Nhóm bị cáo bị truy tố về tội giết người, gồm: Đặng Văn Hiến (41 tuổi, trú huyện Bù Đắk, Bình Phước), Ninh Viết Bình (35 tuổi, quê Thái Nguyên), Hà Văn Trường (32 tuổi, quê Lạng Sơn) bị tuyên phạt lần lượt mức án tử hình, 20 năm và 12 năm tù giam. Bị cáo Đoàn Văn Diện (SN 1980, trú huyện Bù Đăng, Bình Phước) phạm tội che giấu tội phạm lãnh án 9 tháng tù giam.
Hai bị cáo là người của Công ty Long Sơn, gồm: Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962) - Phó giám đốc công ty, lãnh 6 năm tù. Bị cáo Phạm Công Thiện (SN 1977, Trưởng quản lý công ty Long Sơn) lãnh 4 năm tù giam. Cả hai cùng phạm tội hủy hoại tài sản.
Các bị cáo tại tòa
Bị cáo Sửu khai tại tòa
HĐXX nhận định, bị cáo Hiến trực tiếp xả súng gây ra cái chết 3 người và làm nhiều người khác bị thương, thuộc hành vi đặc biệt nghiêm trọng nên đã đề nghị mức án cao nhất. Hai bị cáo Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường được cho là giữ vai trò giúp sức cho bị cáo Hiến.
Bản án khiến những người thân của các bị cáo Hiến, Bình, Trường và nhiều người dân tham dự phiên tòa tỏ ý không đồng tình, cho rằng, mức phạt như trên với người thân của họ là quá nặng. Tuy nhiên, thực tế hậu quả vụ án này là có đến 3 người chết, 13 người bị thương (mất từ 6% đến 54% sức khỏe); tổn thất về sức khỏe, tinh thần với chính bản thân các nạn nhân và thân nhân các bị hại là rất lớn.
Trước đó, tại bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an và cáo trạng của VKSND đều nhận định, các bị can thực hiện hành vi phạm tội trong bối cảnh có bức xúc về việc cây trồng bị người khác hủy hoại, bản thân các bị can và gia đình đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả gây ra, đây là tình tiết đề nghị để tòa án xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Hiến khai, thời điểm người của công ty Long Sơn đến khu vực đất của mình, Hiến chỉ cầm súng ra dọa nhằm mục đích đuổi nhóm người này. Tuy nhiên, người của công ty Long Sơn cương quyết với mục đích san ủi đất, dùng đá ném lại nên buộc bị cáo phải nổ súng chống trả. Bị cáo Hiến nhiều lần khẳng định gia đình sinh sống tại tiểu khu 1535 trước khi công ty Long Sơn xuất hiện. Công ty này đã gây nên mâu thuẫn, tranh chấp khi liên tục huy động người đến cưỡng chế, san ủi phá hoại tài sản, cây trồng của gia đình mình và nhiều gia đình khác. Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị công ty Long Sơn san ủi trắng mà không được đền bù. Người dân đã nhiều lần kêu cứu, kiến nghị nhưng không được công ty cũng như cơ quan chức năng quan tâm, xử lý khiến họ bức xúc.
Bị cáo Ninh Viết Bình cũng khẳng định vào sinh sống tại tiểu khu khu 1535 trước thời điểm công ty Long Sơn được giao đất. Khi xảy ra tranh chấp, đã đấu tranh, làm đơn kêu cứu, tố cáo rất nhiều nhưng không được giải quyết. “Bản thân bị cáo đã bị cơ quan chức năng bắt giam 7 tháng vì tranh chấp đất với công ty. Sau đó lại được thả ra mà không nói lý do. Bị cáo nghĩ do bị cáo đấu tranh nhiều quá nên bị bắt. Việc này khiến nhiều người dân mất niềm tin nên đã bàn nhau sẽ chống trả lại công ty Long Sơn nếu họ đưa người đến san ủi, giải tỏa” - bị cáo Bình trình bày.
Vào thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Trường đang trông con cho Hiến. Khi nhóm người của công ty Long Sơn đến, Hiến chạy lên gác và nhờ Trường lấy hộp đạn. Sau đó, Trường gọi điện thoại cho Bình đến hỗ trợ chứ không trực tiếp bắn.
Bị cáo Sửu cho rằng, đất công ty quản lý được UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao đất hợp pháp và người dân là đối tượng vào xâm lấn dẫn đến tranh chấp.
Trước lời khai của đôi bên, HĐXX dẫn chứng, công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất vào năm 2008. Đến thời điểm xảy ra vụ án là 9 năm. Tuy nhiên các cây trồng của người dân bị công ty san ủi qua giám định nhiều cây trồng trên 12 năm tuổi. HĐXX cũng đưa ra tình tiết bất ngờ, hỏi bị cáo Hiến: “Tại sao khi bắn vào nhóm công nhân công ty Long Sơn, bị cáo bắt các công nhân cởi áo, quần đồng phục công ty?” Bị cáo Hiến nói rằng, do nhiều lần bị công ty này đến tranh chấp, chặt phá cây trồng nên thấy màu áo công ty xuất hiện gần nương rẫy là bức xúc, ức chế.
Một số nhân chứng khai tại tòa, khi công ty Long Sơn xuất hiện đã xảy ra tranh chấp, đánh nhau với người dân rất nhiều lần. Chính quyền huyện, tỉnh nhiều lần vào làm việc, có văn bản yêu cầu công ty Long Sơn không được tự ý cưỡng chế, phá bỏ cây trồng của người dân nhưng công ty này không chấp hành.
Bị cáo Sửu có nhiều lời khai không thành khẩn, như: “UBND tỉnh đã có công văn trả lời yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phối hợp để giải tỏa diện đất trên. Nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép san ủi diện tích đất đó nên bị cáo đã cho người vào tiến hành giải tỏa”. Hay “Bị cáo có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài nên không biểu biết pháp luật Việt Nam”. Sửu nại ra rằng, không chủ định mang đá vào ném nhóm nông dân mà chở đá theo xe ủi để san lấp những chỗ lầy lội cho xe qua. Chủ tọa vặn lại: “Lấp đường mà lại có các cục đá nhỏ?”, lúc này thì bị cáo Sửu im lặng.
Bị cáo Thiện khai tất cả việc xảy ra đều do phó giám đốc công ty Long Sơn chỉ đạo. “Bị cáo chỉ là người làm thuê thế nên cấp trên chỉ đạo như thế nào thì bị cáo làm như vậy. Khi sự việc xảy ra bị cáo đã dẫn gần 30 người trang bị gậy và trang phục bảo hộ nhằm bảo vệ xe ủi để san ủi khu vực lấn chiếm đất. Thời điểm đó, trên xe cày chở theo đá cục nhằm để chống trả lại người dân nếu gặp phản kháng” - bị cáo Thiện khai.
Bào chữa cho nhóm bị cáo nông dân, luật sư cho rằng, theo cáo trạng, các hộ dân xâm lấn, tranh chấp đất với công ty Long Sơn là không đúng. Chính hồ sơ thể hiện, các hộ dân sinh sống tại tiểu khu 1535 từ trước khi công ty Long Sơn được giao đất. Từ đó đến thời điểm xảy ra vụ nổ súng (ngày 23-10-2016), những hộ dân này không hề bị chính quyền địa phương lập biên bản, hay có một quyết định xử phạt hành chính nào về hành vi lấn chiếm hay tranh chấp đất.
Việc tranh chấp đất giữa công ty Long Sơn với các hộ dân tại tiểu khu 1535 xảy ra, kéo dài dai dẳng nhiều năm, người dân đã có đơn tố cáo, cầu cứu rất nhiều cơ quan chức năng nhưng không được can thiệp, xử lý dứt điểm dẫn đến sự bức xúc, bị dồn ép đến đường cùng. Trong hoàn cảnh như vậy, việc nhóm người dân nổ súng chống lại công ty Long Sơn khó tránh khỏi. Để xảy ra vụ án này, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn. Các luật sư đề nghị cần xem xét xử lý đối với những người liên quan.
Vụ án xảy ra lúc 6 giờ ngày 23-10-2016, tại tiểu khu 1535, thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Thời điểm trên, Công ty Long Sơn tổ chức lực lượng khoảng 30 công nhân viên, dưới sự chỉ đạo của bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu và Phạm Công Thiện mang theo 2 máy cày, 1 máy ủi, chở theo nhiều loại hung khí: đá, dao, khiên, gậy, áo giáp, lá chắn... đến giải tỏa cây trồng (điều, cà phê) lâu năm của các hộ dân để giành đất. Do nhiều lần xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, nhóm hộ ông Hiến, Bình đã chuẩn bị súng bắn đạn hoa cải chờ dịp “đối đầu” với Công ty Long Sơn. Hậu quả của vụ xả súng đã làm các anh Điểu Vinh, Điều Tào, Dương Văn Tiến (nhân viên Cty Long Sơn) tử vong tại chỗ, 13 người khác bị thương.
Sau khi gây án, bị can Hiến bỏ trốn đến huyện Bù Đăng, Bình Phước, 3 ngày sau ra đầu thú. Các bị cáo Bình, Trường, Diện sau đó cũng bị bắt giữ. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ 1 khẩu súng thể thao cỡ nòng 5,6mm, 1 khẩu súng hơi bắn đạn chì cỡ 4,5mm, 37 viên đạn, 8 mẩu kim loại cùng nhiều hung khí của Công ty Long Sơn…