Nhập cư lậu sang Anh và giấc mơ không thành (kỳ 2)

Thứ Ba, 05/11/2019 15:31

|

TÙ GIAM LỎNG TRONG CÁC “TRẠI CỎ”

Theo thống kê, người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh không nhiều so với các quốc gia khác, đặc biệt từ Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, số người Việt di cư bất hợp pháp bị bắt, kết án và trục xuất lại thường gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông có lẽ một phần do họ dính líu đến cách kiếm tiền đã và đang gây tranh cãi tại Anh: trồng cần sa với trị giá hơn 3 tỷ USD/năm. Theo một khảo sát, 96% số người di cư bất hợp pháp tham gia trồng cần sa ở Anh năm 2012 là người Việt.

Kiếm tiền trong “trại tập trung”

Cuong Nguyen (41 tuổi) là một trong hàng ngàn người Việt di cư tại Anh từng giam mình trong những trang trại trồng cần sa. Ra đi từ thành phố cảng Hải Phòng năm 2008, Cuong Nguyen, từng là dân anh chị và vướng vào nghiện ngập, chỉ mong kiếm được nhiều tiền hơn, nên đã chi 15.000 USD cho phía trung gian để mua hộ chiếu giả sang Pháp. Từ đó anh ta tìm cách trốn qua Anh theo ngả Calais. Ở miền đất lạ, không biết tiếng Anh, Cuong Nguyen phải nhờ tới những người di cư trước và được giới thiệu làm việc cho chủ của nhiều trang trại cần sa ở ngoại ô.

Hình ảnh Cuong Nguyen trên báo Anh

Chính quyền Anh chỉ cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế và chính sự “nhân nhượng” này đã dẫn tới thực tế, năm 2007 đây là loại ma túy phổ biến nhất vương quốc này với 7,2% người Anh trong độ tuổi 16 - 59 sử dụng. Các trang trại trồng cần sa bất hợp pháp mọc lên chủ yếu tại những khu bất động sản bỏ hoang như bệnh viện, nhà kho, xưởng máy, thậm chí cả... hầm ngầm chống bom nguyên tử!

Trong những trang trại này, hệ thống đèn chiếu sáng hàng ngày cho cây cần sa được ăn cắp một cách tinh vi để tránh bị phát hiện và khoảng 2 tháng hơn thì thu hoạch 1 vụ. Số di cư bất hợp pháp được thuê trồng cần sa bị nhốt trong trại như tù nhân, không dám ló mặt ra ngoài vì sợ bị bắt, do không biết tiếng Anh và bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân. Tất cả ngủ trên những tấm nệm trải trên mặt đất, thức ăn hàng ngày được đưa tới vào khoảng nửa đêm, cuộc sống buồn tủi, không điện thoại, truyền hình... cứ thế trôi qua.

Một căn phòng trồng cần sa với hệ thống đèn chiếu sáng và nước tưới

Công việc mỗi ngày của Cuong Nguyen là dậy sớm, ăn cơm, rọi đèn (thay ánh sáng mặt trời) khoảng 2 tiếng đồng hồ cho đám cần sa và chăm sóc chúng, quanh quẩn trong trang trại để tránh bị bắt. Theo luật pháp Anh, việc sản xuất, mua bán, tàng trữ cần sa có thể bị phạt tù từ 5 - 14 năm.

Thế rồi vào ngày nọ, cảnh sát tiến hành lục soát khu vực này. Cuong Nguyen chỉ kịp thoát thân, nhưng được ít ngày đã phải quay lại việc trồng cần sa, lần này là ở một khách sạn gần Bristol. Tích cóp được 19.000 USD, nhưng anh vẫn ấm ức vì ông chủ đã lừa gạt công sức anh bỏ ra. Cuộc đời tiếp tục đưa đẩy Cuong Nguyen lên London, bán cần sa kiếm sống và “truyền nghề” trồng chất gây nghiện này cho những người mới đặt chân tới “miền đất hứa”.

Năm 2014, Cuong Nguyen bị bắt về tội hút cần sa và dấu vân tay đã tố ngược anh vào vụ trồng cần sa năm xưa ở Bristol, dẫn đến 10 tháng tù tội. Sau đó anh bị trục xuất về Việt Nam, giống như 1.600 người Việt nhập cư vào Anh bất hợp pháp, trong đó có ít nhất 22 trẻ em dưới 14 tuổi, bị trả về nước sau năm 2014. Về lại quê nhà, tuy trắng tay nhưng Cuong Nguyen cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Trong căn nhà trống của mình, anh dự định mở 1 thẩm mỹ viện để kiếm tiền lo cho đứa con sắp chào đời.

Hôm 15-10-2019, báo chí Anh tiếp tục đồng loạt đưa tin cảnh sát đã giải thoát 3 thiếu niên 15 - 17 tuổi trồng cần sa trong một trang trại ở thị trấn Rochdale, cách thủ đô London khoảng 350km về phía tây bắc. Cảnh sát trưởng Rochdale vô cùng kinh ngạc trước những điều kiện khắc nghiệt mà các em phải chịu đựng khi làm việc tại đây.

Liều mình vượt biển

Mặc dù vậy, nỗi vất vả ở các “trại cỏ” vẫn chưa thấm vào đâu so với những nguy hiểm mà người di cư bất hợp pháp phải trải qua trên dặm dài tới “miền đất hứa”.

Cuong Nguyen được thu xếp cho vượt biển giữa Anh - Pháp dưới bụng 1 chiếc xe tải, mà theo anh “rớt xuống là mất mạng”. Có những người may mắn hơn Cuong Nguyen đã đến Anh trên những chiếc ôtô tải sàn bị đục lỗ hoặc làm thêm lớp đáy thứ hai. Trước khi lên xe, nhiều người phải tẩm xăng dầu lên cơ thể để đánh lừa cảnh khuyển và mặc tã cỡ đại bởi sẽ không có cơ hội đi vệ sinh trong nhiều giờ.

“Tôi đã từng trải nghiệm nỗi tuyệt vọng vào những phút cuối đời như họ”, khi biết tin 39 người di cư bất hợp pháp tới Anh bị chết ngạt trong thùng xe container khi vượt biển hôm 23-10-2019, Al-Rashid, nam thanh niên 29 tuổi người Syria, buồn bã cho biết. Năm 2015, Ahmad đã từng đánh vật để cố hớp lấy chút không khí hiếm hoi sót lại trong thùng xe chứa đầy gà đông lạnh ở cảng Calais. May mắn là ôtô chưa rời cảng và đã có người nghe tiếng la hét, đập cửa của các nạn nhân đang tuyệt vọng trong container, nên tất cả được cứu kịp thời.

Vượt biển bằng xe tải bất thành, nhiều người đánh liều chen lên những chiếc xuồng nhỏ (loại xuồng cứu sinh) để vượt eo biển Manche. Tháng 8-2018, Cảnh sát Anh đã bắt quả tang 3 người Anh, trong đó có 2 người gốc Việt, tổ chức đưa 4 người Việt nhập cư trái phép bằng xuồng máy vượt 130km đường biển, đổ bộ lên thị trấn Walmer (gần Dover, điểm đến quen thuộc của dân di cư bất hợp pháp). Những người nhiều tiền hơn có thể đi bằng tàu cá. Hôm 9-10-2019, công dân Anh tên Jon Ransom (63 tuổi) đã ra tòa với cáo buộc tham gia đưa 29 người Việt nhập cảnh trái phép từ Pháp.

Những chiếc xuồng nhỏ (loại xuồng cứu sinh) để vượt eo biển Manche

Sự việc được phát hiện hôm 12-4, khi số này tới cảng Newlyn (cực tây nam nước Anh) trên chiếc du thuyền lớn. Số di cư đã nhảy qua hàng rào cảng ra bãi xe nơi có chiếc ôtô tải nhỏ chờ sẵn, do Ramsom lái, cùng 1 xe khác bám theo ôtô chở người tị nạn. Nhận được tin báo từ cảng, cảnh sát đã chặn đoàn xe, bắt giữ tất cả, trong đó có Ransom. Trong số này có 2 người châu Âu theo du thuyền từ Pháp tới và 1 trong 2 người đó có giấu mảnh giấy ghi tên Ransom cùng số điện thoại của ông ta.

Thông qua số liệu người Việt nhập cư Anh bất hợp pháp bị bắt giữ trước khi vượt biển vào Anh và bị trục xuất khỏi nước này do Tổ chức phi chính phủ AAT thu thập, có thể thấy đa số là nam giới từ 25 - 40 tuổi, đã có gia đình.

(Còn tiếp...)

Nhập cư lậu sang Anh và giấc mơ không thành (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang