Bất thường trong bổ nhiệm cán bộ tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM

Thứ Tư, 20/11/2019 12:05  | Hải Văn

|

(CATP) Ngoài chuyện để xảy ra tình trạng nhân viên dâm ô nhiều bé gái, có dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn, phân phát, cấp quần áo, chăn màn, chiếu gối, thậm chí “nhốt” đối tượng sai quy định mà Báo Công an TPHCM phản ánh kỳ trước, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (số 463 Nơ Trang Long, P13, Q.Bình Thạnh) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM còn có những dấu hiệu bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, phân công nhân viên trực “lố” giờ, bố trí nhân sự kiểu tréo ngoe...

CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN VẪN BỔ NHIỆM

Qua phản ánh, ông Võ Thanh Quang (SN 1959) không có bằng cấp nghề nghiệp, chưa đảm bảo trình độ học vấn, nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Phó giám đốc (PGĐ) Trung tâm HTXH. Lý giải về việc này, ngày 11-9-2019, Sở LĐTBXH ra Công văn 29890/SLĐTBXH-VP (gọi tắt là Công văn 29890) gửi Thành ủy và UBND TPHCM, cho biết ông Quang có trình độ học vấn 12/12, không có bằng cấp về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, mà chỉ có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên (cấp năm 1996), giấy chứng nhận đã qua chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ nhà nước (cấp năm 1993).

Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM xảy ra nhiều chuyện đau lòng, khiến dư luận bất bình

Mặc dù Sở LĐTBXH xác nhận ông Quang có bằng tốt nghiệp lớp 12, nhưng dư luận cho rằng dù thiếu các điều kiện cần thiết, nhưng con đường quan lộ của ông Quang khá hanh thông.

Cụ thể, ông Quang là nhân viên Trường Thiếu niên 3 thuộc Sở LĐTBXH (từ tháng 5 đến 11-1976), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm Giáo dục lao động Phú Văn (từ tháng 12-1976 đến 8-1986), Phó hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục lao động Phú Văn (từ tháng 8-1986 đến 5-1998), PGĐ Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (từ tháng 5-1998 đến 11-2004), PGĐ Trung tâm HTXH TPHCM (từ tháng 11-2004 đến nay).

Công văn 29890 thừa nhận, việc bổ nhiệm ông Quang là chưa đảm bảo quy định về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, xét thấy ông Quang đến tuổi nghỉ hưu vào ngày 1-12-2019, nên vẫn để ông Quang giữ chức vụ PGĐ Trung tâm HTXH.

Các học viên tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM

Nhiều cán bộ trung tâm này cho rằng, Sở LĐTBXH giải thích như vậy là không thuyết phục. Bởi ông Quang không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về “phần cứng”, trong đó có bằng cấp nghề nghiệp, nhưng vẫn ưu ái bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo là thiên vị và sai quy trình. Ông Quang được bổ nhiệm vào vị trí PGĐ Trung tâm HTXH từ tháng 11-2004, nhưng đến nay Sở LĐTBXH mới “vịn” vào cớ ông này sắp nghỉ hưu để cho ông tại vị (?!). Sở cho rằng ông Quang có trình độ học vấn 12/12, nhưng tới nay nghi vấn về bằng cấp của ông này vẫn chưa có bằng chứng xác thực.

Tương tự, việc bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim (SN 1976) cũng chưa ổn, vì bà này chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, được biết từ tháng 7-2019 đến nay, bà Kim mới đi học lớp chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Ngoài ra, bà Kim còn được cho là không có chuyên môn về công tác bảo trợ xã hội nên trong quản lý dẫn đến tình trạng hoạt động lộn xộn trong trung tâm này như hiện nay.

Trong khi đó, tại Trung tâm BTXH hiện nay có một số cán bộ hội tụ đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, tiêu chuẩn về “phần cứng” như: thạc sĩ xây dựng Đảng, cao cấp lý luận chính trị, có chứng chỉ lãnh đạo cấp phòng, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính... thì lại không được bổ nhiệm vào 2 chức danh trên.

BỐ TRÍ NHÂN SỰ KIỂU TRÉO NGOE

Việc bố trí nhân sự tại bộ phận y tế của Trung tâm BTXH cũng bộc lộ nhiều bất cập. Bộ phận y tế có 4 người, gồm: ông Đỗ Thành Thạo (bác sĩ y học cổ truyền), bà Đỗ Thị Son (y sĩ), bà Nông Thu An (trung cấp dược sĩ), ông Nguyễn Hoàng Thịnh (được cho là mới ở trình độ học vấn 11/12, không có chuyên về ngành y). Thế nhưng ông Thịnh vẫn được bố trí khám chữa bệnh tại trung tâm. Ông Thịnh nhiều lần bị đề nghị chuyển sang làm việc khác, nhưng không hiểu sao trung tâm vẫn để ông này tại vị?

Trong khi đó, các bà Nguyễn Thị Hồng Lan, Lê Thị Loan, Nguyễn Thị Kim Hưng là những chuyên viên có bằng cử nhân ngành luật thì được cho là bố trí... nấu cơm. Ông Nguyễn Văn Xiêm (chuyên viên bậc 9) cùng một số chuyên viên khác của trung tâm là các ông: Trần Minh Chung (cử nhân luật), Phạm Hoàng Dũng, Trần Đức Dân (có chuyên môn về công tác xã hội từ trung cấp đến đại học) thì bố trí làm... bảo vệ. Việc bố trí nhân sự theo kiểu chuyên môn một đằng, công việc một nẻo không chỉ gây lãng phí về nhân lực, mà còn gây bất bình trong cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Một người sắp được hồi gia

LỊCH TRỰC “HÀNH” NHÂN VIÊN

Việc bố trí giờ giấc lao động tại Trung tâm HTXH cũng có nhiều điểm không khoa học. Theo lịch trực tháng 10-2019 của trung tâm, hàng chục nhân viên được bố trí trực từ 17 giờ hôm trước đến 7 giờ 30 sáng hôm sau. Trung bình mỗi đêm họ trực 14 tiếng rưỡi, “lố” 2 tiếng rưỡi so với quy định về tăng ca. Nhiều nhân viên của trung tâm phản ánh, ngoài trực đêm họ còn phải làm việc cả trong giờ hành chính.

Đầu tháng 3-2013, anh Tịnh (chuyên viên Phòng Quản lý hồ sơ giáo dục tư vấn) được tuyển vào làm việc tại Trung tâm BTXH. Anh được bố trí trực ở bộ phận hồ sơ 8 tiếng/ngày. Hôm nào tăng ca, anh làm 14 tiếng rưỡi/ngày thường và lên tới 24 tiếng/ngày trong thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết. Nhiều cán bộ, nhân viên khác cũng được lãnh đạo trung tâm bố trí trực như vậy.

Từ ngày 22-10-2019, anh Tịnh và nhiều nhân viên khác của trung tâm còn bị bố trí trực 24 tiếng/ngày, bất kể đó là thứ bảy, chủ nhật hay ngày thường. Anh Tịnh cho biết, các ngày 22, 24, 26, 28 và 30-10-2019, ngoài lịch trực 8 tiếng theo giờ hành chính, anh và đồng nghiệp gồm các anh Sang, Kiên, Trung còn bị bố trí trực đêm từ 17 giờ đến 7 giờ 30 sáng hôm sau. Sau “tua” lên ca trực 24 giờ đầu, 24 giờ tiếp theo trung tâm cho nhân viên nghỉ liên tục. Lịch trực này lặp đi, lặp lại gần 2 tháng nay, khiến nhiều người bất bình.

Chiều 15-11, phóng viên Báo Công an TPHCM đến Trung tâm HTXH và Sở LĐTBXH để làm việc, nhưng 2 đơn vị này đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Rất mong các cơ quan liên quan sớm vào cuộc điều tra làm rõ những vấn đề đang gây bức xúc dư luận.

Không chỉ xảy ra dâm ô, tại Trung tâm HTXH TPHCM còn có nhiều chuyện đau lòng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang