CẦN NHỮNG NỖ LỰC QUỐC TẾ
Trong kinh tế thế giới hòa nhập toàn cầu hiện tại, các dòng người lao động (NLĐ) di cư ngày càng nhiều và đan xen nhau. Tuy nhiên, làm sao để có thể di cư an toàn, không lọt vào các đường dây đưa người bất hợp pháp hoặc buôn người là nhiệm vụ khó khăn mà Việt Nam (VN) đang thực hiện, với sự hợp tác quốc tế rộng rãi.
“Gia đình hy vọng rất lớn vào tôi”
Những cụm từ liên quan đến gia đình, bà con, chòm xóm không thể thiếu trong những câu chuyện kể của tất cả những người Việt dù di dân vì lý do kinh tế theo con đường bất hợp pháp hay bị cưỡng ép, lừa gạt rơi vào đường dây buôn người, khi kỳ vọng của người thân đặt vào họ quá nhiều. “Gia đình hy vọng rất lớn vào tôi” là lời tâm sự của một di dân bất hợp pháp tới Anh xưng tên Cam (32 tuổi, người Nghệ An), được Tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại phỏng vấn. Cam là nông dân, đã có vợ và 2 con, anh quần quật trên đồng, tranh thủ lúc nông nhàn xin vào công trường phụ hồ để nuôi con ăn học và giúp đỡ cha mẹ già.
Do khái niệm gia đình của người Việt rộng nên trách nhiệm của Dao - thợ xây 45 tuổi đã có vợ và 3 con cũng ở Nghệ An ngoài việc lo cho vợ con mình, còn phải phụng dưỡng cha mẹ già và giúp đỡ các em. Anh rời Việt Nam năm 2009, ban đầu tới Czech rồi sang Ba Lan làm thợ xây, lưu lại Paris 2 năm, làm việc trong 1 quán ăn ở quận 13. Nơi làng quê, nhờ số tiền anh ky cóp gửi về, gia đình xây được ngôi nhà to, nhưng chắc chẳng ai hiểu được những vất vả, nguy hiểm anh từng trải qua và khoản nợ chất chồng mà vì nó, anh đang phải miệt mài làm việc ngày đêm để kiếm tiền trả.
Khái niệm của người Việt về “đoàn kết”, “giúp đỡ” trong gia đình theo nghĩa rộng mạnh đến mức có thể coi là trách nhiệm trong phần lớn trường hợp. Không ít người ra đi vì mong muốn của các thành viên trong gia đình, được cả họ tộc gần xa trong và ngoài nước giúp đỡ theo kiểu “chị ngã, em nâng”.
Người lao động Việt Nam đi làm việc theo các hiệp định chính phủ trước khi lên máy bay xuất cảnh
Chuyện của những người di cư bất hợp pháp tới Anh cho thấy gia đình, dòng họ có nhiều cách hỗ trợ như chỉ chỗ, mách mối, giúp nơi làm việc, góp tiền, thậm chí là trả hộ... Trớ trêu thay, truyền thống tốt đẹp của người Việt khi bị lạm dụng đã đẩy hàng chục ngàn người vào tình thế bất hợp pháp, nhiều cạm bẫy nguy hiểm.
Một số nghiên cứu quốc tế đã phát hiện đặc điểm này đồng thời khuyến cáo nên đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp “di cư an toàn” của Tổ chức Di dân thế giới (IMO) ở các địa phương và cộng đồng có khả năng phát sinh những “lớp sóng” di cư bất hợp pháp theo kiểu “người đi trước giúp kẻ đi sau”. Cần hành động để người lao động nhận thức được xuất ngoại theo các con đường hợp pháp an toàn, có lợi sẽ là biện pháp lâu dài và yên tâm hơn.
Ngăn chặn thảm họa
Cái chết của 39 người trong thùng xe container vượt biển vào Anh hôm 23- 10-2019, đang đặt ra vấn đề là làm sao để ngăn chặn những thảm họa tương tự. Trong đó, tình trạng buôn người và di cư bất hợp pháp của lao động Việt Nam sang Anh là một phần của thực trạng đầy phức tạp trên toàn cầu hiện nay.
