Miền Tây:

Nạn giang hồ cho vay nặng lãi vẫn hoành hành

Thứ Năm, 20/08/2020 10:14  | Thiện Thảo

|

(CATP) Trong đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, lực lượng công an các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục truy quét các đối tượng cho vay nặng lãi. Lợi dụng mùa dịch Covid-19, chúng cho người dân vay với lãi suất "cắt cổ" từ 100 - 600%/năm.

"NÚP BÓNG" CÔNG TY ĐỂ CHO VAY NẶNG LÃI

Ngày 17-8, Công an Hậu Giang cho biết, trong thời gian tới Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tiếp tục ra quân truy bắt các đối tượng cho vay lãi nặng. Mùa dịch Covid-19, một số khu công nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp trở về quê.

Nắm bắt tình hình trên, tội phạm cho vay lãi nặng đã thành lập công ty để qua mặt cơ quan chức năng. Qua công tác nắm tình hình, trinh sát phát hiện 7 cơ sở có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Các cơ sở này thành lập công ty hẳn hoi, nhưng thực chất núp bóng để cho vay nặng lãi.

Công an kiểm tra các công ty núp bóng cho vay nặng lãi

Ngày 15-8, Phòng CSHS kết hợp với CA địa phương kiểm tra 3 công ty ở TP.Vị Thanh và TP.Ngã Bảy nghi vấn liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, gồm: Công ty TNHH dịch vụ tư vấn, đầu tư Đại Dương (số 56K Lê Lợi, P.Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy); Công ty TNHH MTV Ngân Tín Vị Thanh (chi nhánh Ngã Bảy, số 88 Nguyễn Huệ, P.Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy) và Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Thịnh Tín Phát (số 76 Trưng Trắc, P1, TP.Vị Thanh). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng, đồng thời thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Các đối tượng khai để được vay tiền, người vay phải mang môtô chính chủ kèm giấy tờ gốc Giấy đăng ký xe môtô, xe máy, giấy CMND hoặc hộ khẩu mới được làm hồ sơ vay. Số tiền được vay sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà người vay thế chấp. Mức lãi suất dao động từ 4 nghìn đồng/1 triệu/ngày (tương đương 144%/năm), cao gấp 7,2 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự.

VÀO NAM HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐEN

Theo công an địa phương, những đối tượng cho vay lãi nặng thường nhắn tin, phát, dán tờ rơi, quảng cáo tại các khu dân cư, cột đèn... với nội dung rất hấp dẫn như "Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay", "Alo là có tiền..." kèm theo số điện thoại liên lạc. Phần lớn các đối tượng cho vay nặng lãi có nhiều nhóm người ở các tỉnh phía Bắc vào thuê nhà tạm trú hoặc kết hợp với người địa phương để hoạt động.

Đọc lệnh khởi tố Đỗ Văn Quý

Chúng có thể cho vay trực tiếp hoặc núp bóng các cơ sở cầm đồ, cho thuê xe, công ty tài chính... Để trốn tránh việc xử lý của pháp luật, chúng thường yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản với lãi suất rất cao, có thể lên tới 40%/tháng.

Nguyễn Ngọc Long (38 tuổi, ngụ P.Hàng Bột, quận Đống Da, TP.Hà Nội) bị Công an TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Lãi suất mà Long cho người dân vay lên đến 540%/năm. Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2018 đến tháng 10-2019, Long cùng Phạm Tiến Minh (32 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) đến thuê nhà tại P.Trường An (TP.Vĩnh Long) để hoạt động cho vay với lãi suất từ 20 - 45%/tháng, tương đương 240 - 540%/năm.

Chúng quy định, những người có nhu cầu vay tiền trực tiếp đến gặp Long - Minh để thỏa thuận vay với 2 hình thức là vay góp ngày và vay đứng thu tiền lãi trước. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và viết biên nhận vay tiền.

Đối với người đã vay nhiều lần thì không cần các thủ tục như trên. Tuy nhiên, nếu người vay không đóng lãi hoặc trả nợ theo thỏa thuận sẽ bị đe dọa, uy hiếp. Bước đầu, công an xác định Long và Minh đã cho hàng chục người vay tiền để thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Riêng Minh, từ tháng 4-2020 đã về tỉnh Vĩnh Phúc nên cơ quan CA tiếp tục xác minh xử lý sau về hành vi cho vay nặng lãi.

Còn Đỗ Văn Quý (31 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Phú Quốc (Kiên Giang) tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Trước đó, lực lượng CA kiểm tra nơi tạm trú của Quý tại KP4 (TT An Thới), phát hiện Quý hoạt động cho vay lãi nặng và cất giữ nhiều sổ sách và tài liệu liên quan nên triệu tập về trụ sở làm việc.

Nguyễn Ngọc Long

Tại đây, Quý khai khoảng tháng 5-2019 từ Hải Phòng đến Phú Quốc hoạt động tín dụng đen. Cũng như nhiều đối tượng cho vay lãi nặng khác, Quý dùng tờ rơi quảng cáo cho vay tiền rồi dán vào cột điện tường nhà dân ở huyện Phú Quốc.

Khi có người liên hệ vay tiền, Quý đưa ra quy định chỉ cho vay trả góp hàng ngày và trả tối đa không quá 1 tháng cho 1 lần vay với lãi suất vay dao động 12 - 20%/tháng (tức 144% - 240%/năm) tùy theo số tiền vay (cao trên 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong bộ luật dân sự năm 2015). Với hình thức này, từ tháng 5-2019 đến thời điểm bị phát hiện, Quý cho gần 20 người vay số tiền trên 600 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 50 triệu đồng.

Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang