“Gùi chữ” lên non
Khôntg như các địa phương khác ở Kon Tum, huyện Kon Plông mùa này mưa không dứt. Tại xã miền núi Ngọc Tem (huyện Kon Plông) những cơn mưa cũng bắt đầu nặng hạt. Con đường dẫn lên điểm trường Đek Ta Âu, thuộc Trường Phổ thông dân bán trú tiểu học Ngọc Tem (xã Ngọc Tem) là những con dốc cao dựng đứng, thỉnh thoảng lại có những tảng đá lớn lởm chởm nằm chắn ngang. Gọi là đường chứ thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ rộng chừng mét, một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm.
Trên đường đi, nhìn thấy ngôi làng nào là một lần mừng vì nghĩ đã đến nơi, nhưng khi hỏi thăm người dân, họ lắc đầu, chỉ tay lên phía trên. Đi đến lưng chừng núi, ai cũng phải gửi lại đồ đạc cho một quán tạp hóa bên đường, bỏ luôn bộ quần áo mưa để đi cho đỡ vướng.
Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi từ trường chính mới đặt chân tới điểm trường Đek Ta Âu. Mệt không nói ra lời, mọi người nhìn nhau thở gấp. Cái cảm giác đặt chân đến đích khi nhiều lần muốn bỏ cuộc thật khó diễn tả.
Sáng dậy, thầy Tuyền dẫn học sinh qua những đoạn đường khó đi để đến trường
Địa danh Đek Ta Âu hiện ra trước mắt chúng tôi là mấy chục căn nhà ván gỗ, lợp tôn nằm quần tụ, san sát nhau giữa bốn bề là rừng già. Nổi bật trong bức tranh cụm làng là sự hiện diện của điểm trường Đek Ta Âu - nơi con em của người dân tộc thiểu số Ca Dong theo đuổi cái chữ.
Hôm nay, Đek Ta Âu trời đổ mưa suốt cả ngày, sương mù giăng phủ khắp núi đồi. Khi lại gần điểm trường, những tiếng đọc ê a của lũ trẻ phát ra từ lớp học nhanh chóng hòa tan vào màn sương khói chiều buông. Ánh mắt trong veo của những đứa trẻ người Ca Dong lấm lem bùn đất, dạn dày nắng gió đập vào mắt chúng tôi.
Vừa nhìn thấy người lạ, thầy Đoàn Văn Tuyền (SN 1992) ngỡ ngàng, nhìn thật lâu, mới thốt ra lời: “Thấy có khách ở xuôi lên thăm, mình mừng lắm! Lâu rồi, trừ thầy cô trong trường, không có ai lên đây”.
Sau khi tốt nghiệp, vì mưu sinh và đam mê với nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Tuyền từ Hà Tĩnh lên đây dạy học. Tuy nhiên, để gắn bó với nghề ở vùng đất được mệnh danh “đỉnh trời”, thì yêu nghề là chưa đủ mà còn phải có đức tính hi sinh, sẻ chia.
Thầy Tuyền vừa dạy lớp 1, vừa dạy lớp 2
Nhớ những ngày đầu lên Đek Ta Âu, thầy Tuyền kể: “Chuẩn bị lên đây, mình đã được các thầy đi trước cảnh báo “sẽ có khoảng thời gian không bao giờ quên”, tuy nhiên, không ngờ khó khăn đến vậy. Ngày mình lên nhận công tác, trời lúc đó cũng đổ mưa và phải đi bộ. Hành trang mang theo là giáo án và mấy bộ quần áo. Một mình cứ thế cuốc bộ tiến về hướng có đỉnh núi, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm đoạn nữa”.
Đặt chân đến Đek Ta Âu, thầy Tuyền đã nhận ra được những khó khăn, thiếu thốn và vất vả của con người nơi đây. Khó nhất của Đek Ta Âu là không có nguồn nước sạch, giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu... Làng ở độ cao trên đỉnh núi, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác thiếu nên nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là gạo luôn khan hiếm, phải mua từ ngoài trung tâm xã đưa vào. Giá ở xuôi một đồng thì lên đến đây phải 3 đồng.
Điểm trường Đek Ta Âu có duy nhất 1 lớp học ghép - học chung giữa lớp 1 và lớp 2. Tuyền là giáo viên duy nhất của điểm trường. Dù chỉ có 11 học sinh cũng phải mở lớp vì như vậy các em mới không lỡ con chữ.
Theo Tuyền, học sinh đi học, việc đầu tiên là dạy tắm rửa, đánh răng, rửa mặt và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen hỏi gì cũng im lặng. Những ngày sau, vừa dạy học, vừa giúp các em vệ sinh, hướng dẫn các em từng li từng tí. Nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò đôi khi vì đường xa, không đến lớp, Tuyền lại lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp thường xuyên.
Thầy Tuyền đều đặn đến nhà phụ huynh làm công tác tư tưởng để cho con đi học
Trời Đek Ta Âu đã về đêm, vốn quen thuộc từng ngõ ngách, từng nhà của trò, Tuyền dẫn chúng tôi đi quanh làng vào thăm phụ huynh. Ngồi nói chuyện với cha mẹ, thầy không quên nhắc “mai nhớ cho các em đi học”, nhiều phụ huynh cũng trả lời “ậm ự”.
Tuyền nói vậy là thành công rồi, mấy năm trước có khi phải bới cơm, đùm gạo băng rừng vào tận rẫy của bà con để vận động con em ra lớp. Rẫy người Ca Dong cách làng ngọn núi bên kia, sâu hun hút. Nhiều lúc, cả ngày chỉ dành thời gian để đi tìm 1 học sinh.
Bó hoa đẹp nhất ngày 20-11
Cùng đi trong chuyến hành trình về điểm trường Đek Ta Âu, có thầy Nguyễn Phi Quân (SN 1991). Không giấu nổi xúc động khi nhớ lại về quãng thời gian 2 năm gắn bó nơi đây, thầy Quân cho biết: “Mình dạy ở đây được 2 năm, cũng chừng ấy thời gian, người dân ở đây góp từng lon gạo, bó rau nuôi mình. Điểm trường không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ, mà đã là nhà, là gia đình của giáo viên cắm bản. Ở đó, đồng nghiệp là anh em, học sinh được thầy cô chăm như ruột thịt”.
Dù được người dân nơi đây rất quan tâm nhưng có những lúc cảm giác cô đơn, nhớ nhà khiến các giáo viên cắm bản mềm lòng. “Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Khi màn đêm buông xuống, sương phủ, gió lùa, lạnh cắt da cắt thịt. Không có người thân, sóng điện thoại chập chờn không biết tâm sự cùng ai, thực sự cô đơn vô cùng”, thầy Quân nhớ lại.
Ở đây cứ trời sáng là học sinh đến lớp, chứ không theo giờ
Nghe Quân nhắc đến người thân, Tuyền hướng ánh mắt nhìn về phía ngọn núi xa xa. “Thời gian chúng mình ở trường, tiếp xúc với học sinh còn nhiều hơn với con cái. Nếu ở trường chính, các giáo viên được gọi là “cán bộ 26”, nghĩa là thứ 2 đi làm, thứ 6 về nhà. Còn dạy ở điểm trường, thì họa may lắm cả tháng mới về được 1 lần với vợ con. Như mình, vợ con ở Quảng Ngãi dù muốn đi thăm chồng, nhưng do đường xá cách trở nên chưa lần nào lên được. Còn thầy Quân muốn về nhà ở Đăk Lăk phải đi đến 3 chặng xe. Về nhà cũng chỉ kịp nằm ngủ với con được 1 đêm rồi lại phải đi”, Tuyền nói trong xúc động.
Gác lại chuyện gia đình, Tuyền vỗ vai tôi khoe: “Anh biết không? 20-11 Tuyền đã được tặng hoa đấy! Từ khi đi dạy tới giờ, đây là lần đầu tiên được nhận hoa của học sinh. Bó hoa này ý nghĩa lắm! Vào ngày chủ Nhật, 11 học sinh đã vào rừng hái được 1 bó hoa dại, đến thứ 2 mang lên tặng thầy. Giờ các em đã biết đến Ngày nhà giáo Việt Nam, biết đến tặng hoa cho thầy thì không có món quà nào sánh bằng”.
Thầy Tuyền (mặc áo khoác đen) và 11 em học sinh chụp hình chung với phóng viên
Nhắc đến thầy Tuyền và các giáo viên đã cắm bản nơi đây, ông Đinh Hồng Quang – Bí thư Chi bộ Đek Ta Âu hồ hởi nói: Người Ca Dong thật thà, thương thầy giáo cũng chỉ biết đi rẫy đi rừng hái từng bó rau về cho thầy cải thiện bữa ăn. Những lúc không thể về xuôi, người trong làng góp lon gạo, chén mắm cho thầy giáo, ngược lại khi thầy lên cũng mang theo nhiều đồ cho lại dân làng.
Thầy Vũ Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân bán trú tiểu học Ngọc Tem cho biết, trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng. Riêng điểm trường Đek Ta Âu là nằm tốp khó khăn nhất tỉnh Kon Tum. Ở Đek Ta Âu 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, người dân ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục, nên những giáo viên ở đây ngoài sứ mệnh dạy học còn giống như 1 cán bộ cắm bản để tuyên truyền.
“Rất mừng là không riêng gì Đek Ta Âu, mà toàn trường tỷ lệ học sinh đến trường gần như đạt 100%. Ở xuôi thành tích này không có ý nghĩa mấy nhưng ở Ngọc Tem là một “thành tựu”. Bởi ở đây việc giữ trò đến lớp như một "cuộc chiến" trường kỳ của các thầy cô”, thầy Thành nói trong sự tự hào.