Giữa Việt Nam và Anh đã có sự hợp tác trong lĩnh vực chống nạn buôn người. Từ năm 2015, Chính phủ Anh đã tiếp tục đầu tư hàng chục triệu bảng vào các dự án chống nạn buôn người như xây nhà ở các nạn nhân nạn buôn người đã hồi hương, cũng hỗ trợ phương tiện cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Cuối năm 2018, hai bên đã ký văn bản mở rộng hợp tác chống nạn buôn người qua các hoạt động như chia sẻ thông tin mật thu thập được trong lãnh vực này, hỗ trợ các nạn nhân và phòng ngừa những vụ việc tương tự.
Việc ngăn chặn dòng NLĐ bất hợp pháp từ VN trước tiên là nỗ lực từ trong nước. Trước hết là việc chính phủ ký kết và thực thi thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước khác. Đi theo quy định các thỏa thuận nói trên, NLĐ ở nước ngoài theo con đường hợp pháp, được bảo hộ bởi luật pháp; Nhà nước đảm bảo sự minh bạch, từ việc công khai địa bàn, mức thu phí, mức lương của từng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, những người do doanh nghiệp đưa đi đều được cấp visa, hộ chiếu, được bảo hộ quyền công dân, có bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê được công bố ngày 5-11-2019, trong 3 năm qua, mỗi năm VN đưa trên 100.000 người đi lao động ở các nước; nhiều nhất là năm 2018, có 143.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu là sang Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia. Ở khu vực châu Âu, nước ta đã ký thỏa thuận hợp tác lao động với Romania, Đức (đưa điều dưỡng viên đi làm việc). Việt Nam cũng thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc đưa người đi lao động diễn ra theo đúng thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi của NLĐ, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng hoặc lừa đảo mượn danh, trường hợp NLĐ trốn ở lại không về nước... Tuy nhiên, giữa Anh và VN chưa có thỏa thuận về HTLĐ như VN đã ký với nhiều nước khác.
Về phía Anh, sau cái chết của 39 người di cư bất hợp pháp, dư luận trong nước cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ tăng cường kiểm soát biên giới, đối xử nhân đạo với nạn nhân của các đường dây buôn người, điều chỉnh chính sách nhập cư, nới lỏng quy định thị trường lao động để thu hẹp khu vực “xám” (những công việc chủ yếu do người nhập cư bất hợp pháp đảm nhiệm), tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng để ngăn cản dòng người di cư bất hợp pháp...
Thậm chí đảng Dân chủ Tự do Anh còn đề nghị hợp pháp hóa thị trường cần sa, để quản lý và giảm bớt sức hấp dẫn của việc trồng loại chất gây nghiện này - lĩnh vực đang thu hút người Việt nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.
Tuy nhiên, vương quốc Anh và cả châu Âu đang phải đối mặt với dòng người di cư ồ ạt vì các biến động địa chính trị ở khu vực Trung Đông, lại thêm những hậu quả về các dòng chảy lao động sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nên những yêu cầu của dư luận Anh không có khả năng sớm được xem xét.
Mặt khác, các tuyến di dân bất hợp pháp từ VN sang châu Âu và Anh đi qua nhiều quốc gia khác, do đó sự hợp tác đa quốc gia, đặc biệt từ phía các quốc gia quá cảnh (có dòng người di cư bất hợp pháp đi qua và cũng chính là nơi người di cư gặp nhiều nguy hiểm nhất) là hành động tích cực để ngăn chặn thảm họa. Điều này là quan trọng trong bối cảnh mỗi quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề người nhập cư, do đó vấn đề quá cảnh thường được đẩy xuống hàng thứ yếu. Như trong vụ 39 người di cư bất hợp pháp gặp nạn tại Anh vừa qua, chỉ có công luận tại Anh và VN lên tiếng mạnh mẽ nhất.