H gồm: Bùi Thị Tuyết Nhanh, Phan Văn Hòa và Tài (Khang Nhỏ) cư trú ở TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Các đối tượng này đều cư trú ngoài địa bàn, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, thay đổi vị trí chỗ ở, số điện thoại liên tục, gây ra nhiều khó khăn cho Ban chuyên án. Đáng chú ý là bọn tội phạm ở trong và ngoài nước có sự liên kết, tổ chức thành đường dây đưa đón hết sức chặt chẽ, khép kín từng công đoạn nên rất khó khăn cho công tác điều tra.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Ban chuyên án, không quản ngày đêm, lực lượng trinh sát Biên phòng tỉnh kiểm tra, xác minh tại An Giang, Bình Dương, TP.HCM, Kiên Giang để tiến hành thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ có liên quan, đồng thời tiếp cận, theo dõi các đối tượng. Ngày 09-10, trinh sát phát hiện Nhanh và Hòa đang lẩn trốn tại số D1/5A1 (khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM). Cơ quan chức năng đã đưa các đối tượng về trụ sở công an địa phương làm việc, lấy lời khai ban đầu. Sau đó thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và áp giải về BĐBP Bạc Liêu để điều tra về hành vi "mua bán người" sang Campuchia.

Công dân Việt Nam được trả về nước
Cảnh sát Campuchia bắt giữ người nước ngoài tại sòng bạc

Bước đầu, các đối tượng khai nhận, đầu tháng 5-2022, thông qua kết bạn qua mạng xã hội Facebook, Nhanh và Hòa đã nhắn tin dụ dỗ, lừa gạt và cấu kết với một số đối tượng ngoài tỉnh hình thành đường dây giới thiệu "việc nhẹ lương cao" tại Châu Đốc, tỉnh An Giang, sau đó đưa trái phép các nạn nhân sang Campuchia. Bọn chúng kết bạn với Hoài qua mạng xã hội. vài câu nhắn tin, trò chuyện, các đối tượng tạo lòng tin với Hoài để lừa bán sang Campuchia. Bằng thủ đoạn, việc nhẹ lương cao, rủ thêm nhiều bạn, người thuê sẽ thưởng. Hoài đồng ý liền rủ thêm người bạn đi cùng. Tối 11-5, Nhanh, Hòa, Tài đưa xe đón anh H. và bạn là L.M.H (SN 2000, ngụ xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đến TP.Châu Đốc, An Giang. Lúc này, lực lượng Công an tỉnh An Giang và BĐBP tỉnh An Giang kiểm tra gắt gao khu vực biên giới. Sợ bị bắt giữ, bọn chúng đưa nạn nhân sang Campuchia, giáp với cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Sau khi xong việc, Nhanh và Hòa được trả 8 triệu đồng.

Theo điều tra, H. sau khi được đưa đến công ty ở Campuchia, nhân viên nơi làm việc (chủ yếu là người Trung Quốc) chỉ cách lập 10 nick Facebook giả là nhân vật nữ. Sau đó dùng các nichk này để lừa đảo, lôi kéo khách hàng. Đối tượng nhắm vào là những người đàn ông trung niên, giàu có. Sau đó mời chào nạp tiền vào APP (trò chơi trên mạng) để hùn vốn làm ăn nhưng thực chất nạp tiền vào là không thể rút ra được. Trong thời gian ở Campuchia, H. bị bán qua hơn 10 công ty khác nhau, nhưng đều làm việc công việc tương tự, với cường độ từ 17 - 18 giờ ngày trên máy tính. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, nhốt, bỏ đói, còng tay, chích điện và bán sang chỗ khác. Muốn khỏi bị đánh, chúng yêu cầu H. liên lạc về gia đình đòi 7.000USD tiền chuộc vì đã vi phạm hợp đồng lao động.

Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 78 công dân Việt Nam sang Campuchia ngày 11-10. Trong số 78 công dân, có một người nằm trong danh sách truy nã quốc tế về tội buôn lậu theo quyết định của Công an TPHCM cách đây hơn 9 năm. Nghi can đã được bàn giao cho Công an TPHCM. Các nạn nhân đã được chính quyền Campuchia phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia giải cứu trong các đợt truy quét sòng bạc và các cơ sở bất hợp pháp ở nước này. Cửa khẩu phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh xác minh giấy tờ tùy thân của công dân bị trao trả, sau đó cho phép về nước. Trước đó vào ngày 21-9, Tây Ninh cũng đã tiếp nhận 92 công dân Việt Nam từ Campuchia.

Theo Khmer time, từ ngày 15-9 đến ngày 13-10, các lực lượng thực thi pháp luật Campuchia đã kiểm tra hơn 10.000 địa điểm nghi ngờ là kết quả của các hoạt động truy quét các loại hình cờ bạc bất hợp pháp trên khắp cả nước. Lực lượng cảnh sát đã triển khai các biện pháp pháp lý tại 127 địa điểm ở 11 thủ đô và tỉnh thành, bao gồm thu thập bằng chứng để đưa 273 người ra tòa; trong đó có 56 người nước ngoài. Đối với các địa điểm khác có khả năng xảy ra tội phạm đánh bạc, hơn 10 ngàn địa điểm đã được giáo dục, hướng dẫn và ký hợp đồng trong trường hợp bị phát hiện vi phạm pháp luật, khoảng 13.000 người đã được ký hợp đồng để cải tạo.

Trước đó ngày 17-9, Thủ tướng Hun Sen đã ra chỉ thị nghiêm khắc đối với tất cả các quan chức có liên quan, đặc biệt là các quan chức cấp dưới quốc gia về việc đàn áp tất cả các loại cờ bạc bất hợp pháp. Ông cũng tuyên bố rằng, nếu bất kỳ Thống đốc Thủ đô, Tỉnh nào chịu trách nhiệm về việc để cờ bạc tràn lan trong địa phương của mình, Thủ tướng sẽ không ngần ngại loại bỏ người đó khỏi vị trí của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang